Ngày 7-6, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo "Phát triển kinh tế tuần hoàn từ sản xuất và chế biến lúa gạo".
70% rơm rạ trên đồng thường bị đốt bỏ
Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết tổng lượng rơm rạ mỗi năm ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 24,4 triệu tấn, trong đó chỉ có khoảng 7,4 triệu tấn (tương đương 30%) được thu gom, di chuyển khỏi đồng ruộng.
30% của 7,4 triệu tấn rơm rạ này được thu gom để trồng nấm hoặc dùng để che phủ, đóng hàng trái cây, làm thức ăn gia súc và dùng vào những việc khác.
Theo ông Tùng, 70% rơm rạ còn lại trên đồng ruộng thì "đốt đồng là tương đối cao".
TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia khoa học cao cấp của IRRI, cho rằng đốt rơm rạ gây ra ngộ độc và ô nhiễm môi trường, tuy nhiên người nông dân trồng lúa vẫn có thói quen này bởi nhiều lý do.
Lý do đầu tiên là bởi thời gian quay vòng giữa hai vụ liên tiếp quá ngắn. Nghiên cứu tại TP Cần Thơ cuối vụ đông xuân, đầu vụ hè thu cho thấy 60% nông dân ở Cần Thơ đốt đồng, còn ở Đồng bằng sông Cửu Long hơn 50%.
"Do thời gian quay vòng giữa hai vụ quá ngắn, nông dân không đủ máy vô thu hoạch rơm rạ, thu hoạch xong cũng không bán đi đâu được", ông nói.
Lý do kế đến là thiếu dịch vụ thu gom rơm rạ do máy thu gom ít, không phải chỗ nào cũng có. Trong khi đó giá bán rơm quá thấp, nông dân chỉ bán 300.000 đồng đến 600.000 đồng/ha, tính ra không được bao nhiêu nên đốt cho xong.
Ngoài ra còn có các lý do khác như đây là tập quán truyền thống (đốt đồng để làm sạch ruộng); do thay đổi phương pháp cải tạo đất (trước đây cày đất nhưng hiện nay đa phần là xới đất, mà xới đất có rơm rạ bên dưới nhiều sẽ rất khó làm, do đó phải đốt bỏ); thiếu thị trường cho rơm; thiếu lựa chọn sử dụng rơm để sản xuất các sản phẩm khác...
"Đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, gây bệnh, tất cả chỉ số ô nhiễm môi trường rất cao, nhưng nông dân lại thiếu nhận thức, thiếu kiến thức về vấn đề này", ông Hùng nói thêm.
Tận dụng rơm rạ mang lại thu nhập nhiều hơn
Đó là chia sẻ của bà Phạm Thị Minh Hiếu, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, về thực tế mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã triển khai tại TP Cần Thơ.
Theo đó, nếu trồng lúa truyền thống không tận dụng rơm, người nông dân có tổng thu nhập 86 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, nếu nông dân có tận dụng các sản phẩm từ rơm như dùng rơm để trồng nấm, làm phân hữu cơ từ bã nấm rơm, trồng lúa sử dụng phân hữu cơ này thì tổng thu nhập lên tới 133,5 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lê Thanh Tùng cho rằng việc di chuyển rơm đi khỏi đồng ruộng là một trong những giải pháp kỹ thuật quan trọng trong việc làm ra gạo phát thải thấp, mà đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời sẽ sử dụng được rơm để làm ra các sản phẩm khác.
Ông Tùng đề nghị các tỉnh thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch lâu dài hoặc ngắn hạn cho việc định hướng phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn từ rơm, trấu trong ngành hàng lúa gạo ở địa phương mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận