Một người công nhân điện lực đang làm việc trên một trụ điện ở thủ đô Kathmandu - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters dẫn thông tin do Bộ trưởng năng lượng kiêm phó thủ tướng Nepal, ông Kamal Thapa, công bố bằng tiếng Nepal trên tài khoản Twitter: "Nội các đã hủy bỏ hợp đồng không đúng nguyên tắc của tập đoàn Gezhouba trong việc xây dựng dự án thủy điện Budhi Gandaki".
Ông Kamal Thapa không nêu thêm các thông tin nào khác ngoài tuyên bố này.
Các dòng sông của Nepal, bắt nguồn từ những đỉnh núi tuyết phủ trên dãy Himalaya, vốn là một tiềm năng lớn về thủy điện chưa được khai thác.
Tuy nhiên do thiếu vốn và công nghệ nên cho tới nay Nepal vẫn đang phụ thuộc vào quốc gia láng giềng Ấn Độ trong việc đáp ứng nhu cầu điện thường niên của họ khoảng 1.400 megawatt (MW).
Tháng 6 năm nay, chính phủ liên minh của Nepal đã quyết định cho tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc giành quyền triển khai dự án xây dựng nhà máy thủy điện công suất 1.200 MW trên sông Budhi Gandaki, cách thủ đô Kathmandu khoảng 50 km về phía tây, nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện trong nước.
Tuy nhiên công luận phản đối cho rằng tập đoàn Trung Quốc đã nhận được gói thầu dự án trị giá 2,5 tỉ USD một cách không minh bạch vì đã không có bất cứ cuộc đấu thầu nào được tổ chức theo quy định pháp luật. Một ủy ban của quốc hội Nepal đã yêu cầu chính phủ phải hủy bỏ hợp đồng với tập đoàn Trung Quốc.
Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ông không hề biết về những thông tin liên quan tới việc chính quyền Nepal hủy bỏ hợp đồng.
Ông Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc vẫn duy trì các quan hệ rất tốt với Nepal và hai nước đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực cũng như nhiều dự án khác nhau.
Tập đoàn Gezhouba chưa có phản hồi sau tuyên bố của Bộ trưởng năng lượng Nepal.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia thường xuyên so kè nhau trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với các lĩnh vực hỗ trợ, đầu tư và các dự án phát triển hạ tầng tại Nepal.
Nepal đã phê chuẩn một dự án nhà máy thủy điện 750 MW trên sông West Seti ở phía tây nước này cho nhà thầu Trung Quốc Three Gorges.
Mặt khác Kathmadu cũng đã cho phép 2 công ty khác của Ấn Độ là GMR và Satluj Jal Vidyut Nigam, mỗi công ty được phép xây dựng một nhà máy thủy điện 900 MW tại nước này mà lượng điện sản xuất ra chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận