15/08/2019 13:37 GMT+7

Nếu được quay lại thời gian, tôi sẽ khác...

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện vào tháng 2-2017, khi đó tiến sĩ M.T. bộc bạch với người viết và mong giữ lời hứa rằng chỉ đăng sau khi nhân vật mất.

Nếu được quay lại thời gian, tôi sẽ khác... - Ảnh 1.

Có những hạnh phúc rất bình dị và luôn kề cạnh mà chúng ta hiếm khi để ý - Minh họa: LOOK

"Tôi đang thực hiện một dự án đem y tế giá rẻ xuống miền Tây, sợ nhà đầu tư biết tình trạng sức khỏe thì sẽ không hay". Nụ cười của M.T. giờ vĩnh viễn tắt sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh. Xin gửi đến bạn đọc những tâm sự của M.T. nhân dịp Vu lan.

Là một tiến sĩ trẻ có những cột mốc đáng kể trong sự nghiệp nhưng một biến cố về sức khỏe đã ập đến, khiến tiến sĩ M.T. (sinh năm 1986, từng công tác tại Viện ĐH Alberta, Canada) có những góc nhìn khác về cuộc sống, về gia đình và khái niệm hạnh phúc thật sự.

* Được biết bạn vừa đón một cái tết cổ truyền tha hương trên giường bệnh, và vài hôm trước khi trò chuyện, bạn có buột miệng "tôi nhớ cái tết ở quê nhà lắm"...

- Tết Nguyên đán 2017 là cái tết xa quê thứ bảy của tôi và là cái tết đầu tiên tôi phải đón trên giường bệnh do phải vào hóa trị để chữa căn bệnh ung thư phát hiện cuối năm 2016. Thời điểm tết cổ truyền của dân tộc cũng là lúc các trường đại học ở Mỹ, Canada... bắt đầu học kỳ mới nên công việc của tôi rất bận rộn. 

Tôi thỉnh thoảng có về thăm VN vào dịp tết Tây nhưng cảm giác rất khác biệt. Tết cổ truyền luôn là dịp mà tôi nhìn lại bản thân để biết dòng máu Việt vẫn cuồn cuộn trong người, để cảm nhận sự thích thú khi được cắn miếng bánh chưng, bánh tét và song song đó là sự thèm thuồng hương vị quê hương, không khí êm đềm, ấm áp bên cạnh người thân, gia đình. 

Những bạn ở nơi có tuyết rơi nhiều, lạnh giá quanh năm như tôi thì nỗi nhớ tết lại càng dâng tràn. Tôi nhớ tết như nhớ ông bà, cha mẹ và tuổi thơ của chính mình...

* "Con nhìn hai bàn tay con, không một nốt chai sần dù đã qua 30. Con biết đó là nhờ mẹ, bàn tay mẹ đầy u sần, chai sạn do lao động vất vả", "từ bé khi thấy mẹ cha vất vả, con đã thề với lòng là con sẽ có một cuộc sống rất khác"... Dường như từ lúc phát hiện bản thân bị bệnh, những dòng chia sẻ của bạn trên Facebook nhiều tâm sự hơn, nhất là về gia đình.

- Nếu nói tôi chưa từng làm điều gì để cha mẹ muộn phiền thì đó là một lời nói dối. Tuổi trẻ ai cũng có những phút bồng bột, muốn được ra ngoài sống cho tự do, khỏi phải nghe những lời nhắc nhở, càm ràm từ cha mẹ mỗi ngày. 

Tôi còn nhớ khi vào tuổi chớm lớn, mẹ bảo sao thì tôi chắc chắn sẽ làm ngược lại. Có lẽ tôi muốn chứng minh mình đã trưởng thành. Ngày đậu vào đại học và được lên thành phố, tôi từng viết "thoát khỏi gia đình như một mơ ước mãnh liệt".

Nhưng nếu nhìn lại, tôi có thể khẳng định mẹ chính là điểm mềm yếu nhất trong tâm hồn tôi. Những tháng năm ở trọ ký túc xá hay sống tha hương giúp tôi nhận ra mình thật may mắn khi còn có cha, có mẹ dù họ gốc gác quê mùa, làm nông. 

Cha mẹ tôi không giàu có để cho con cái tài sản làm của hồi môn nhưng họ cho anh trai và tôi cơ hội được đi học để có thể tự lo cho tương lai chính mình. Mỗi lần được ăn những món ngon, được đặt chân đến những vùng đất tươi đẹp..., tôi đều thầm cảm ơn những hi sinh của cha mẹ ngày nào.

* Bạn cũng từng chia sẻ với chút nuối tiếc "tôi phấn đấu rất nhiều ở thời đại học để có một suất học bổng du học Mỹ vì từng nghĩ nó giúp tôi khẳng định được mình là ai, nhưng...".

- Khi còn trẻ, tôi nghĩ ai cũng cần có những ước mơ lớn, mãnh liệt hay thậm chí điên rồ nhất. Tuổi trẻ nào cũng cần có hoài bão và một chút ngông. Việc sống hết mình và hoàn thành được những giấc mơ như vậy là điều không sai.

Nhưng quả đúng là đôi khi chúng ta sống quá hết mình với tuổi trẻ, quá bận rộn với guồng quay mưu sinh... nên không có được sự cân bằng trong cuộc sống riêng, ít để tâm đến những hạnh phúc bình dị nhất. Tôi từng rất đau khổ về chuyện tình cảm cá nhân đổ vỡ. Tôi thậm chí cũng từng mất cơ hội cuối cùng gặp lại người bà mà bản thân hết mực yêu quý... do không sắp xếp được thời gian trở về.

Bạn vẫn làm việc bình thường sau khi phát hiện bị ung thư?

- Cũng là người làm trong lĩnh vực y khoa nên tôi chỉ hơi buồn ngày biết kết quả khám sức khỏe, điều khiến tôi lo lắng nhiều hơn là cảm xúc của người thân, gia đình. May mà mọi người cũng thấu hiểu và động viên tôi nhiều.

Tôi vẫn nghiên cứu, giảng dạy bình thường tuy năng suất có thấp hơn do tác dụng của việc hóa trị. Nhưng tôi thấy cuộc sống hiện khá ổn. Như đã nói, tôi biết mình đã có một cuộc sống tốt hơn rất nhiều người.

Ngoài công việc ở Canada, tôi còn thực hiện một dự án y tế cộng đồng cho bà con dưới miền Tây có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế một cách thuận lợi và tốt nhất. Dự án đang thu hút tài trợ rất tốt, bên cạnh đó tôi cũng nhận được sự hỗ trợ, tham gia của nhiều bác sĩ... và tôi mong sẽ sớm thấy "đứa con tinh thần" này trong tương lai gần.

Ngày xưa tôi tham vọng lắm, cái gì cũng muốn mình phải số 1, chẳng hạn như học là phải đứng nhất, làm việc phải tốt nhất...

Tôi từng làm việc như một cái máy và chỉ để ý đến số tiền kiếm được nên không có nhiều thời gian cho người khác. Tôi thậm chí từng làm việc liên tục 14 tiếng mỗi ngày.

Nhưng giờ tôi nhận ra những thứ đó không có ý nghĩa bằng những điều thiên về giá trị tinh thần, ví như tình thương, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa mình và cha mẹ, hay bạn bè xuất hiện khi mình cần có người trò chuyện...

Nếu được quay trở lại thời gian, tôi sẽ khác...

Vlogger Hàn bị ung thư chia sẻ hành trình chữa bệnh hút 4 triệu lượt xem

TTO - Những chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong hành trình đương đầu với bệnh ung thư máu của vlogger Dawn Lee người Hàn Quốc đã thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Vu lan gia đình ung thư