23/05/2013 06:19 GMT+7

"Nếu anh Lê Khánh Hải trúng cử, bộ sẽ rất vui"

K.XUÂN ghi
K.XUÂN ghi

TT - Đó là chia sẻ của ông Phan Đình Tân, phó chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VH-TT&DL, với báo giới trong cuộc gặp gỡ ngày 22-5 xung quanh đại hội VFF khóa VII.

jHA7kM6g.jpgPhóng to
Ông Phan Đình Tân - Ảnh: H.Hương

Mở đầu cuộc gặp, ông Phan Đình Tân nói: “Những ngày qua có nhiều luồng ý kiến xung quanh vị trí chủ tịch VFF khóa VII, có ý kiến cho rằng chủ tịch VFF phải là doanh nhân, có ý kiến nói nên là người nhà nước và có ý kiến lại không phân biệt nhà nước hay doanh nhân. Tại cuộc họp ban chấp hành VFF ngày 15-5, chỉ có 19 lá phiếu và có đến bốn thành viên tham gia kiểm phiếu nhưng cũng để xảy ra sai sót, gây tổn thương đến những người trong cuộc, cơ quan quản lý nhà nước. Bộ VH-TT&DL không can thiệp vào công việc nội bộ của VFF. Bộ mong báo chí giữ thái độ bình tĩnh, cẩn trọng, chưa bình luận khi chưa có đủ thông tin. Bộ sẽ công khai, minh bạch tất cả thông tin có thể. Thời gian qua có báo thì đưa thông tin trung thực, khách quan, cũng có những báo chủ quan, áp đặt, ủng hộ, thiên vị bên này bên kia”.

Ông Lê Khánh Hải quá bận

* Báo Lao Động: Báo chí và dư luận rất hi vọng ông Lê Khánh Hải sẽ công khai quan điểm tranh cử vào vị trí chủ tịch VFF sắp tới nhưng thời gian qua ông Hải không xuất hiện?

- Anh Lê Khánh Hải có quá nhiều công việc cần giải quyết trong các lĩnh vực mình được phụ trách. Xem lịch làm việc của bộ thấy lúc nào lịch cũng kín đặc. Đến tôi còn bận như thế này huống gì anh Hải.

* Báo Lao Động: Nếu ông Hải bận thế, liệu có thời gian để làm tốt công việc ở VFF?

- Nếu anh Hải trúng cử chủ tịch VFF, chắc chắn bộ sẽ giảm tải công việc của anh ấy ở bộ để dành thời gian nhiều hơn cho bóng đá. Anh Hải vẫn trả lời báo chí chứ không phải không. Khi nào báo gọi điện vào lúc anh Hải rảnh, anh ấy vẫn trả lời.

* Báo Tuổi Trẻ: Dư luận muốn ông Hải lên tiếng đưa ra cương lĩnh hành động nếu được bầu làm chủ tịch VFF trong thời gian chuẩn bị đại hội. Có như vậy dư luận và những người bỏ phiếu mới có cơ hội biết ông Hải là người thế nào?

- Có người công khai cương lĩnh tranh cử, công bố trước dư luận, vận động nơi nọ nơi kia. Nhưng mỗi người có cách làm khác nhau, chúng ta không nên câu nệ hình thức mà quan tâm đến hiệu quả. Phong cách người đó thế nào thì cách làm của họ sẽ như vậy. Anh Hải quá bận nên cũng nhiều lần nói với tôi là ủy quyền cho tôi và anh Vương Bích Thắng phát ngôn về vấn đề này vì anh ấy ít có cơ hội tiếp xúc báo chí.

* Báo Lao Động: Nếu để đến khi đại hội mới công khai đề án tranh cử, bày tỏ quan điểm thì quá muộn rồi?

- Anh Hải phải được ban bí thư đồng ý mới ra tranh cử được. Khi đó chắc chắn anh Hải sẽ có cương lĩnh tranh cử. Giờ ban bí thư vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc này. Nếu ban bí thư không đồng ý, dù anh Hải được Bộ VH-TT&DL giới thiệu cũng không thể tham gia tranh cử. Anh Hải là cán bộ của Nhà nước nên phải thực hiện theo các quy định của công chức.

* Báo Tiền Phong: Bộ có nghĩ ông Hải đang lép vế trước ông Lê Hùng Dũng vì ít công khai quan điểm để thuyết phục dư luận?

- Lép vế hay không từng cá nhân có thể đánh giá được, nhưng đừng cho rằng xuất hiện nhiều thì hiệu quả hơn ít xuất hiện.

VFF phải đề xuất lùi thời điểm đại hội nếu cần

* Báo Thanh Niên: Có thông tin cho rằng trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm vào ban chấp hành ngày 15-5, ông Phạm Văn Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đã bầu cho ông Lê Hùng Dũng và bộ đã bày tỏ không hài lòng vì lá phiếu đó?

- Hỏi câu hỏi này thì tôi rất khó trả lời vì chỉ có anh Tuấn mới trả lời được điều đó là thật hay không. Nếu điều này không đúng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của anh Tuấn. Theo tôi nghĩ bầu cử bằng cách giơ tay là dân chủ và minh bạch nhất.

* Báo Tuổi Trẻ: Bộ sẽ làm gì tiếp sau khi đã chỉ đạo VFF phải giải trình vụ nhầm phiếu tín nhiệm, khi mà dư luận vẫn còn có nhiều thông tin nói ông Hải không được bầu đến 18/19 phiếu?

- Mọi việc phải được thực hiện theo đúng quy định và không ai có quyền can thiệp vào việc bỏ phiếu tín nhiệm này. Nếu như có người muốn lấy lòng người khác mà đưa thông tin không chính xác để làm tổn thương đối phương thì sao. Trước mắt bộ yêu cầu VFF báo cáo sự việc và nếu cần đưa thanh tra bộ vào tìm hiểu sự việc.

* Báo Tiền Phong: Nhiều thông tin cho biết sẽ hoãn đại hội VFF vào ngày 5-6?

- Bóng đá là môn thể thao có ảnh hưởng xã hội lớn nên phải làm hết sức cẩn trọng, chu đáo. Mới có 19 phiếu mà bốn người kiểm cũng để nhầm lẫn thì liệu đầu tháng 6 đại hội có kịp và chắc chắn không xảy ra chuyện gì không? Hiện nay lý lịch pháp lý của hai ứng viên chủ tịch cũng chưa hoàn thiện. Vì thế nếu thực tế khách quan đòi hỏi lùi thời điểm đại hội để chuẩn bị tốt hơn thì VFF phải đề xuất lên Bộ VH-TT&DL và Bộ Nội vụ.

Ai đảm bảo không phải quan chức làm chủ tịch VFF thì tốt

* Báo Lao Động: Dư luận nghi ngờ ông Hải tham gia VFF có đem lại thành công vì sáu nhiệm kỳ VFF đã qua đều thất bại khi chủ tịch là quan chức nhà nước?

- VPF hiện nay toàn doanh nhân điều hành nhưng có thành công không? Chẳng có gì đảm bảo rằng không phải quan chức nhà nước thì tốt hơn.

* Báo Thanh Niên: Bộ VH-TT&DL có hỗ trợ gì khi ông Hải tham gia ứng cử chủ tịch VFF?

- Anh Hải được sự đồng thuận ủng hộ của lãnh đạo bộ. Anh Hải là lãnh đạo bộ được phân công theo dõi thể thao, được Tổng cục TDTT tham mưu, tư vấn, giúp đỡ. Nếu trúng cử chủ tịch VFF, anh Hải được hậu thuẫn lớn. Trẻ, có năng lực, năng động, sinh ra trong gia đình cách mạng nên tôi tin anh Hải sẽ làm tất cả vì bóng đá, vì thể thao.

* Báo Tuổi Trẻ: Trả lời báo chí ông Hà Quang Dự, nguyên bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban TDTT, ông Mai Liêm Trực, nguyên chủ tịch VFF nhiệm kỳ IV, đều khẳng định chưa bao giờ quan chức nhà nước đứng đầu VFF phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý mình về những sai phạm ở VFF?

- Tôi có đọc các bài báo này và nghĩ rằng cũng rất nên cân nhắc vì cơ chế ở ta khác các nước. Thực tế là vị đó làm chủ tịch VFF nhưng trách nhiệm cụ thể từng việc đôi khi phân cho cấp dưới xử lý. Do vậy cách xử lý khi có sự cố có đáp ứng được thỏa mãn của mọi người hay không lại là chuyện khác, mà chưa chắc thỏa mãn mọi người thì đúng luật. Ví dụ như các vụ đánh chết người ăn trộm chó đã từng diễn ra.

* Báo Thanh Niên: Nếu ông Hải không trúng cử thì bộ có sốc không?

- Bộ kỳ vọng vào anh Hải nhưng nếu anh ấy không trúng cử thì cũng thất vọng.

* Báo Tuổi Trẻ: Nhiều ý kiến lo ngại 63 thành viên có quyền bỏ phiếu tại đại hội tới phần lớn đều là “người nhà nước” nên việc bầu cho ông Hải là tất nhiên và ông Hải sẽ thắng cử?

- Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp hiện nay đang khó khăn, nếu để doanh nhân làm chủ tịch VFF cũng lo. Nếu là người cơ quan quản lý nhà nước thì sự quan tâm của nhà nước lớn. Nếu 63 thành viên bỏ phiếu có ủng hộ anh Hải cũng là vì họ đã suy tính rất kỹ về điều này rồi. Doanh nghiệp luôn đặt mục đích lợi nhuận lên trên, còn nếu là người nhà nước thì phải đảm bảo lợi ích chung.

Nếu anh Hải trúng cử chủ tịch VFF thì bộ sẽ rất vui, nhưng nếu anh Dũng trúng cử minh bạch thì bộ cũng xắn tay vào. Tất nhiên anh Hải là người của bộ nên bộ gắn bó, yêu thương hơn, nhưng không có nghĩa là phủ nhận tài năng của người khác nếu được chứng minh.

* Báo Lao Động: Dư luận chứng kiến sáu nhiệm kỳ chủ tịch VFF là người nhà nước đã chán lắm rồi?

- Ở mình còn hạn chế chưa công khai, minh bạch và dám dũng cảm đối chất khi xảy ra sự cố.

K.XUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên