TTCT - Đối với tuổi thanh xuân của một cô gái, 15 năm là tất cả những gì mà cuộc sống ban tặng. Với Đỗ Thị Ngân Thương, đó là quãng thời gian cô đã đến và gắn bó với thể dục dụng cụ (TDDC) với bao hạnh phúc, đắng cay mà môn thể thao khắc nghiệt này mang lại. Tại Giải vô địch quốc gia tháng 9-2011, Ngân Thương chỉ đoạt 1 HCB toàn năng và 1 HCĐ bài tự do - Ảnh: Nga Nguyễn Lần đầu tiên trong lịch sử TDDC VN, Phan Thị Hà Thanh đoạt huy chương thế giới và giành vé chính thức đến Olympic London 2012. Nhưng nhắc đến TDDC, người ta vẫn nhớ nhất, thương nhất “búp bê” Ngân Thương. Tuổi thơ thèm kem “Sự cố doping với tôi là cú sốc quá lớn, tôi hay nghĩ nó giống như xìcăngđan của giới ca sĩ. Nhưng tôi đã đứng dậy được nhờ có gia đình, thầy cô và bạn bè. Chỉ có một điều tôi thấy tiếc nuối là khi ở thời kỳ đỉnh cao, tôi không thể có thành tích chói lọi như Hà Thanh đã làm được là giành vé đến Olympic London. Thời của tôi, đấu trường lớn nhất vẫn là SEA Games mà chưa bao giờ tôi dám mơ xa hơn là Olympic” - Ngân Thương nói.Sinh ngày 10-3-1989 tại Hà Nội trong một gia đình không có ai theo nghiệp thể thao, từ nhỏ Ngân Thương đã rất ốm yếu. Năm lên 6 tuổi, Thương được bố mẹ đưa đến Cung thể thao Quần Ngựa xin tập thể thao để có đủ sức đến trường. Thật bất ngờ trong một lần các HLV Hà Nội đi tuyển người cho môn TDDC, Ngân Thương đã lọt vào mắt xanh của họ. Dưới thời ông Hoàng Vĩnh Giang làm giám đốc Sở TDTT Hà Nội, lứa VĐV hứa hẹn tiềm năng này được đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) tập huấn dài hạn để chuẩn bị cho các mục tiêu lâu dài. Năm đầu tiên các em ở ba tháng liên tục tại Nam Ninh để làm quen, năm thứ hai ở bảy tháng và đến năm thứ ba thì các em phải ở lại Nam Ninh ăn tết. Ngân Thương kể: “Những ngày mới sang, đứa nào cũng bé tí và khóc không ngớt. Vì là VĐV TDDC nên chúng tôi được quản lý chặt chẽ về chế độ dinh dưỡng, không được ăn bất cứ thứ gì ngọt. Tuổi thơ của những đứa trẻ xa nhà thèm kem khủng khiếp, thèm được ăn tất cả những món mà bọn trẻ con thường thích nhưng không được”. Đi theo đội có thầy giáo dạy toán (thầy Tuyến) và thầy giáo dạy văn (thay đổi vài lần) nên các em ít khi phải đến trường. Đây cũng là một thiệt thòi cho những ai theo TDDC vì trong thời gian dài không được học nhiều môn, môi trường tập luyện lại quá vất vả. Bảy năm liên tiếp, Ngân Thương và nhóm VĐV TDDC Hà Nội ăn dầm nằm dề ở Trung Quốc quen đến nỗi các em nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc. Ngay cả bây giờ ở VN, họ vẫn trao đổi chuyên môn bằng tiếng Trung. Thành công và nước mắt Tại SEA Games 22 lần đầu tiên tổ chức ở VN năm 2003, Ngân Thương đã mang về cho TDDC VN một HCV cá nhân và một HCV đồng đội môn xà lệch. Đây là quả ngọt đầu tiên và quá lớn mà Ngân Thương tiếp tục gặt hái vào năm 2005 tại SEA Games 23 ở Philippines, với 2 HCV cá nhân toàn năng và cầu thăng bằng. Với TDDC, HCV toàn năng là giá trị nhất bao gồm bốn đơn môn: cầu thăng bằng, xà lệch, thể dục tự do và nhảy ngựa. Không ai ngờ cô gái 16 tuổi Ngân Thương lại làm nên kỳ tích cho TDDC VN. Năm 2007 tại Thái Lan, Ngân Thương mang về 1 HCV cá nhân cầu thăng bằng, nâng số HCV giành được tại đấu trường SEA Games lên 5 HCV và là VĐV xuất sắc nhất trong lịch sử TDDC VN. Để có được thành quả trên, Ngân Thương đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của những chấn thương liên miên. Mùa đông cũng như mùa hè, đôi tay của Thương cứ dày cộp từng lớp, đôi lúc lại bong cả mảng đau đớn, thậm chí mưng mủ. Hằng đêm cô bé tự bóc từng lớp da tay, các khớp chân, tay đau nhức trong những ngày giá buốt. Nhưng với VĐV TDDC, như thế cũng chẳng thấm vào đâu nếu như bị tăng cân dù chỉ là vài lạng. Những ngày tăng cân, Thương phải mặc áo mưa chạy hàng chục vòng sau giờ tập chính. Nỗi ám ảnh kiêng ăn, ép cân đến giờ vẫn còn khiến Ngân Thương khiếp sợ. Cao 1,46m, Ngân Thương thường xuyên duy trì trọng lượng cơ thể ở 39kg, nếu tăng vài lạng thì y như rằng sẽ tiếp tục “bài ca” ép cân. Trở lại từ cú vấp ngã Năm 2008, Ngân Thương là VĐV duy nhất của TDDC VN có vé mời dự Olympic Bắc Kinh. Cũng vì thấy cơ thể nặng nề, nghĩ mình thừa cân khó thi đấu nên vô tình liều thuốc lợi tiểu đã buộc Thương phải rời Olympic do thử nghiệm doping dương tính. Ngày về đầy nước mắt của Ngân Thương đã khiến cô suy sụp và những tưởng sẽ phải chia tay với TDDC từ đó. Nhưng ý chí đã giúp Thương trở lại, dù cô bị Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) cấm thi đấu một năm. HLV Thu Giang - người trực tiếp theo Thương từ những ngày đầu tiên đến với TDDC, người giúp Thương đứng dậy sau cú ngã doping - nói: “Thể lực yếu, Thương không tập được những bài tập nâng cao đòi hỏi sự dẻo dai, độ khó cao. Thế nhưng sự bền bỉ, ý chí quyết tâm cao đã giúp Thương trở lại chính mình”. Chuyên gia Trung Quốc Triệu Khuê, người gắn bó rất lâu với đội TDDC, khi đó cũng nói phải 2-3 năm nữa TDDC VN may mắn mới tìm được người như Ngân Thương, và nếu tập luyện tốt Thương vẫn có khả năng thi đấu thêm một thời gian nữa. “Tôi không đề ra chỉ tiêu thành tích tại SEA Games này. Có HCV là điều tuyệt vời, nhưng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc nếu thể hiện được những gì mình đã cố gắng trong ba năm qua. Tôi đã mất mát nhiều nhưng cũng được không ít từ TDDC. Nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn mình là VĐV TDDC vì tôi yêu môn này” - Thương tâm sự. Ngày 9-11, Ngân Thương đã cùng đoàn thể thao VN đến Palembang (Indonesia) tham dự SEA Games 26, đấu trường mà bốn năm qua Thương mới có dịp trở lại với tâm trạng hồi hộp, xúc động. Nhưng dường như ai cũng có niềm tin Ngân Thương sẽ làm nên điều kỳ diệu cho bản thân trước khi từ giã giải đấu đỉnh cao nhất của đời mình. Theo bà Nguyễn Thị Kim Lan - trưởng bộ môn TDDC, hãy cứ chờ đợi và tin tưởng vào khả năng của Ngân Thương. Tags: SEA Games 26Đỗ Thị Ngân ThươngThể dục dụng cụ
Thủ tướng dự thượng đỉnh G20: Việt Nam sẵn sàng chung vai gánh vác trách nhiệm toàn cầu DUY LINH 15/11/2024 Trong các ưu tiên trao đổi của thượng đỉnh G20 năm nay tại Brazil, có các lĩnh vực Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán nếu ông Trump khởi xướng TRẦN PHƯƠNG 14/11/2024 Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc nói Matxcơva sẵn sàng đàm phán chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine nếu ông Trump khởi xướng, nhưng kèm theo điều kiện.
Biến động nhân sự FLC: Miễn nhiệm cùng lúc 6 sếp, ngoại trừ anh vợ ông Trịnh Văn Quyết BÌNH KHÁNH 15/11/2024 Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường, FLC thống nhất miễn nhiệm 4/5 thành viên Hội đồng quản trị, ngoài trừ ông Lê Bá Nguyên - chủ tịch HĐQT. Hai thành viên ban kiểm soát cũng được thay thế.
Video: Sự việc cầu thủ Nguyễn Xuân Nam xô xát đổ máu ở đường hầm sân Thống Nhất HOÀNG TÙNG 14/11/2024 Tối 14-11, sau trận CLB Trẻ TP.HCM - PVF-CAND (0-0) ở vòng 4 Giải hạng nhất 2024 - 2025, hai cầu thủ Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn của hai đội đã lao vào nhau xô xát đổ máu trong đường hầm sân Thống Nhất.