TTCT - Câu chuyện của 3 bạn sinh viên 9X vật lộn trong khuôn đúc chật chội của giáo dục trước khi vượt rào, rẽ sang những ngả đường khác nhau được đề cập trong số báo 47 nhận được nhiều phản hồi của độc giả. Họ sống ra sao với lựa chọn của mình? Liệu thế giới có một phương thức giáo dục nào khác phù hợp với những kiểu học sinh “phá cách” như vậy? Ba cô gái được đề cập trong bài viết trước đều thừa nhận ngay khi vượt ra khỏi khuôn đúc, họ bừng sáng như cây khô héo được tưới nước, tràn trề năng lượng tiếp thu và háo hức học những điều họ có nhu cầu, theo cách họ thấy hợp với mình. Phương Uyên tâm sự: “Khi tôi quyết định bỏ ngang sư phạm, tôi đã rất rõ lựa chọn tiếp theo rồi: kiến trúc. Và tôi luôn chừa lại một cánh cửa an toàn để quay lại sư phạm nếu không đạt được mục đích. Với tôi, đó là cách có trách nhiệm với cha mẹ”. Uyên hiểu rằng ba mẹ đã nuôi nấng mình vất vả nhường nào và dẫu con cái có gặp chuyện gì thì ba mẹ cũng không bao giờ bỏ rơi mình. Uyên kể: “Ngày biết tin đậu khoa thiết kế nội thất của Đại học Kiến trúc TP.HCM, tôi mừng đến độ quên mất là mình đã giấu gia đình suốt một năm qua, chạy ngay đến với mẹ mà reo lên: Mẹ ơi, con đậu kiến trúc rồi, con học nhé!”. Uyên không ngờ gia đình đã đồng ý dễ dàng dẫu trước đó chống đối kịch liệt. Vào được trường kiến trúc, cô gái trẻ này như được sống lại, cô phấn đấu mỗi ngày, biết rõ mỗi ngày cần phải làm gì, tương lai 10 năm nữa ra sao, chủ động đi tìm kiến thức chứ không học thụ động, tham gia các dự án thiết kế liên quan đến văn hóa, lịch sử - lĩnh vực mình đam mê, theo đuổi... Nhật Nghi thì khác: “Với tôi, cửa an toàn không phải lúc nào cũng là giải pháp!”. Nghi kể một ví dụ đã cho cô bài học về lựa chọn: Tôi có một người bạn học chung, cũng đi qua những ngày bế tắc ở trường, ngắc ngoải với bao nhiêu đồ án, rồi cũng lếch thếch ra trường. Giờ người bạn trở thành một nhà thiết kế nội thất không tâm huyết với nghề, làm ra những thứ nhạt nhòa, nhàm chán nếu không muốn nói là thảm họa mà bản thân người làm nghề chân chính không bao giờ chấp nhận. “Tôi thì không thể sống một cuộc đời nhàm chán, làm một công việc chỉ giải quyết mỗi chuyện kiếm tiền...” - Nghi nói dứt khoát. Cô gái trẻ này chọn cách nói thật với mẹ vào một dịp về quê nghỉ tết (thời điểm đó mẹ cô nghĩ cô đang học năm 4). “Đó là một quyết định rất khó khăn. Từ nhỏ tôi là con một nên chỉ sống với mẹ - một người khuyết tật và dì, người đến bây giờ vẫn độc thân. Tôi là tất cả hi vọng và kỳ vọng của mẹ và dì. Tới bây giờ, mẹ tôi vẫn chưa hiểu được tôi. Nhưng tôi tin rồi có ngày mẹ sẽ nhận ra là tôi rất hạnh phúc với lựa chọn của mình” - Nghi tâm sự. “Tay của Nghi” - cái cửa hàng nhỏ cô tự “khởi nghiệp”, là nơi theo cô, có thể đào sâu giá trị tinh thần, gửi gắm những thông điệp trân trọng cuộc sống, quý giá khoảnh khắc hiện tại vào từng sản phẩm, là nơi mỗi họa tiết cô thiết kế đều mang một ý nghĩa chứ không phải đẹp... vu vơ. “Đây cũng là nơi thúc đẩy tôi học hỏi không ngừng từ thực tế, từ Pinterest, YouTube... và quan trọng nhất là từ kho tri thức vô hạn trong sách. Tôi thấy mình như được tái sinh, như một miếng bọt biển với năng lực thấm hút kiến thức cực mạnh mà tôi chưa bao giờ có khi ở Trường đại học Kiến trúc TP.HCM” - Nghi tự tin nói. “Tôi sẽ đợi thêm thời gian, đến lúc ba mẹ sẵn sàng hơn và bản thân tôi đạt được những thành công nhất định. Tôi chưa xác định được tương lai xa nhưng trước mắt, sau một năm nữa, tôi mong muốn trở thành họa sĩ và vẫn đang tích cực học để làm điều đó: học trên mạng và từ cộng đồng vẽ xung quanh. Tôi phải có quyền quyết định cuộc đời tôi” - T.T.V. chia sẻ. Cô gái tuổi đôi mươi này tự tin nói rằng cô mới chính là người phải chịu trách nhiệm cuộc đời mình, nên “sống tốt thì mới lo lắng cho người khác được, phải có thì mới có thể cho, phải vui vẻ hạnh phúc thì mới có thể mang niềm vui đến cho người khác”. Câu chuyện của ba sinh viên quyết rẽ ngang vì muốn tìm một lối học phù hợp với năng lực và đam mê của mình có thể xem như một cách phản kháng của tuổi trẻ. Tuy nhiên, điều này cũng gợi lại những ý tưởng từ mô hình giáo dục theo hướng cá nhân hóa mà một số nước đã thực hiện thành công. Luôn có nhiều cá nhân muốn “khác”, vậy nền giáo dục có thể làm gì cho họ?■ Tags: Giáo dục đúc khuônGiáo dục rập khuônNếu không có khuôn
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
16 hợp đồng trị giá 286 triệu USD ký tại triển lãm quốc phòng quốc tế NAM TRẦN 22/12/2024 Các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng.
Chi tiết toàn bộ bảng lương công chức áp dụng năm 2025 THÀNH CHUNG 22/12/2024 Dưới đây là chi tiết toàn bộ bảng lương công chức được áp dụng từ năm 2025. Bảng lương được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Du khách nhộn nhịp đến Phú Quốc dịp Noel và Tết dương lịch 2025 CHÍ CÔNG 22/12/2024 Dịp lễ Noel và Tết dương lịch 2025, khách quốc tế và đặc biệt là khách nội địa nhộn nhịp trở lại đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Trí thức góp ý chính sách phát triển TP.HCM trong kỷ nguyên mới TRẦN HUỲNH 22/12/2024 Ngày 22-12, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024.