Học sinh ở TP.HCM trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tôi có một đứa cháu học lớp 8, chưa đến ngày nhập học nhưng mẹ cháu đã tìm thầy đăng ký cho cháu bốn môn toán, tiếng Anh, lý, hóa - với lý do là sợ đăng ký trễ sẽ không còn chỗ.
Sức ép từ cha mẹ
Mẹ cháu còn nói: "Vào năm học, nếu thấy cháu còn yếu môn nào sẽ tìm thầy cho học thêm tiếp!". Ban ngày cháu tôi học hai buổi ở trường, tối về lại đi học thêm. Như vậy, ngày nào lịch học cũng nhét đầy sáng, trưa, chiều tối.
Thời gian học là 10-12 tiếng một ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật cũng học. Nhìn lịch học của cháu mà ngao ngán!
Năm ngoái, tôi muốn rủ cháu đi chơi đâu cũng không được vì lúc nào cháu cũng bận học. Vì mải đi học thêm nên cháu không có thì giờ chuẩn bị bài vở ở nhà, phải thức khuya để giải quyết hoặc không kịp giờ làm bài, vào lớp bị thầy cô khiển trách.
Điều phi lý là đứa cháu học lớp 1 cũng đi học thêm các buổi chiều trong tuần. Rõ ràng, ai cũng thấy sắp xếp thời gian học cho một đứa trẻ như thế là không khoa học, hợp lý. Và như thế vô tình đánh mất tuổi thơ của các cháu.
Biết là thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn nhắm mắt gửi con em cho các lớp dạy thêm vì nhiều lẽ. Các vị này cho rằng con em phải học thêm mới theo kịp bạn bè.
Hơn nữa, trong khi cha mẹ còn bận nhiều công việc, không có thì giờ kèm cặp con ở nhà, nếu gửi đến các lớp học thêm, con em sẽ được quản lý tốt, được thầy cô giảng dạy, không chơi những trò chơi vô bổ.
Nếu phụ huynh không nô nức cho con em học thêm thì các lớp dạy thêm chắc chắn sẽ không phát triển"
TRẦN THỊ BÌNH DƯƠNG
Các em mất hứng thú, xem như cực hình
Việc dạy thêm, học thêm đã tốn nhiều giấy mực để nói đến nhưng dường như hiện tượng này không giảm. Vì như có người nói: "Có cầu phải có cung".
"Cầu" này là do thói quen, nếp nghĩ của một số phụ huynh và cũng do hoàn cảnh xã hội tạo nên (trong đó có nguyên nhân từ thầy cô giáo). Nhưng nếu phụ huynh không nô nức cho con em học thêm thì các lớp dạy thêm chắc chắn sẽ không phát triển.
Vừa qua, báo chí cũng nêu một số thủ khoa kỳ thi tú tài đã không đến các lớp học thêm. Trẻ con ngày nay đi học thêm nhiều nhưng chưa hẳn có học thêm sẽ giỏi, đôi khi còn gây ra hậu quả không tốt:
Một là sức khỏe các em bị ảnh hưởng. Thời gian sử dụng không hợp lý, khoa học, giờ ăn, giờ nghỉ ngơi không được tôn trọng, lâu dần mệt mỏi, sinh ra nhiều thứ bệnh.
Hai là các em không có thì giờ để tự học. Thay vì dành thời gian suy nghĩ để tự giải quyết bài tập, bài làm, các em đến các lớp học thêm, được thầy giải bài sẵn, có bài mẫu. Lâu dần các em ỷ lại, đánh mất tinh thần và thói quen tự học, càng học cao lên càng lúng túng.
Ba là khi bị nhồi nhét nhiều, các em đâm ra ngán ngại việc học, mất đi hứng thú, xem việc học như một cực hình chứ không phải là niềm vui.
Và những hệ lụy khác từ việc học thêm mà nhiều ý kiến đã phân tích như thầy cô đối xử không công bằng, nảy sinh nhiều tiêu cực trong thi cử và đánh giá học sinh, môi trường, điều kiện học không đảm bảo, kể cả việc mỗi tháng gia đình còn tốn một khoản kinh phí khá lớn nữa.
Trong giai đoạn ngành giáo dục chuyển mình, hướng đến cuộc cách mạng 4.0, cần có sự đổi mới tư duy mạnh mẽ. Sự chuyển đổi này phải tiến hành đồng bộ từ ba phía: nhà trường, gia đình và xã hội.
Về phía nhà trường, cần có chuyển đổi tích cực của giáo viên về phương pháp giảng dạy, về cách đánh giá và tinh thần thái độ phục vụ học sinh thân yêu.
Về phía gia đình, phụ huynh nên đổi mới tư duy, thay vì đưa con em đến các lớp học thêm, mỗi ngày nên dành thời gian để nhắc nhở con em học ở nhà, hướng dẫn con em cách thức tự học, kiểm tra bài vở thường xuyên.
Với sự kiên trì, động viên, giúp đỡ của phụ huynh, các cháu sẽ hình thành nền nếp, thói quen học tập tốt. Chỉ khi nào con em học thật yếu, mất căn bản mới cần đến sự giúp đỡ của thầy cô.
Phụ huynh cần thay đổi 'thói quen'
Sự thay đổi thói quen, nếp nghĩ của phụ huynh về tổ chức việc học tập cho con em là yếu tố rất quan trọng để hình thành nhân cách trẻ, giúp con em học tập một cách thông minh, hiệu quả, phát huy trí sáng tạo, phù hợp với sự tiến bộ của thời đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận