Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói tại Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 17 khóa IX của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức ngày 9-5 ở Hà Nội.
Giáo viên đã bắt đầu làm quen được với chương trình mới
Được mời trình bày tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua năm 2018 và bắt đầu được triển khai năm 2019, với thay đổi mấu chốt là một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK).
Tới nay đã có 6 lớp thay SGK theo chương trình mới gồm các lớp 1, 2, 3, 6, 7,10. Các lớp 4, 8, 11 sẽ triển khai từ năm học tới và sẽ thẩm định SGK ba lớp còn lại là 5, 9, 12. Tới năm 2025 sẽ kết thúc quá trình thay SGK.
Trước đó, một bộ SGK một kế hoạch học tập đồng loạt áp dụng cho cả nước.
Ông Sơn phân tích SGK chương trình giáo dục phổ thông mới được soạn theo những định hướng phát triển năng lực của người học, gia tăng yếu tố thực hành, trải nghiệm, dành quyền chủ động cao hơn cho người dạy, người học.
Trước ý kiến một quốc gia mà có nhiều bộ SGK thì làm sao mà thống nhất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định một chương trình nhiều bộ SGK là câu chuyện phổ biến trên thế giới. Nhiều nước đang làm như vậy. Hiện Việt Nam có ba bộ sách.
Ông Sơn cũng nói, với chương trình cũ, bộ kiểm soát chất lượng sách nhẹ nhàng hơn. Chương trình này việc quản lý của bộ khó khăn, phức tạp hơn. Rủi ro trong thẩm định chất lượng SGK cũng cao hơn trước đây. Và vì mới, lạ, nên khi truyền thông không đầy đủ thì rất dễ gây phản ứng của xã hội.
Tuy nhiên, thực tế giáo viên tới thời điểm này đã bắt đầu làm quen được với chương trình mới, đã tạo không khi đổi mới trong giáo dục.
'Làm cách mạng mà thấy nhẹ nhàng thì chắc không phải là cách mạng'
Trước một số ý kiến đặt lại vấn đề có nên tiếp tục chương trình một chương trình nhiều bộ SGK không, ông Sơn cho biết rất trân trọng những góp ý nhưng cũng xin được "đi hết chặng đường triển khai mới đánh giá".
"Nếu thời điểm này lại quay lại một chương trình một bộ SGK, chưa bàn chuyện đúng hay không đúng, một chính sách đang triển khai dở chừng mà lại thay đổi thì một lần nữa sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng việc đổi mới lần này có thể xem là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Làm cách mạng mà nếu như 100% người đều vui vẻ, tất cả đều cảm thấy nhẹ nhàng, không ai băn khoăn gì thì chắc không phải là một cuộc cách mạng.
Nhưng cũng sẽ là sai lầm của các nhà quản lý nếu không lắng nghe các ý kiến đóng góp, nên ông Sơn cho biết ông mong được nghe nhiều ý kiến, góp ý và đánh giá.
Tuy vậy, ông cũng xin đợi năm 2025 khi đi hết được một chặng đường triển khai chương trình SGK mới, sẽ xem xét lại một cách thấu đáo việc triển khai toàn bộ chương trình phổ thông.
Từ góc độ tài chính, kinh tế, với 12 triệu học sinh, 9 lớp học sinh đã dùng SGK mới, tính cả các sách bài tập, sách liên quan thì hàng trăm triệu bản sách đã được xuất bản.
Nếu bây giờ quay lại việc chỉ sử dụng một bộ SGK mà không sử dụng hệ thống SGK mới nữa sẽ là sự lãng phí rất lớn công sức, trí tuệ của các cá nhân, tập thể đã hưởng ứng chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK; còn xã hội chắc sẽ thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng cho lượng SGK đã xuất bản, đã lưu kho, lưu thư viện trong những năm tháng qua.
"Với tư cách là những người đang triển khai chính sách, tôi không kiên quyết bảo vệ nhưng chỉ mong với một chính sách đang được triển khai, nếu có điều chỉnh thì tính toán khi việc triển khai chính sách đó đã đi hết một chặng đường của nó. Nếu không, ngành giáo dục đã khó lại vô cùng khó và sẽ không biết đến bao giờ mới đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục", ông Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận