Trưa 7-5 vừa rồi, sau khi rời Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình ở tư cách bị cáo, bác sĩ Hoàng Công Lương đã nói với báo giới chân thành như thế.
Trước phiên tòa sơ thẩm lần 1 hôm 7-5 xử vụ tai biến làm 8 người bệnh tử vong (đã tạm hoãn), có trên 15.400 bác sĩ và nhân viên y tế gửi chữ ký đồng thuận ủng hộ cho bác sĩ Lương. Hàng chục bác sĩ khác đã không quản ngại đường sá xa xôi, có người ngồi tàu suốt đêm và đi thêm gần 100km nữa tới ủng hộ bác sĩ Lương tại phiên tòa.
Điều gì đã khiến họ không mệt mỏi đi vận động chữ ký, đi hàng trăm kilômet để ủng hộ đồng nghiệp?
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Nguyệt, từng làm việc ở Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), hiện đã nghỉ hưu, cho hay nếu chưa về hưu, bất cứ lúc nào bà cũng có thể gặp "tai nạn nghề nghiệp" như bác sĩ Lương.
"Bác sĩ Lương phải ra tòa do lập luận của cơ quan pháp luật là do bác sĩ đã ra y lệnh chạy máy lọc thận.
Đây là điều vô lý bởi việc ra y lệnh là nhiệm vụ của bác sĩ, nhưng tai biến xảy ra do chất lượng nước RO thì bác sĩ không có chuyên môn và thiết bị để kiểm tra.
Nếu lập luận như thế, bác sĩ ra y lệnh nhưng tai biến do chất lượng thuốc, do máy móc, do các công việc ngoài chuyên môn của bác sĩ thì bác sĩ phải chịu hết? Bác sĩ sẽ không dám làm việc đâu" - bác sĩ Nguyệt nói.
Bác sĩ Hoàng Công Lương khi bị bắt tạm giam - Ảnh: TT
Có người hỏi bác sĩ Lương khi đứng trước bục trả lời câu hỏi của tòa, cảm xúc của bác sĩ như thế nào? Bác sĩ Lương nói anh chưa bao giờ hình dung ra việc mình sẽ đứng ở vị trí đó, ở tư cách một bị cáo.
Anh đã bị buộc tội, bị tạm giam và có nguy cơ bị đi tù vì một tội lỗi không hề liên quan đến chuyên môn và nhiệm vụ của mình.
Nếu bác sĩ Lương đi tù, bất kỳ bác sĩ nào cũng có thể có lúc phải ra tòa, những người đồng nghiệp đang ký tên ủng hộ anh, đã đến tòa án động viên anh chính vì họ lo ngại có lúc họ sẽ gặp một tai nạn tương tự bác sĩ Lương.
Giới bác sĩ đang lo lắng vì ngoài đảm nhiệm công việc chuyên môn, với vụ việc bác sĩ Lương, họ phải chịu thêm trách nhiệm về chất lượng nước, thuốc, thiết bị... trong bệnh viện, trong khi bác sĩ lại không có chuyên môn để kiểm tra và giám sát những thiết bị/vật tư này.
Trong quy chế bệnh viện có quy định chức trách của bác sĩ, nhưng điều này chưa được rõ ràng dù đã có Luật khám chữa bệnh.
Các bác sĩ đang muốn đấu tranh cho việc thiếu quy trình, quy chuẩn, phân công trách nhiệm cụ thể trong bệnh viện, nhưng họ bối rối và không biết bắt đầu từ đâu.
Mỗi ngày ngoài hàng chục bệnh nhân và nhiều công việc không tên khác, bác sĩ giờ phải lo thêm cả học võ để tự bảo vệ bản thân, và bối rối về chức trách của mình.
Còn rất nhiều điều chưa được làm rõ trước phiên tòa này, như vai trò của ông giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thời điểm xảy ra vụ tai biến (ông Trương Quý Dương), việc giá thuê máy chạy thận tại bệnh viện này lại đắt hơn Bệnh viện Bạch Mai gần gấp 2, việc hợp đồng bảo trì ký với Công ty Thiên Sơn, nhưng thực ra Công ty Trâm Anh mới trực tiếp bảo trì hệ thống lọc nước, vậy vai trò của Thiên Sơn là gì...
Thế nhưng những bí ẩn đó vẫn chưa được giải mã, còn người ra tòa là bác sĩ với tội danh phải chịu trách nhiệm về những gì không thuộc chức trách bác sĩ, với sự cố nghề nghiệp có thể xảy ra với bất cứ ai làm nghề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận