Vòng xoay này trước đây là ngã năm, rồi trở thành ngã sáu, nay là ngã bảy khi xây dựng công trình Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài có thêm tuyến đường Phạm Văn Đồng và Hồng Hà qua công viên Gia Định, nên mật độ xe lưu thông qua lại càng đông.
Trong khi tại vòng xoay này, đảo giao thông chiếm diện tích quá lớn với đường kính khoảng 70m, phần đường dành cho xe chạy lại hẹp với bề rộng chưa tới 30m.
Hiện vòng xoay đang kết nối giữa tuyến đường huyết mạch và là trục chính như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kiệm, Hồng Hà, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Minh Giám.
Thử quan sát số lượng xe qua lại trong vòng xoay theo chu kỳ đèn tín hiệu hoạt động, ước tính phải với diện tích phần đường rộng ít nhất 80m mới đáp ứng nhu cầu lưu thông bình thường. Với sự mất cân đối như vậy nên cứ trong giờ cao điểm là diễn ra ùn ứ, kẹt xe, dù vòng xoay có tín hiệu đèn và cảnh sát điều tiết giao thông.
Là người lâu năm đi qua vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, tôi nhận thấy kẹt xe trầm trọng kể từ khi có thêm đường Phạm Văn Đồng và Hồng Hà qua công viên Gia Định, trước đó không có đảo giao thông chiếm dụng, phần đường dành cho xe chạy có vẻ rộng hơn bây giờ.
Điều tôi không hiểu là sao lại làm đảo giao thông quá lớn, ai qua đây cũng có thể thấy?
Được biết, hiện đã có chủ trương xây cầu vượt tại vòng xoay này để giải quyết kẹt xe. Xây cầu vượt có thể giải quyết kẹt xe cục bộ, lại không làm giảm phương tiện lưu thông trên đường, có khi còn phát sinh điểm kẹt xe tại nơi khác.
Thực tế cho thấy tại nút giao thông Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ và Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám kể từ khi có cầu vượt thép đã giúp giảm ùn tắc giao thông cục bộ tại đây, nhưng lại khiến áp lực phương tiện giao thông dồn về các tuyến đường lân cận, phát sinh những điểm kẹt xe mới.
Tôi suy nghĩ sao không thu hẹp hoặc có thể dỡ bỏ luôn đảo giao thông ở vòng xoay Nguyễn Thái Sơn để dành đường cho xe chạy, tạo cân đối giữa mặt đường với lưu lượng xe? Tôi lo sau khi xây cầu vượt, liệu có giải quyết được kẹt xe, ai chịu trách nhiệm nếu công trình không hiệu quả?
Ông Ngô Hải Đường (trưởng phòng quản lý khai thác giao thông đường bộ - Sở GTVT TP): Có thể giảm tải 75% lưu lượng xe Nút giao Nguyễn Thái Sơn là giao lộ của các trục giao thông chính quan trọng của Q.Gò Vấp và TP, trong đó đường Nguyễn Kiệm là một trong những tuyến huyết mạch nối các quận huyện phía bắc TP gồm Q.12, huyện Hóc Môn, Q.Gò Vấp và kết nối với trung tâm TP. Còn đường Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám phục vụ kết nối Q.Gò Vấp, Bình Thạnh với Tân Bình, Phú Nhuận và sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến Nguyễn Thái Sơn nối dài (đường Bạch Đằng cũ) là đường nối từ nút giao đi sân bay Tân Sơn Nhất... Do đó, đây là nút giao tập trung phương tiện giao thông rất lớn. Hiện nay Sở GTVT đã phân luồng một chiều cho đường Nguyễn Kiệm và một chiều ôtô cho đường Nguyễn Thái Sơn, tuy nhiên lượng xe quá lớn gây quá tải, thường xuyên xảy ra kẹt xe, nhất là giờ cao điểm, gây lãng phí xã hội. Đặc biệt, dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi hoàn thành, một lượng xe rất lớn từ Thủ Đức, Bình Dương đổ về khiến tình trạng kẹt xe sẽ càng nghiêm trọng hơn. Do đó cần có giải pháp xây dựng cầu vượt khác mức, tổ chức lại giao thông tại khu vực nút giao. Qua khảo sát tại khu vực nút giao, hướng giao thông theo Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn từ trung tâm đi Gò Vấp và ngược lại hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám từ Gò Vấp về trung tâm TP chiếm lưu lượng xe lớn nhất vào nút, khoảng 75% so với hiện hữu và khoảng 56% khi có tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Do vậy, nếu xây dựng cầu vượt theo các hướng này thì có thể giảm tải được hơn 56-75% lưu lượng xe tại nút, giải quyết được tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông diễn ra liên tục gây thiệt hại người và của. Do đó việc xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn là rất cần thiết và cấp bách. N.ẨN ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận