16/07/2024 07:55 GMT+7

Nếu chân có 5 dấu hiệu lạ, cẩn thận bệnh tiểu đường

Khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể sẽ "bật tín hiệu" cảnh báo. Với người bệnh tiểu đường, có một số dấu hiệu cảnh báo bất thường xuất hiện ở những nơi khó ngờ nhất, đó là bàn chân.

Khi lượng đường trong máu tăng cao, một số người còn có thể xuất hiện các dấu hiệu lạ ở chân - Ảnh minh họa

Khi lượng đường trong máu tăng cao, một số người còn có thể xuất hiện các dấu hiệu lạ ở chân - Ảnh minh họa

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường, là bệnh có tình trạng lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Đây là nguyên nhân cản trở cơ thể chuyển hóa các chất bột đường thành năng lượng, gây ra hiện tượng đường tích tụ tăng dần trong máu.

Lâu ngày, sự tích tụ này khiến lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và các bệnh lý khác.

Một số triệu chứng phổ biến cảnh báo bệnh tiểu đường có thể kể đến như khô miệng, thường xuyên khát nước, tiểu nhiều... Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu tăng cao, ngoài các triệu chứng kể trên, một số người còn có thể xuất hiện các dấu hiệu lạ ở chân.

Chân là "máy đo đường huyết"

Theo bác sĩ Đinh Minh Trí (Đại học Y Dược TP.HCM), tăng đường huyết có thể gây tổn thương lớn cho dây thần kinh, dễ dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường. Bệnh lý thần kinh một khi xuất hiện sẽ không thể phục hồi được, người bệnh sẽ bị tê bì chân.

Nếu không chú ý đến hiện tượng tê chân, cảm giác tê sẽ ngày càng rõ rệt khiến nhiều người cảm thấy đôi chân tê mỏi đến mức không còn thuộc về mình nữa.

Ngoài ra, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương lớn cho mạch máu, nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể dẫn đến xơ vữa động mạch trong một hoặc hai năm, xuất hiện các mảng xơ vữa dẫn đến hẹp mạch máu.

Một khi các mạch máu ở chân bị thu hẹp, người bệnh sẽ bị chuột rút ở chân. Khi nhiệt độ chuyển lạnh về đêm, tình trạng thiếu máu cục bộ và thiếu oxy của các mạch máu bị hẹp ở chân sẽ thể hiện càng rõ hơn do các mạch máu co lại, từ đó khiến bệnh nhân bị chuột rút thường xuyên.

Nhiều bệnh nhân tiểu đường dễ bị nám hoặc đốm đen trên da chân, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng da hoặc vết tích do mụn rộp để lại sau khi lành bệnh. Ở một số bệnh nhân, do tổn thương mạch máu ở chân, việc tăng sắc tố cũng có thể xảy ra.

Cũng theo bác sĩ Trí, bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị vết thương ở chân, bởi vì cảm giác với nhiệt độ kém đi, nhiệt độ cao dễ gây bỏng vùng da dưới chân. Một khi vết thương xuất hiện trên da chân sẽ rất lâu lành, thậm chí là không lành.

Điều này là do bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có khả năng miễn dịch kém và một số lượng lớn vi khuẩn bao phủ bề mặt vết thương. Mặt khác, lượng đường trong máu cao làm tổn thương mạch máu và không được cung cấp đủ máu, cũng có thể khiến vết thương không lành.

Bên cạnh đó, người mắc đái tháo đường thường cảm thấy ngứa chân. Kiểm soát lượng đường trong máu kém và giảm khả năng miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da, chẳng hạn như viêm nang lông, nhọt trên da và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác, nhiễm nấm, bao gồm ngứa ngáy, nấm móng, nấm da chân... gây ngứa da.

Bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ gây nhiều biến chứng tiểu đường nguy hiểm. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường kéo dài nên đến bệnh viện để kiểm tra, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Chỉ số đường huyết an toàn

Theo bác sĩ Trí, chỉ số đường huyết được phân thành 4 loại: đường huyết bất kỳ, đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn 1 giờ, sau ăn 2 giờ và đường huyết được thể hiện qua chỉ số HbA1C.

Chỉ số đường huyết an toàn đối với người bình thường như sau:

Đường huyết bất kỳ: < 140 mg/dL (7,8 mmol/l).

Đường huyết lúc đói: < 100 mg/dL (< 5,6 mmol/l).

Sau bữa ăn: < 140mg/dl (7,8 mmol/l).

HbA1C: < 5,7 %.

Cụ thể:

- Đường huyết lúc đói: Đo lần đầu vào buổi sáng, nhịn ăn ít nhất 8 giờ trở lên lúc đó bạn chưa ăn hay uống bất kỳ loại thực phẩm nào, chỉ số đường huyết lúc đói ở khoảng giữa 70 mg/dL (3,9 mmol/L) và 92 mg/dL (5,0 mmol/L) là bình thường.

- Đường huyết sau ăn: Chỉ số đường huyết sau ăn của người bình thường khỏe mạnh là dưới 140mg/dL (7,8 mmol/L) đo trong vòng 1 - 2 giờ sau ăn.

- Đường huyết lúc đi ngủ: Lượng đường huyết trước đi ngủ của người bình thường sẽ dao động từ 110-150mg/dl (tương đương 6,0-8,3mmol/l).

- Xét nghiệm Hemoglobin A1c (HbA1c): HbA1c dưới 48 mmol/mol (6,5%) là bình thường. HbA1C thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.

Lượng đường trong máu dưới 70 mg/dL (3,9 mmol/L) thì được coi là hạ đường huyết. Đây là tình trạng nguy hiểm và cần được cấp cứu kịp thời. Sự tụt giảm đường huyết này vẫn có thể tiếp tục diễn ra và khiến cho người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, tổn thương não.

Theo các chuyên gia về sức khỏe, để duy trì mức độ đường huyết ổn định, lành mạnh cần có chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục và duy trì một lối sống khỏe mạnh.

Nên bổ sung thực phẩm màu xanh, đỏ; Theo dõi đường huyết thường xuyên và đều đặn; Thực hiện chế độ ăn hợp lý, cân đối các thành phần; Tập thể dục đều đặn...

Người mắc tiểu đường thích ăn cơm nguội, có lý do!Người mắc tiểu đường thích ăn cơm nguội, có lý do!

Nhiều người cho rằng cơm nguội ít calo hơn cơm nóng. Những người muốn giảm đường huyết, giảm béo nên để cơm nguội trong tủ lạnh, khi ăn hâm nóng lại… Quan niệm này có đúng không?


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên