Chị H.K.N. (31 tuổi, ở Vị Thanh, Hậu Giang) sau bao năm chờ đợi đã có bầu khi tham gia chương trình ươm mầm hạnh phúc - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chị L. lập gia đình vào 9 năm trước. Trong 5 năm đầu tiên, vợ chồng chị L. thống nhất ngừa thai bằng cách sử dụng viên tránh thai hằng ngày. Đến lúc muốn có con thì mọi thứ đã quá muộn, vợ chồng chị L. cần phải nhờ hỗ trợ y học.
Sinh con muộn còn khổ hơn sinh con sớm
Trên độ tuổi 35, ít trứng và tắc hai vòi trứng nên chị L. được các bác sĩ chỉ định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Trong khoảng thời gian này, chị L. luôn hỏi bác sĩ về thời gian siêu âm, lấy trứng, chuyển phôi vì còn vướng bận về công việc.
Đến lần thụ tinh trong ống nghiệm thứ 2 thất bại, từ một người mạnh mẽ, chị L. suy sụp hoàn toàn. "Bây giờ cái gì tôi cũng có nhưng thiếu đứa con" - ThS Giang Huỳnh Như, phó trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM), nhớ lại lời chị L. thốt ra khi hay tin.
Kể từ đó, chị L. gác lại công việc, tập trung và dành nhiều thời gian hơn cho việc điều trị. Thế nhưng kết quả thụ tinh trong ống nghiệm lần thứ 3 và 4 cũng không khả quan.
Tuyệt vọng, chán chường, chị L. dường như buông xuôi sau khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm lần thứ 5... Hiện vợ chồng chị L. đã có một bé trai 15 tháng tuổi kháu khỉnh.
Gặp lại bác sĩ Như, chị L. tâm sự: "May mắn đã mỉm cười với gia đình tôi nhưng nếu cho chọn lại, tôi sẽ sinh con sớm hơn".
Xu hướng trì hoãn vì nhiều vướng bận
Bác sĩ Như cho rằng phụ nữ ngày càng có xu hướng trì hoãn việc lập gia đình, có thai, sinh con. Theo đó, lý do lớn nhất là phụ nữ ngày càng tham gia nhiều lĩnh vực quan trọng trong xã hội, mong muốn có trình độ học vấn cao hơn, sự nghiệp vững vàng hơn, tài chính ổn định hơn... trước khi lập gia đình.
"Với phụ nữ, các mối quan hệ và địa vị trong xã hội làm họ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và việc chăm sóc gia đình, con cái" - bác sĩ Như nói.
Cùng ý kiến, TS Đặng Vĩnh Dũng (chuyên khoa hỗ trợ sinh sản) nói phụ nữ phải bỏ ra rất nhiều thời gian để hoàn thành các mục tiêu trong cuộc đời và đến lúc họ cảm thấy hài lòng, sẵn sàng sinh con thì khó mang thai.
"Duy trì nòi giống là bản năng và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng. Phụ nữ muốn hoàn thành nhiệm vụ và những mục tiêu đặt ra thì cần có thời gian tích lũy, nhưng số tuổi của buồng trứng thì có hạn" - bác sĩ Dũng khuyên.
Mang thai khi lớn tuổi khó và nguy hiểm
Khi tuổi càng cao, phụ nữ càng khó có con vì số lượng trứng giảm đi theo tuổi đời. Nang noãn không thể nào sinh thêm từ khi bé gái chỉ là một bào thai 16 tuần tuổi. Ấy vậy mà cứ mỗi chu kỳ "đèn đỏ", nửa triệu nang noãn được huy động rồi tiêu đi chỉ để một trứng được rụng.
Dưới các thay đổi của nội tiết sinh sản, khả năng thụ thai giảm đáng kể. Trong độ tuổi 20-30, tỉ lệ thụ thai trong một chu kỳ kinh nguyệt mong chờ có con là 25%, nhưng ở độ tuổi 40, tỉ lệ này giảm chóng mặt, chỉ còn 1/10 phụ nữ.
Nguy cơ sẩy thai và thai lưu tăng hơn ở phụ nữ trên 35 tuổi. Phụ nữ lớn tuổi lại dễ mang song thai, tam thai do khi "già đi", buồng trứng có thể phóng thích hơn một trứng trong mỗi chu kỳ.
Theo thời gian, phụ nữ lại hay nảy sinh các vấn đề của bộ máy sinh sản như có u xơ cơ tử cung, lạc nội mạc tử cung vào buồng trứng hay vào cơ tử cung khiến cấu trúc lẫn chức năng của tử cung không còn phù hợp cho việc thụ thai, nuôi thai.
Hơn nữa, tỉ lệ mang thai dị tật tăng lên theo hình dốc đứng: chỉ có 1/940 phụ nữ ở 30 tuổi có thai bị hội chứng Down, nhưng có 1/353 phụ nữ độ tuổi 35 nguy cơ sinh con bị Down, với tuổi 45, cứ 35 người mang thai lại có 1 trường hợp thai có hội chứng này.
Có hai loại bệnh lý do thai gây ra là đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật. Không may là tỉ lệ này đều tăng trong nhóm bà mẹ mang thai lớn tuổi. Ngoài ra, do cân nặng ở phụ nữ tăng nhiều khi tích tuổi, béo phì cũng là một nguy cơ gây nên hàng loạt vấn đề sức khỏe ở nhóm này trong thai kỳ.
BSCKII LÊ NGỌC DIỆP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận