Nghe nhạc luôn có lợi
Khoa học từ lâu đã chứng minh âm nhạc có thể gia tăng động lực, giảm bớt cảm giác khó chịu và cải thiện hiệu suất khi tập luyện.
Bài viết của Phil Hilton chia sẻ, thuần túy dựa trên kinh nghiệm từ nhiều người, đưa lời khuyên về việc bạn nên nghe nhạc như thế nào để phù hợp với từng loại hình tập luyện khác nhau.
Đầu năm nay, tôi thấy mình đang tập thể dục dưới cái nắng như thiêu đốt ở Việt Nam (nguyên văn của Hilton) và nghe bản Mad Dogs and Englishmen của Noel Coward. Tôi đã có thể mỉm cười khi hít xà. Rõ ràng, âm nhạc có một tác động lớn.
Tôi đã bàn luận đề tài này với giáo sư Costas Karageorghis của Đại học Brunel (ở London). Ông ấy là người đã nghiên cứu sự tương tác giữa tập thể dục và âm nhạc trong nhiều thập niên.
Bạn hãy mường tượng thế này. Chúng ta đang nằm trên ghế sofa sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Bạn có thể cứ nằm dài như vậy thôi, nhưng rồi chợt nghĩ - mình cần phải tập thể dục, và vùng dậy. Khi đó, lời khuyên của giáo sư Karageorghis là một bản nhạc chậm rãi và hào hùng, nó sẽ giúp bạn vượt qua sức ì.
Trong trường hợp này, tôi chọn Chariots of Fire của Vangelis. Nó thực sự khiến chúng ta nghĩ đến hình ảnh những VĐV Olympic ngày xưa đang sải bước trên những vùng đất khô cằn. Hoặc Ride of the Valkyries của Wagner cũng mang đến xúc cảm tương tự.
Và bây giờ, chúng ta bắt đầu khởi động. Nghiên cứu của giáo sư Karageorghis chỉ ra rằng những bản nhạc mà ta thuộc lời sẽ tạo ra một ảnh hưởng tích cực đến nhịp tim. Lúc này nghe gì cũng được, miễn là thuộc lời.
Tùy hình thức tập luyện
Có nhiều hình thức tập luyện. Nếu là tập những bài aerobic với nhịp độ ổn định, bạn có thể nghe những bản nhạc với cường độ cao hơn nhịp tim một chút. Ví dụ như nhịp tim của tôi là khoảng 125 bpm (125 nhịp/phút), ở zone 2, và tôi chọn nghe bản Love Shack của B-52s (130 bpm).
"Mọi người vốn đã khó chịu vì việc tập luyện. Hãy chọn nghe những bản hòa âm trưởng sẽ gợi cảm giác tươi vui tích cực hơn là các bản hòa âm thứ. Cảm giác dễ chịu rất quan trọng khi kết hợp âm nhạc và tập luyện", giáo sư Karageorghis nói.
Tiếp đến là việc tập kháng lực. Giáo sư Karageorghis mãi gần đây mới nghiên cứu được chủ đề này. Ông ấy tin rằng âm nhạc chậm hơn, nhiều nhịp với âm trầm sẽ có tác dụng tốt. Đó là những bản nhạc với cường độ 110-120 bpm.
Những người tập tạ có xu hướng chia thành hai loại, hip hop hoặc heavy metal. Tôi đã thử và thành công, cảm giác như một diễn viên đang nhập vai hành động vậy.
Tiếp đến là những bài tập với cường độ cao, chủ đề phức tạp nhất. Giáo sư Karageorghis trích dẫn ví dụ từ Michael Phelps, rằng anh ấy hay nghe loại nhạc dữ dội của rapper Lil Wayne.
Giáo sư Karageorghis cũng từng làm việc trực tiếp với VĐV chạy vượt rào Dai Greene để tạo ra một ca khúc dành riêng cho anh. Kết quả là Greene đã đạt được thành tích cá nhân tốt nhất, trở thành nhà vô địch thế giới.
Theo giáo sư, những bản nhạc cường độ thấp và trung bình có tác dụng ngăn cản những tín hiệu gây nhiễu đến việc tập luyện, mức độ cải thiện có thể lên đến 10%. Nhưng vận động cường độ cao là chuyện khác. Dù từng thành công với Greene, giáo sư Karageorghis không dám khẳng định điều gì, và tin rằng "thể thao đỉnh cao chẳng liên quan gì đến thi ca âm nhạc".
Nhưng với việc hạ nhiệt, giãn cơ, phần cuối cùng của bài tập, giáo sư Karageorghis tin rằng những bản nhạc êm ái, cổ điển sẽ giúp cơ thể trở lại trạng thái cân bằng một cách hoàn hảo. Cá nhân tôi thường nghe nhạc của Enya và Enigma.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận