03/02/2021 09:03 GMT+7

Nền quân trị trở lại Myanmar

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Với việc quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài tới 1 năm và đưa người vào tiếp quản các vị trí chủ chốt trong chính phủ, Myanmar sẽ trở lại thời kỳ "quân trị" do thống tướng Min Aung Hlaing đứng đầu.

Nền quân trị trở lại Myanmar - Ảnh 1.

Thống tướng Min Aung Hlaing duyệt đội danh dự trong cuộc duyệt binh ở Naypyidaw năm 2012 - một năm sau khi ông trở thành tổng tư lệnh quân đội Myanmar - Ảnh: REUTERS

Một cuộc bầu cử "dân chủ" sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp, như quân đội đã hứa, vẫn còn chờ sự kiểm chứng của thời gian.

Đại lão gia sau bức màn

"Quốc tế cần hiểu quân đội tự đặt họ ở vị trí như thế nào tại Myanmar - cựu nhà báo Aye Min Thant nói với Đài BBC - Nếu truyền thông quốc tế thường ví Aung San Suu Kyi là "mẹ của Myanmar" thì quân đội tự xem họ là "cha" của đất nước này". Hôm 1-2, người "cha" ấy đã tiến hành một cuộc binh biến và bắt giữ người "mẹ".

"Chúng tôi muốn xuống đường biểu tình, thể hiện sự giận dữ của mình. Nhưng mẹ San Suu Kyi đang ở trong tay Tatmadaw (quân đội, theo tiếng Miến Điện), chúng tôi không thể làm gì khác ngoài im lặng" - một tài xế taxi ở cố đô Yangon nói với Hãng thông tấn AFP sáng 2-2.

Về mặt lý thuyết, người đứng đầu Myanmar hiện nay là quyền tổng thống Myint Swe, nhưng theo nhà nghiên cứu về Đông Nam Á Gregory B. Poling, quyền lực thực sự đang nằm trong tay thống tướng Min Aung Hlaing - tổng tư lệnh quân đội Myanmar, đội quân thường trực lớn nhất Đông Nam Á.

"Chỉ có ông ấy mới biết Myanmar sẽ đi về đâu. Hành pháp, lập pháp hay tư pháp đều nằm trong tay ông ấy", chuyên gia Poling nhận định. Năm 2016, một năm sau khi bà San Suu Kyi chấm dứt sự thống trị của các đảng thân quân đội, tướng Min Aung Hlaing tuyên bố: "Tatmadaw phải hiện diện với vai trò đứng đầu trong nền chính trị quốc gia".

Sinh năm 1956 tại miền nam Myanmar, Min Aung Hlaing tránh xa phong trào hoạt động chính trị phổ biến trong giới sinh viên khi ông theo học luật tại Đại học Yangon vào những năm 1970. Trong khi các sinh viên khác thời đó tham gia biểu tình, Min Aung Hlaing kiên trì nộp đơn thi vào Học viện Quốc phòng và chỉ thành công trong lần thử thứ ba năm 1974.

Con đường binh nghiệp của Min Aung Hlaing không có gì nổi bật, cho đến khi ông được giao phụ trách khu vực biên giới phía đông Myanmar - nơi mà vào năm 2007 và 2008 đã bùng nổ phong trào biểu tình của các nhà sư.

Cuộc biểu tình còn được biết đến trên thế giới với tên gọi "cách mạng cà sa" cuối cùng đã bị dập tắt một cách đẫm máu. Một năm sau đó, Min Aung Hlaing phát động một chiến dịch truy quét các phiến quân vũ trang khiến hàng chục ngàn người phải chạy sang đất Trung Quốc lánh nạn.

Những thành công về mặt quân sự giúp Min Aung Hlaing leo lên nhanh chóng trong hàng ngũ lãnh đạo Tatmadaw và được thăng chức năm 2011 - năm Myanmar bắt đầu chuyển đổi dân chủ. Năm 2017, Tatmadaw mở các chiến dịch quân sự ở bang Rakhine khiến hàng trăm ngàn người Rohingya bỏ chạy sang Bangladesh.

Năm 2019, ông Min Aung Hlaing cùng ba tướng lĩnh quân đội khác của Myanmar bị Mỹ trừng phạt vì các cáo buộc diệt chủng đối với người Rohingya theo Hồi giáo.

Lòng dân chia rẽ

Kể từ sau cuộc bầu cử năm 2015, Myanmar hình thành trạng thái "nhà nước trong nhà nước", khi tiếng nói của chính phủ dân sự do bà San Suu Kyi đứng đầu gần như không có trọng lượng với Tatmadaw.

Phó tổng thống và 25% số ghế trong Quốc hội Myanmar vẫn do Tatmadaw chỉ định. Sau khi bà San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint bị bắt, Phó tổng thống Myint Swe trở thành quyền tổng thống và lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp 1 năm theo điều 417 của Hiến pháp Myanmar năm 2008.

Cuộc chính biến ngày 1-2 đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng "nhà nước trong nhà nước", thống nhất được quyền lực ở thượng tầng nhưng lại gây ra sự chia rẽ và mầm mống nổi dậy ở hạ tầng.

Hồi tuần trước, khi các lo ngại đảo chính gia tăng, những lá cờ đỏ đặc trưng của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà San Suu Kyi dẫn dắt đã phủ khắp các cửa sổ tòa nhà cao tầng ở Yangon và nhiều đô thị khác.

Ngay sau khi có thông tin đảo chính, phần lớn trong số này đã biến mất do người dân lo sợ Tatmadaw sẽ tìm đến họ.

"Nhưng điều đó báo hiệu sự phản đối rộng rãi của người dân đối với can thiệp quân sự. Nó có thể trở thành sự phản kháng có tổ chức trong vài ngày hoặc vài tuần tới" - nghiên cứu viên Simon Tran Hudes của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận định. Những chỉ dấu phản kháng đã xuất hiện và có chiều hướng tăng lên sau ngày 1-2.

Đáp lời kêu gọi của NLD, Mạng lưới tuổi trẻ Yangon - một trong những nhóm hoạt động dân sự lớn nhất Myanmar - đã phát động một chiến dịch "bất tuân dân sự" ngày 2-2. Trên mạng xã hội Facebook hay Twitter, nhiều người Myanmar đã đổi ảnh đại diện và ảnh bìa sang màu đen, tự nhận mình đang sống tại "một Miến Điện bị chiếm đóng" (Occupied Burma).

Mỹ tập hợp đồng minh gây sức ép

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1-2 (giờ Mỹ) đã lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar thả những người bị bắt, đồng thời cảnh báo Washington đang xem xét tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Naypyidaw.

Viết trên tạp chí Nikkei Asia, nhà cựu ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nhận định cách Mỹ phản ứng đối với tình hình hiện tại ở Myanmar là rất quan trọng và đáng theo dõi.

Giới quan sát đa số nhận định Washington sẽ tập hợp dư luận quốc tế gây sức ép lên chính quyền quân đội Myanmar. Bởi lẽ trên thực tế các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nhắm vào Myanmar hầu như không có tác dụng do sự thiếu gắn kết giữa hai nước.

Tướng Myanmar: Quân đội nắm quyền là Tướng Myanmar: Quân đội nắm quyền là 'điều không thể tránh khỏi'

TTO - Một ngày sau khi nắm quyền, quân đội Myanmar tiếp tục siết chặt kiểm soát. Hãng tin AP cho biết các nghị sĩ Myanmar đang bị giam lỏng trong khu nhà chính phủ ở thủ đô Naypyitaw.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên