Đặc biệt là từ khi nhóm người Hoa vào Đàng Trong năm 1680, trang phục của cư dân bản địa đã có những đổi thay nhất định. Sự khác biệt rõ nhất có lẽ do công cuộc cải cách trang phục của Thế Tôn Hiếu võ Hoàng đế tạo ra.
Điều này đã được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định thành thông chí như sau: “Duy có người Việt ta noi theo tục cũ Giao chỉ: người quan chức thì đội khăn cao sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà, hạng sĩ thứ thì bới tóc, đi chân trần, con trai con gái đều mặc áo vắn tay bâu thẳng, may kín hai nách, không có quần, con trai dùng một miếng vải buộc từ sau lưng thẳng đến dưới háng quanh lên đến rún, gọi là cái khố, con gái có người không mặc váy, đội nón lớn, hút điếu binh, ở nhà thấp, trải chiếu ngồi dưới đất, không có bàn ghế. Năm Mậu Ngọ (1738) Thế Tôn Hiếu võ Hoàng đế định lại sắc phục, các quan văn võ châm chước theo chế độ của đời Hán Đường, đến Đại Minh thì hình thức mới chế như phẩm phục quan chế ngày nay đã ban hành theo trong Hội điển, gồm đủ cả văn chất. Còn y phục gia thất khí dụng của hàng sĩ thứ đại lược như thể chế đời Minh”.
Phóng to | |
Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích là vạt ngắn, không bâu, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi | Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường vận bộ bà ba đen đi đồng bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ |
Đến đời chúa Thế Tông Nguyễn Phước Khoát lại có một biến động lớn trong việc cải cách trang phục. Triều đình quy định cư dân Đàng Trong phải ăn mặc như người Tàu, phụ nữ mặc quần chứ không còn mặc váy như người Đàng Ngoài.
Cho đến nay, về cơ bản, cách mặc của cư dân đồng bằng sông Cửu Long khá thống nhất với các vùng miền trong cả nước. Nhưng do đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu, mà người dân nơi đây vẫn có những bộ trang phục đặc trưng.
Cư dân đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mà cuộc sống nông nghiệp thì buộc con người suốt ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quanh năm chân lấm tay bùn, lại gặp điều kiện thời tiết hai mùa mưa nắng rõ rệt nên không mấy thích hợp cho việc ăn mặc sang trọng. Do đó, màu sắc trong trang phục của người dân nơi đây ngày xưa thường có gam chủ đạo là đen, nâu sậm, màu trắng ít khi được chọn, trừ khi đi đám tiệc, lễ hội. Ngày xưa, để nhuộm vải, người ta dùng lá bàng, vỏ trâm bầu, trái mặc nưa... để nhuộm, rồi phủ bùn nhằm chống thôi màu. Có một thời, chiếc áo bà ba và chiếc khăn rằn từng là phục sức phổ biến của người dân.
Cho đến nay, chưa thấy có tư liệu nào xác định rõ nguồn gốc của chiếc áo bà ba. Người ta chỉ biết rằng, vào đầu thế kỷ XX loại áo này đã được mặc khá phổ biến cả vùng Nam bộ. Theo nhà văn Sơn Nam thì “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”. Một quan niệm khác lại cho rằng “Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Phải chăng do thời tiết quanh năm nóng bức, họ bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ cho chắc. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây”.
Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường vận bộ bà ba đen đi đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám tro. Còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt... với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa...
Sau này, nhất là ở thời kỳ những năm 1960-1970, áo bà ba truyền thống được phụ nữ thành thị cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và hiện đại hơn. Áo dài bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu bâu (cổ) lá sen, cánh én, đan tôn... là được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài.
Các kiểu ráp tay cũng được cải tiến. Từ kiểu may áo cánh xưa, liền thân với tay, người ta nghĩ tới cách ráp tay rời ở bờ tay áo. Trong những năm 1970, thành thị miền Nam phổ biến kiểu ráp tay raglan, đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo dài bà ba truyền thống. Với kiểu vai raglan này, hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Bà ba vai raglan chỉ cần may khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn nhưng hơi loe, có khi người ta bỏ cả hai túi ở vạt trước để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.
Phóng to |
Theo các nhà nghiên cứu, chiếc khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer |
Còn chiếc khăn rằn cũng là hình ảnh hết sức quen thuộc của người phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long. Không rõ nó ra đời từ bao giờ, nhưng nó đã đồng hành cùng những con người thời khai hoang mở cõi phía Nam của Tổ quốc. Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh hết sức quen thuộc và gần gũi với mọi người, như là một biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, đáng yêu.
Theo các nhà nghiên cứu thì chiếc khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer và trong quá trình cộng cư của các dân tộc trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, nó đã được chuyển thành thứ trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc khác. Chiếc khăn rằn thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ các lằn ngang dọc ấy là gốc gác của tên gọi khăn rằn. Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40-50cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà rất đỗi bình dị, giản đơn.
Trước khi có sự du nhập của các loại trang phục từ phương Tây thì chiếc khăn rằn đóng vai trò chủ chốt trong lối ăn mặc của những người dân xứ này. Không chỉ người lao động lam lũ, mà cả những điền chủ, người giàu có cũng sử dụng nó. Không chỉ có phụ nữ, mà nam giới cũng sử dụng loại khăn này. Phụ nữ vắt gọn khăn trên đầu, còn đàn ông cột ngang trán, chừa hai đuôi khăn nhô lên đầu, nút khăn nằm ở phía trước. Khăn cũng được quàng trên cổ, một đầu thả trước ngực, một đầu thả sau lưng. Đôi khi hai đầu được buông xuôi xuống phía trước, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng rất duyên của cư dân Nam bộ.
Khi gia đình nào có giỗ chạp, trong lúc lớp trẻ lăng xăng dọn bàn, nấu bếp để chuẩn bị đãi khách thì các cụ bà ngồi lại với nhau trên bộ ván ngựa trò chuyện về công ăn việc làm, về ruộng vườn, sức khỏe, cuộc sống gia đình... Miệng móm mém nhai trầu, thỉnh thoảng các bà lại lấy khăn đã quấn sẵn ở cổ quệt ngang miệng rồi tiếp tục câu chuyện. Các cụ ông thì quây quần bên bàn trà hoặc quanh bàn cờ tướng, cũng áo bà ba, cũng khăn rằn vắt vai.
Nam giới khi làm việc đồng thường lấy khăn buộc ngang trán, lật ngửa hai đầu khăn đưa lên trời để ngăn mồ hôi không chảy xuống mặt mà cản trở công việc. Đến khi mệt, họ bước lên bờ đê, tìm gốc cây tựa lưng nghỉ mệt. Lúc này khăn mới được lột xuống để lau mồ hôi ở trán, ở mặt, ở cổ... Các cô gái trong khi cày cấy, hay gánh mạ trên đồng cũng thường quấn khăn ở cổ, nếu đổ mồ hôi thì sẵn có khăn lau ngay.
Phóng to |
Trong các dịp hiếu hỷ, người Nam bộ thường chọn áo dài khăn đóng làm lễ phục |
Riêng trong các ngày lễ thì trang phục của người dân Nam bộ tề chỉnh, ngay ngắn, lịch sự hơn. Bộ trang phục được xem là lễ phục phổ biến ngày xưa là bộ khăn đóng áo dài may bằng loại vải đắt tiền (thường thì áo dài bằng xuyến hay lương đen, còn quần thì màu trắng bằng lụa hay vải). Bộ trang phục này thường được mặc khi dự lễ cúng đình hay đám cưới, các dịp hiếu hỷ...
Trang phục lễ tang thường có màu trắng làm màu chủ đạo, vì đó là màu tang tóc. Vải để may đồ tang là loại vải thô, thưa mà dân gian thường gọi là vải tám. Vải này rất rẻ tiền, không bền, không đẹp, cốt để biểu thị tình cảm của người đang sống đối với người đã khuất với ý nghĩa cha mẹ hoặc ông bà mất rồi, con cái quá đau buồn không thiết đến việc ăn mặc nữa. Áo tang phải được may trở sống ra ngoài. Con là nam thì đầu đội mũ rơm, nữ thì đội mấn, những người họ hàng thân thích thì chỉ quấn vòng khăn tang ngang đầu.
Ngày nay, cuộc sống đã thay đổi nhiều, xã hội phát triển, đời sống cao hơn, nhu cầu mặc ấm đã được nâng lên thành mặc đẹp. Mặc dù vậy, chiếc khăn rằn và chiếc áo bà ba không hề mất đi mà nó vẫn đang tồn tại, tạo thành nét đặc trưng riêng của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và là một minh chứng hùng hồn cho bản sắc văn hóa của người dân xứ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận