Hàng loạt dự án bất động sản được xây dựng dọc Bãi Trường, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ghi nhận thực tế cho thấy trên đảo Phú Quốc suốt dọc từ nam đảo tới bắc đảo có hàng trăm dự án tên gọi kèm theo chữ "land". Số lượng căn hộ, biệt thự các loại lên tới hàng chục ngàn.
Chưa được phép, bất động sản du lịch vẫn sôi động
Với những dự án sinh sau đẻ muộn ở khu vực Bãi Trường, ngay sảnh tiếp tân các khách sạn đều có bàn tư vấn giao dịch BĐS. Chỉ cần du khách ghé bước lại ngắm là đội ngũ nhân viên tư vấn sẽ "chăm sóc" ngay. Những dự án tên tuổi gần các resort 5 sao hoành tráng đã bán hết.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - trưởng Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc - khẳng định hiện chưa có cơ sở pháp lý cho việc đầu tư BĐS du lịch. Do đó, các giao dịch nếu có chỉ đơn thuần là thỏa thuận riêng giữa nhà đầu tư với chủ đầu tư các dự án.
"Chúng tôi khẳng định trên đảo Phú Quốc không hề có bất kỳ dự án BĐS du lịch nào được cấp phép cả. Nhà nước chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trong đó có thể có căn hộ cao tầng, biệt thự biển, căn hộ biệt lập... nhưng đều là dự án du lịch, chứ không phải 1 loại sản phẩm BĐS" - ông Tùng nói.
Ông Huỳnh Vĩnh Lạc - chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết thêm với một đảo du lịch như Phú Quốc, trong quy hoạch không hề có chủ trương cho phép đầu tư BĐS thông thường. Chủ đầu tư các dự án khách sạn, khu phức hợp nghỉ dưỡng biết điều này. Về phía cơ quan nhà nước, chắc chắn không có việc cấp phép xây dựng biệt thự rồi đem bán cho người khác. Ở đây có biểu hiện "lách luật" của một số chủ dự án.
"Biết là trên thực tế có hoạt động chuyển nhượng một số căn hộ, biệt thự trong các dự án làm dịch vụ du lịch, nhưng do chưa có cơ sở pháp lý nên không có căn cứ để kiểm tra, xử lý" - ông Lạc nói.
Quy định phải đồng bộ
Ông Trần Xuân Tây - chánh văn phòng Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa - cho rằng đến nay pháp luật Việt Nam mới chỉ cho phép người nước ngoài sở hữu nhà, căn hộ chung cư tại Việt Nam, chưa có quy định nào cho phép người nước ngoài được cấp quyền sử dụng đất ở Việt Nam.
"Do vậy tôi nghĩ hệ thống pháp luật cần sửa đổi sao cho đồng bộ, phù hợp. Luật nên quy định người nước ngoài không sở hữu đất tại Việt Nam lâu dài, vĩnh viễn, mà nên quy định thời gian 50 năm, 70 năm hay 90 năm" - ông Tây đề xuất vì condotel là một loại sản phẩm, cần thì kích cầu để người nước ngoài mua.
"Chúng ta cần nhiều sản phẩm trong du lịch nên cần phải mở việc này, nhưng đảm bảo đúng "quỹ đạo" để thu hút nguồn lực tài chính, tạo nhiều sản phẩm BĐS để phát triển kinh tế, đặc biệt là sau dịch COVID-19" - ông Tây nói.
Ông Nguyễn Xuân Thùy - chủ tịch Hiệp hội BĐS Nha Trang (Khánh Hòa) - nói rằng nhiều quốc gia trên thế giới cho người nước ngoài đứng tên BĐS. Ông cho hay nhiều thành viên trong hiệp hội nhiều lần bàn luận và hầu hết đều thống nhất rất cao rằng nên cho người nước ngoài mua nhà không giới hạn, trong đó có cả BĐS du lịch, để kích cầu du lịch và nền kinh tế.
"Tất nhiên là phải có những yêu cầu, điều kiện chặt chẽ kèm theo mà các nhà làm luật phải tính toán. Những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng đương nhiên phải được chỉ rõ để dự án BĐS có bán cho người nước ngoài không được "đụng" đến" - ông Thùy nói.
Ông Lê Quốc Anh (giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang):
Thận trọng, cần luật hóa
Người nước ngoài mua BĐS du lịch là vấn đề cần thiết đưa vào luật, nhưng cũng nên hết sức thận trọng. Hiện tại vẫn chưa có hành lang pháp lý cho việc mua bán BĐS du lịch trong nước, nói gì tới yếu tố nước ngoài. Cho nên, rất cần có quy định về mua bán BĐS du lịch, sau đó mới tính tới chuyện giao dịch với người nước ngoài.
Việc mở rộng đối tượng sở hữu BĐS nói chung, BĐS du lịch nói riêng cho người nước ngoài là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên với vị trí "nhạy cảm" về an ninh, quốc phòng, nếu ban hành luật về lĩnh vực này, chắc chắn địa phương sẽ có ý kiến không cho phép giao dịch tại các vị trí "nhạy cảm".
K.NAM ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận