Lãi suất tiết kiệm đi xuống nhưng nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ khi rót vốn vào kênh trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh minh hoạ: DUYÊN PHAN
Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 5 tháng đầu năm 2020 là 91.616 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý là các doanh nghiệp bất động sản gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm xuống thấp, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp do có lãi suất cao hơn. Các công ty chứng khoán, ngân hàng cũng đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân.
"Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Vì nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, nhà đầu tư có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu, bao gồm cả gốc và lãi", Bộ Tài chính cảnh báo.
Bộ này cũng khuyến cáo nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc tổ chức bảo lãnh, phân phối cung cấp đầy đủ các thông tin, cam kết của doanh nghiệp phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành…
Đối với doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính khuyến nghị phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành khả thi, đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn. Không được vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành với nhiều mã trái phiếu.
"Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp", bộ này thông báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận