Chị là Nguyễn Thị Hồng, 29 tuổi, quê Quảng Ngãi. TAND TP.HCM tuyên phạt chị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích. Gặp lại chị vài ngày sau phiên xử, vẫn dáng người nhỏ thó, tay chân tong teo ấy nhưng chị mặc áo khoác che hết cả người.
Tình yêu khờ dại
Căn phòng trọ của chị nằm sâu hút trong con hẻm nhỏ đầy quanh quẹo của khu nhà trọ công nhân ở quận Thủ Đức, TP.HCM.
“Phải như khi chia tay, nó nói câu nào nhẹ nhàng hơn, nói mình tìm người khác tốt hơn thì sự việc có lẽ không đến nông nỗi này”. Chị gọi người tình cũ là “nó” cùng cái thở dài “chị còn khờ dại nhiều lắm”.
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ từ 9 năm trước, chị đóng chặt lòng mình. Một mình đi làm về rồi lủi thủi trong căn phòng trọ vài mét vuông. Cho đến những ngày P.V.H. quan tâm đón đưa, trái tim chị rung động trở lại.
Tự ti là gái đã có chồng, chị từng trốn chạy cảm xúc của chính mình. Nhưng rồi cảm xúc không thắng nổi lý trí, chị ngã về phía H..
Rồi chị vô tình biết H. có người khác. H. nhắn tin chia tay chị. Chị tìm mọi cách níu kéo H. nhưng H. vẫn một mực không hồi đáp tin nhắn, không nghe điện thoại.
Trong mớ suy nghĩ hỗn độn của những ngày bỏ ăn, bỏ việc ấy, câu nói “Anh chỉ coi em là nơi giải quyết nhu cầu, khi nào cần anh sẽ tới” làm chị uất ức.
Chị lên kế hoạch giết H., rồi cả hai cùng chết. Chiều 7-1-2016, chị mua một con dao cùng 3 lít xăng mang về phòng trọ cất giấu. Chị nhắn H. qua ngủ đêm cuối rồi chị về quê.
Đêm đó, H. ngủ say, chị cầm dao định đâm H. rồi tự vẫn. Nhưng đôi tay run run, con dao rơi xuống nền nhà. Chị lấy can xăng đổ lên đống quần áo gần chỗ H. nằm. Chị chạy về phía góc phòng, vừa bật lửa thì ngọn lửa phừng phực cháy.
Lửa dữ dội làm chị hoảng, chị kêu H. dậy để chạy trốn. Cả hai như hai ngọn đuốc chạy ào ra khỏi phòng. H. được em họ đưa thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy. H. bị thương 29%. Chị không người thân thích, phải đợi dập lửa xong mới được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Thủ Đức.
Trả giá
Trả giá cho sự nông cạn là một cơ thể biến dạng hoàn toàn với 92% thương tật. Chị mê man nhiều ngày với những vết thương băng bó toàn thân. Khi tỉnh dậy, chị nhờ người báo giúp với quản đốc, mọi người mới biết vào thay phiên chăm sóc.
Biết tin, một người họ hàng từ quê vào nhưng nghĩ sẽ chẳng cứu được nên cũng lặng lẽ rời đi. Một nhà sư cùng phòng bệnh, thương hoàn cảnh chị nên kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp tiền để chị được phẫu thuật.
Chị bây giờ cơ thể chằng chịt những vết sẹo, chỗ lồi chỗ lõm, chỗ đen chỗ trắng, chỗ cháy sạm, chỗ vừa lên da non. Cơ thể gần như biến dạng, khuôn mặt thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ như đẩy dần chị xa với thế giới, để rồi chị cô độc trong chính thế giới riêng của mình.
Suốt thời gian dài, mọi người không cho chị soi gương. Khi dần đi lại được, chị lén mua chiếc gương cầm tay.
Ngay cái khoảnh khắc chị nhìn mình trong gương cũng là khoảnh khắc chị gục ngã trên chính đôi chân yếu ớt. Đêm nào chị cũng úp mặt khóc ướt cả gối. Chị khóc vì hối hận, vì sự bồng bột và nông nổi. Khóc riết rồi hết, đau riết rồi cũng quen, chị gượng đứng dậy.
Vốn dĩ sinh ra đã bị hắt hủi khi chị là con rơi. Bà ngoại thương cháu mà ôm về nuôi nhưng phải chuyển đi chỗ khác vì không chịu nổi điều tiếng dư luận. Chị cúi gằm mặt, chùi vội dòng nước mắt, lí nhí nói khi nhắc đến gia đình: “Có ba mẹ nào đâu”!
17 tuổi, chị vào Sài Gòn làm công nhân. Những ngày của tuổi 19 tươi xanh, khi còn chưa kịp biết gì, chị theo chồng về quê, làm vợ, làm mẹ. Chồng đi làm xa, cặp hết cô này đến cô khác, đánh đập hành hạ chị. Rồi cái hôm anh tát vào mặt chị, chị ôm con bỏ chạy nhưng vẫn bị nhà chồng giật lại đứa bé.
Chị vào lại Sài Gòn làm công nhân. Tưởng rằng chị đã tìm lại được hạnh phúc để vun vén khi gặp H.. Ai dè... Người ta phũ phàng, nhưng khi hỏi chị còn tình cảm với người ta không, chị thẽ thọt trả lời: “Chắc là còn”...
Suốt cuộc trò chuyện, không biết bao nhiêu lần chị nói “Phải như”, “Giá như”... Nhưng cuộc đời này làm gì có hai từ “giá như”...
Hậu quả quá lớn Là một luật sư từng trực tiếp tham gia bào chữa cho bị cáo dùng xăng đốt người yêu, tôi cảm nhận được sự tàn phá khủng khiếp của hành vi này. Nếu may mắn không chết thì cũng sẽ trở thành người tàn tật suốt đời. Chỉ vì chút bốc đồng, thiếu kiềm chế, vì cái tôi lớn mà hậu quả phải gánh chịu là sự tàn phế suốt đời. Trong khi đó, với các bạn trẻ, sẽ khó thuyết phục họ bình tĩnh hay thận trọng hơn trước những suy nghĩ bồng bột hay hành động xốc nổi bằng lời nói suông. Chỉ khi họ nghe tận tai và thấy tận mắt những tác hại và hậu quả của chính những người trong cuộc thì tôi nghĩ họ mới tin và thay đổi suy nghĩ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận