08/11/2019 09:28 GMT+7

'Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị mất chức'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Từ chất vấn của đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong ngày 7-11, lộ ra bức tranh đáng lo: thiếu điện đang rất gần. Đáng nói là cảnh báo thiếu điện được đưa ra từ nhiều tháng trước nhưng tình hình chậm cải thiện.

Nhưng cũng không thể quên tháng 3-2019, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam "cảnh báo" do cung ứng than không đầy đủ, có thể dẫn đến thiếu điện và phải cắt điện luân phiên từ đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn, "nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị mất chức".

Hệ lụy của tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên là rất lớn. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây gián đoạn sản xuất mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân. Bởi thế, câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn nguyên tính thời sự.

Rõ ràng, chúng ta không còn nhiều thời gian để thoát ra cảnh thiếu điện, nếu không có giải pháp đột phá. Nói thiếu điện đã rất gần bởi để xây thêm một nhà máy điện phải mất vài năm, trong khi danh sách nhà máy điện chậm tiến độ cứ dài ra.

Hiện chúng ta không có nhiều lựa chọn về nguồn phát điện. Thủy điện và nhiệt điện là hai nguồn chính chiếm tỉ trọng lên tới trên 77,5% trong tổng nguồn huy động điện trong 9 tháng đầu năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Nhưng thực tế thật đáng lo. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xuống đến mực nước chết, kỷ lục trong 30 năm qua. Nhiệt điện Quảng Ninh nằm ngay giữa vùng than nhưng vẫn... đói than khi mức dự trữ chỉ đảm bảo cho các tổ máy hoạt động được từ 2-6 ngày, so với yêu cầu 12 ngày vận hành.

Việt Nam phải nhập than để sản xuất điện kể từ năm 2015 và nhu cầu này tăng mạnh trong năm 2019 khi việc huy động nguồn từ các nhà máy thủy điện khó khăn.

Đến năm 2025 Việt Nam phải nhập khoảng 31 triệu tấn than và 2,2 triệu tấn khí, năm 2030 phải nhập 50 triệu tấn than và 12,5 triệu tấn khí.

Trong khi điện mặt trời dù phát triển mạnh nhưng chưa thể là giải pháp hoàn hảo. Với mức giá 9,35 cent/kWh, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô vào đầu tư nhưng do thiếu đồng bộ hệ thống truyền tải, khó khăn trong vận hành nên điện tái tạo chỉ chiếm 1,54% tổng nguồn huy động.

Như vậy hàng loạt nguồn phát trong tình trạng chưa ổn thì việc xây thêm nhà máy mới lại ì ạch đến sốt ruột càng làm nguy cơ thiếu điện là hiện hữu. Chỉ có 15/62 dự án hoàn thành. Cuộc họp cách đây 3 tháng của Bộ Công thương đã phải rà soát danh mục từng dự án.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi đó đã đề nghị xem xét trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án, các bên liên quan hay thậm chí là phải có chế tài mạnh.

Hàng loạt biện pháp đã được triển khai, cũng đã có những dự án bắt đầu "nhúc nhích". Nhưng, như Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng - phụ trách lĩnh vực điện - trăn trở rằng "nếu cứ theo luật mà làm", nhiều dự án có thể đi vào ngõ cụt.

Khó khăn chồng chất, vướng đủ kiểu nhưng xã hội không chấp nhận xảy ra tình trạng thiếu điện như đã từng xảy ra trong thời bao cấp và giai đoạn đất nước còn khó khăn.

Phó thủ tướng: Nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu Phó thủ tướng: Nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu

TTO - Trước tình trạng hàng loạt dự án điện chậm tiến độ như Long Phú, Thái Bình 2, Bạc Liêu…, nhiều đại biểu Quốc hội truy tư lệnh ngành công thương về trách nhiệm đối với nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên