Ngày 6-3, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận ngay trên các tuyến đường ở TP.HCM như Nguyễn Trãi, Phó Đức Chính... (quận 1), ô tô đậu hàng dài choán lòng đường, che khuất một số cửa hàng bán quần áo, mắt kính.
Trước một cửa hàng bán mắt kính trên đường Nguyễn Trãi, 2 - 3 chiếc ô tô đậu lại khá lâu khiến chủ nhà khó chịu.
Đường không phải của riêng ai
Tương tự, đường Tôn Thất Thiệp treo bảng cấm ô tô nhưng nhiều chủ xe vẫn thản nhiên đậu lại và bật xi nhan để không bị xử phạt.
Ông Nguyễn Anh Khoa (68 tuổi, ngụ quận 1) cho biết nhà ông ngay mặt tiền đường Tôn Thất Thiệp và buôn bán văn phòng phẩm nhưng đi lại rất bất tiện. Cứ sáng mở cửa đã thấy vài ô tô án ngữ trước cửa nhà khiến người trong nhà đi ra đi vô rất khó khăn.
"Gia đình tôi nhắc nhở nhiều lần nhưng tài xế không chịu chạy xe đi vì họ lý luận "đường không phải của nhà ông". Con trai tôi bức xúc cự cãi thì bị dọa đánh nên đành chịu cảnh này.
Theo tôi, TP.HCM phải có những quy định về dừng, đậu xe trên lòng đường, vỉa hè thật rõ ràng. Chúng ta phải đảm bảo chỗ đậu xe, nhưng cũng phải đảm bảo những chủ nhà mặt tiền không bị ảnh hưởng tới quyền lợi sử dụng đất", ông Khoa nói.
Còn ở khu vực đường Hoa Huệ, Hoa Sứ (quận Phú Nhuận), tài xế đem ô tô vào đậu nhiều giờ liền cản trở giao thông đi lại của người dân trong khu vực. Nhiều chủ nhà bức xúc nên cắm bảng "Vui lòng không đậu xe trước nhà", "Quán buôn bán vui lòng không đậu xe", "Không để xe trước nhà xx Hoa Huệ"...
Ngược lại, tại Đà Nẵng, rất nhiều chủ nhà mặt tiền đường khu vực trung tâm, phố kinh doanh buôn bán lại cản trở việc đậu ô tô dưới lòng đường. Để "khẳng định chủ quyền" trước nhà mình, nhiều người dân đã cản trở xe đậu bằng cách đặt chướng ngại vật dưới lòng đường.
Theo ghi nhận, tại các tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Du, Nguyễn Chí Thanh... thường xuyên xảy ra tình trạng này. Thậm chí tại tuyến đường 2-9 có lòng đường rộng, mỗi bên ba làn đường vẫn có tình trạng cơ sở kinh doanh cắm cọc tiêu ngay dưới lòng đường để "xí phần" không gian, không cho ô tô đậu.
Nói về tranh chấp, xung đột giữa tài xế và người dân xoay quanh việc đậu ô tô dưới lòng đường tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn trên cả nước, ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: Chuyện đỗ xe dưới lòng đường trước cửa nhà dân đang diễn ra phổ biến tại nhiều đô thị hiện nay.
Nguyên nhân của tình trạng này là do quá thiếu bãi đỗ xe công cộng, điểm đỗ xe công cộng trong các đô thị. Nhiều khi người dân không thể tìm được chủ xe đang đỗ trước cửa nhà mình nên họ rất bức xúc. Nhưng hiện nay không có quy định pháp luật nào cấm đỗ xe dưới lòng đường vì đường là chung của khu ở, của xã hội.
Vì là của chung nên mọi người có quyền đỗ xe, vấn đề ở đây nằm ở ý thức của chủ xe. "Tuy nhiên, đường phố là để mọi người lưu thông, về nguyên tắc thì nên cần hạn chế đỗ xe trên đường", ông Chính nói.
Chỉ cho đỗ xe tại đường lớn
Đề cập về giải pháp nhằm giải quyết vấn đề trên, TS Trần Quang Thắng, viện trưởng Viện Kinh tế - quản lý TP.HCM, cho rằng TP.HCM cũng như các đô thị lớn nên có khảo sát, thống kê tình trạng các tuyến đường hiện nay, diện tích đường.
Từ đó, quy hoạch rõ tuyến đường nào có diện tích lòng đường rộng thì cho đậu xe tạm, đậu xe theo giờ, đậu xe có thu phí... Còn những tuyến lòng đường chỉ 4 - 5m thì cần cấm đậu xe, chỉ phục vụ giao thông.
Đối với những tuyến đường cấm, ô tô cố tình đậu cản trở giao thông phải xử lý thật nghiêm, ứng dụng camera phạt nguội. Dù chưa có quy định cụ thể, nhưng việc dừng đậu xe gây cản trở đến việc ra vào hay buôn bán của người khác thì tài xế nên trao đổi, xin phép để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
"Còn về lâu dài, TP.HCM cũng như các đô thị lớn cần có quy hoạch bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe cao tầng... đáp ứng nhu cầu người dân, phát triển giao thông công cộng để người dân hạn chế đi ô tô cá nhân vào trung tâm TP.HCM", ông Thắng nói.
Còn theo KTS Phạm Thanh Tùng - chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quy hoạch đô thị hiện nay chỉ quy hoạch điểm đỗ xe, bãi đỗ xe, những nơi trông giữ xe, chứ không có quy hoạch nào quy định dưới lòng đường không được đỗ ô tô.
Ở đây là vấn đề quản lý trật tự đô thị. Với những tuyến có hè phố hẹp, lòng đường phố chỉ 5 - 6m mà chính quyền đô thị vẫn cho phép dừng, đỗ xe là bất cập. Với những tuyến phố này đáng lẽ phải cấm dừng, đỗ xe vì nó cản trở lưu thông của người dân.
Ông Tùng cho rằng chính quyền đô thị các địa phương cần căn cứ vào thực tế hoạt động tại các đô thị để quy định rõ tuyến đường nào được dừng, đỗ xe, tuyến nào cấm dừng, đỗ xe, nếu chủ xe vi phạm thì cần có mức xử phạt thật nặng để ngăn chặn.
"Trước mắt khi chưa xây dựng được các bãi đỗ xe công cộng đủ lớn thì chính quyền các đô thị từ cấp phường cần kiểm tra lại mật độ giao thông trên các đường phố xem phố nào đủ rộng có thể cho dừng, đỗ xe, chỗ nào không cho phép dừng, đỗ xe.
Về dài hạn phải đẩy nhanh quá trình xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại các công viên hiện hữu ở đô thị, bên cạnh đó cần đầu tư các điểm đỗ xe thông minh trên các tuyến phố để cung cấp chỗ đỗ xe cho những người dân có nhu cầu", ông Tùng cùng đưa ra đề xuất.
* Ông Tạ Quang Vinh (cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng):
Các khu đô thị phải bố trí chỗ đỗ xe, bãi đỗ xe
Theo thông tư số 01/2021/TT-BXD (thông tư 01) quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng thì trong các khu đô thị, đơn vị ở, và nhóm nhà ở phải bố trí chỗ để xe, bãi đỗ xe.
Bên cạnh đó, các khu vực có nhu cầu vận chuyển lớn, trung tâm thương mại, dịch vụ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí phải bố trí bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng thuận tiện cho hành khách và phương tiện kết nối liên thông với mạng lưới đường phố, đảm bảo khoảng cách đi bộ tối đa 500m.
Thông tư 01 cũng quy định các công trình công cộng, dịch vụ, các khu chung cư, các cơ quan phải đảm bảo đủ số lượng chỗ đỗ xe đối với từng loại phương tiện, theo nhu cầu sử dụng.
Đối với các khu vực đô thị hiện hữu cho phép quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe nhiều tầng, nhưng phải bảo đảm kết nối tương thích và đồng bộ, an toàn với các công trình khác.
B.NGỌC
Cần xây thêm nhiều bãi để xe tại các đô thị lớn
Rất nhiều bạn đọc cho rằng việc đậu xe ở lòng đường là bất đắc dĩ, do đó nên dừng nhanh và đi nhanh. Còn nếu phải đậu xe lâu thì tài xế nên kiếm chỗ đậu xe trả phí chứ chiếm dụng lòng đường thì không đúng.
"Nếu tài xế cứ đậu xe lâu để tiện cho mình mà không nghĩ đến việc bất tiện cho người khác cũng như gây cản trở giao thông chung thì không thể chấp nhận được", bạn đọc Việt Nam viết.
Còn theo bạn đọc Văn Minh, để giải quyết những xung đột trên thì Nhà nước cần cải tạo các dự án treo trong khu dân cư đông đúc thành các nhà để xe nhiều tầng. Bởi trước tình hình đậu xe kín từ đường lớn tới ngõ nhỏ như hiện nay thì nếu có bãi giữ xe, số tiền thu vào quỹ công sẽ rất lớn.
Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Hải Hà phản hồi: "Cần bắt đầu bằng việc nhanh chóng xây dựng các bãi để xe ngầm nhiều tầng, có thể kết hợp các bãi xe ngầm với các công trình công cộng như công viên, sân vận động".
Nói thêm về giải pháp, bạn đọc Đỗ Quang Phục đề xuất: Bộ phận quy hoạch đô thị rất nên xem xét, phát triển các bãi, nhà gửi xe.
Nên xem xét bổ sung thêm những khu vực đậu xe nhất là những nơi gần bệnh viện, các khu vực có nhiều dân ở như chung cư hay gần trường học. Nên bổ sung những khu đỗ xe tại những nơi có vỉa hè lớn như khu công viên, bờ hồ. Tạo các khu đỗ xe công cộng thuộc Nhà nước hoặc tư nhân quản lý.
"Tôi có ô tô nhưng không ủng hộ đậu xe dưới lòng đường. Đậu xe là chắn hết lối vào nhà, tắc đường. Hàng quán và phần lớn siêu thị không có bãi đậu xe, ô tô phải để dưới lòng đường chẳng khác nào sử dụng tài sản công miễn phí để thu lợi nhuận. Cần thiết kế, xây dựng thêm nhiều bãi đậu xe khu trung tâm thành phố", bạn đọc Do đề xuất thêm.
Đ.T. tổng hợp
Thiếu bãi đậu xe trầm trọng
Tại TP.HCM cũng như các TP lớn trên cả nước hiện nay đang có tình trạng thiếu bãi giữ xe trầm trọng.
TP.HCM đã đưa ra quy hoạch rất nhiều bãi đậu xe tại khu vực trung tâm nhưng trải qua hàng chục năm, đến nay chưa xây dựng được.
Hà Nội quy hoạch 78 bãi đậu xe
Tại Hà Nội, để khắc phục tình trạng thiếu chỗ đậu xe khu vực nội đô, tháng 2-2022 TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó TP Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 78 bãi đậu xe ngầm ở khu vực bốn quận là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ. Sau khi có quy hoạch, TP Hà Nội đã nhiều lần lên kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm nhưng chưa thể thực hiện vì vướng đủ thứ về mặt hành chính, pháp lý.
Để tìm giải pháp, TP Hà Nội đã gửi văn bản đến các bộ, ngành, đề nghị hướng dẫn thủ tục thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư các dự án bãi đậu xe ngầm.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc TP Hà Nội đề nghị các bộ hướng dẫn thủ tục, trình tự lựa chọn nhà đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm khi chưa có quy định pháp luật là không có cơ sở.
Bộ này đề nghị TP Hà Nội từ thực tiễn triển khai đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, đặc biệt là sửa đổi các quy định của Luật đất đai 2013 theo hướng bổ sung quy định về quản lý không gian ngầm đô thị.
Giải thích về việc vì sao cả Hà Nội, TP.HCM đều lên kế hoạch xây dựng bãi đậu xe ngầm trong trung tâm thời gian qua nhưng chưa xây dựng được, KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội - cho rằng cả hai TP đều quy hoạch rất nhiều bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe thông minh.
Nhiều doanh nghiệp đã tham gia lập dự án, đã có dự án được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Tháo vướng mắc để xây bãi giữ xe
Vướng mắc của các dự án bãi đậu xe ngầm đô thị, theo ông Nghiêm, đầu tiên xuất phát từ việc các bãi đậu xe xây dựng ngầm dưới lòng đất thì có được công nhận quyền sử dụng đất như phần trên mặt đất không?
Thứ hai, không gian ngầm của Hà Nội, TP.HCM - những đô thị lịch sử - thường vướng hạ tầng kỹ thuật ngầm nên phải xử lý mối quan hệ công trình ngầm mới với hạ tầng có sẵn như thế nào hiện rất khó giải quyết. Thứ ba, phần không gian ngầm được làm gì đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Còn theo KTS Phạm Thanh Tùng - chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng 78 bãi đậu xe ngầm ở khu vực trung tâm thời gian qua nhưng chưa thực hiện được bởi thiếu cơ chế đủ hấp dẫn.
Nếu TP không có nguồn lực để xây dựng thì cần đi vay vốn hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bãi đậu xe ngầm. Và để doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền đầu tư các bãi đậu xe ngầm thì TP cần tạo điều kiện bù đắp nguồn thu cho họ.
Việc đầu tư bãi đậu xe công cộng là trách nhiệm của chính quyền đô thị. Để thu hút được doanh nghiệp đầu tư bãi đậu xe theo hình thức xã hội hóa thì chính quyền phải bảo đảm cho họ có lãi khi đầu tư.
Nếu không thì mục tiêu xây dựng bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe thông minh của các đô thị chỉ là khẩu hiệu.
"Đã đề ra kế hoạch phát triển bãi đỗ xe ngầm đô thị thì phải có giải pháp cụ thể để thực hiện. Trường hợp không thu hút được tư nhân tham gia đầu tư bãi đỗ xe ngầm thì Nhà nước phải bỏ ngân sách ra làm, vì đây là nhu cầu của số đông người dân", KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.
BẢO NGỌC
Đà Nẵng dành quỹ đất làm bãi giữ xe
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Hồng Trung, giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, cho biết trong những năm qua tại Đà Nẵng đã tập trung thực hiện các giải pháp quy hoạch tổng thể.
Trước tiên là việc thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông toàn TP, trong đó hướng tới việc phát triển phương tiện giao thông công cộng, tăng cường quy hoạch giao thông tĩnh bằng việc dành ra nhiều quỹ đất để làm các bãi xe công cộng.
Từ đó giải bài toán ùn ứ, bức bí chỗ đậu xe ở khu vực trung tâm. TP cũng đã triển khai một số giải pháp đầu tư bãi đậu xe mới, phân lại việc đậu xe theo ngày chẵn lẻ một số tuyến đường để vừa đảm bảo giao thông, vừa hài hòa lợi ích cho những người có nhà mặt tiền.
TR.TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận