Câu chuyện đại học FPT tuyên bố thu học phí bằng Bitcoin khiến cho những tranh luận xung quanh đồng tiền có ký hiệu BTC này càng trở nên nóng.
Sau tuyên bố đó, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định việc nói không với Bitcoin là tiền tệ, là phương tiện thanh toán, và sẽ xử phạt rất nặng, từ 150-200 triệu đồng.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, cũng đã lên tiếng trần tình rằng trường chưa triển khai thu, nhưng với động thái từ Ngân hàng Nhà nước, trường sẽ "lập một nhóm nghiên cứu về Bitcoin".
Lý lo Bitcoin là một vấn đề mới của nền kinh tế số mà một trường đại học đào tạo về công nghệ không thể thờ ơ, nên phải nghiên cứu, thử nghiệm... nhất là trong thời đại 4.0.
"Việc chuyển thông điệp cho sinh viên về việc có thể sử dụng Bitcoin như một công cụ để đóng học phí cũng là một bước chúng tôi tiến tới gần hiện tượng công nghệ - tài chính này để nghiên cứu, tìm hiểu về nó", ông Tùng nói.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 1-11, Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) kiến nghị Chính phủ nên chấp nhận cho trường Đại học FPT triển khai thí điểm thu học phí bằng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài trong một thời gian nhất định để giúp xây dựng đề án của Thủ tướng một cách tốt hơn.
Theo ông Nhường, một số nước công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan, vì thế đề nghị Chính phủ nên sớm có lời giải trong bối cảnh hoạt động mua bán Bitcoin đang diễn ra nhộn nhịp.
Có thể thấy việc Ngân hàng Nhà nước trước sau như một dứt khoát coi Bitcoin là "tiền ảo", không chấp nhận đó là phương tiện thanh toán.
Nhưng giới đầu tư lướt sóng Bitcoin, và giới "đào" Bitcoin thì vẫn âm thầm hoạt động, và thậm chí khá sôi nổi. Một số điểm vẫn treo bảng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
Ở đây, có lẽ cần tách bạch hai vấn đề: Ngân hàng Nhà nước cấm Bitcoin ở khía cạnh "phương tiện thanh toán", nghĩa là đối xử với Bitcoin là một đơn vị tiền tệ.
Còn giới đầu tư và khai thác Bitcoin lại coi đó là tài sản, là hàng hóa. Và đó là điểm khác biệt.
Nhưng rồi sao nữa? Đấy là câu hỏi của không ít người về đồng tiền ảo mà không ảo này.
"Cho đến hiện nay người ta vẫn còn tranh cãi nhau về bản chất tiền tệ của Bitcoin và có nên chấp nhận nó một cách chính thức trong các giao dịch thanh toán hay không. Điều đó có nghĩa là thế giới vẫn còn chưa tìm ra, hay nói đúng hơn là chưa thống nhất trong việc ứng xử với hình thái tiền tệ đặc biệt này", Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài Chính - Đại học Kinh Tế TP.HCM, nói.
Có thể nhận thấy Ngân hàng Nhà nước tỏ ra rất nhất quán trong việc nói không với Bitcoin. Nhưng đấy là thời điểm hiện tại.
Trong tương lai, điều này vẫn chưa khẳng định được khi Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tiền này, vì cùng với xu thế phát triển, một số quốc gia cũng đã gật đầu với đồng tiền này.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng trước hết phải xác định Bitcoin là gì, là hàng hóa hay tiền tệ, từ đó có cách ứng xử phù hợp.
Cách mà Đại học FPT tuyên bố thu học phí, ấy là thừa nhận Bitcoin là một loại tiền. Còn cách mà nhiều chuyên gia khác đề nghị là "coi đó là một loại hàng hóa, tài sản".
Dù gì, các chuyên gia cũng cho rằng nên và rất cần phải có khuôn khổ pháp lý để quản lý, và từ đó có thể thu thuế và kiểm soát, còn hơn là đặt ngoài vòng pháp luật một xu hướng công nghệ mới.
"Nếu cứ tù mù như hiện nay thì sẽ dẫn đến những lúng túng trong quản lý và rủi ro cho các bên khi tham gia giao dịch", ông Long nói.
Theo bạn, nên ứng xử như thế nào với Bitcoin và các loại tiền tương tự?
Vào thời điểm hiện tại, lúc 16:00 ngày 1-11-2017, giá trị của một Bitcoin đã lên đến 6.456,71 USD.
Sau tăng đến 5.000 USD vào đầu tháng 9, đồng Bitcoin đã rớt giá thê thảm khi chạm đáy còn khoảng 3.000 USD hai tuần sau đó.
Nhưng rồi, diễn biến của đồng tiền này đang có một sự tăng trưởng kỳ lạ, lần lượt vượt mốc 6.000 USD, và đang tăng hàng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận