Xung đột ở trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đang ngày càng trở nên nóng hơn, các diễn biến phức tạp tại trạm này đã gây ra kẹt xe trầm trọng, khiến cho chủ đầu tư có lúc phải buông xuôi bằng cách xả trạm.
Việc người dân bất đồng với trạm thu phí vốn xuất hiện ở khá nhiều địa phương nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên một trạm thu phí ở phía Nam bị phản ứng quyết liệt, kéo dài suốt 15 ngày qua kể từ khi đưa trạm vào hoạt động.
Thực tế cho thấy vấn đề của trạm thu phí Cai Lậy không còn là chuyện xung đột nho nhỏ, đòi hỏi các nhà chức trách phải quan tâm giải quyết rốt ráo.
Nguyên nhân gây ra phản ứng ở trạm thu phí Cai Lậy vẫn là tranh chấp xung quanh lợi ích giữa nhà đầu tư BOT và người dân phải chịu phí. Một bên cho rằng nhà đầu tư lạm dụng vị trí đặt trạm, rồi thu phí với giá “cắt cổ”. Phía bên kia thì khẳng định họ có quyền thu hồi vốn đầu tư BOT và kể cả kiếm lời.
Chuyện đúng sai của các bên vẫn đang được mổ xẻ. Tuy nhiên, lý lẽ của người dân là rất đáng suy ngẫm, cần được lắng nghe thấu đáo.
Rõ ràng trạm thu phí Cai Lậy đặt chắn ngay đầu hai đoạn đường do nhà đầu tư bỏ tiền ra làm mới cũng như nâng cấp. Tất cả xe vào thị xã Cai Lậy hay đi các tỉnh miền Tây Nam bộ hoặc ngược lại đều không thoát trạm này.
Giá vé qua trạm cũng thuộc loại “ngất ngưởng”, tương đương với cao tốc TP.HCM - Trung Lương vốn dài hơn nhiều so với hai con đường nằm trong quyền thu phí của nhà đầu tư.
Đó là chưa kể còn không ít điều nghi ngại khác như: tính minh bạch của dự án BOT, thời hạn thu phí hoàn vốn, liệu dự án có thuộc diện phải đánh giá tác động xã hội hoặc phải lấy ý kiến dân, tại sao dự kiến ban đầu trạm thu phí được đặt ở đường tránh nhưng sau lại dời ra quốc lộ 1 - vị trí được coi là rất “đắc địa” - để thu phí? Đặc biệt là có hay không chuyện lợi ích nhóm?
Xung đột ở trạm thu phí Cai Lậy chỉ là một điển hình gần đây. Trong cả nước có rất nhiều trạm thu phí đặt ở đường này nhưng thu phí đường khác. Có khu vực lại san sát trạm thu phí, bất chấp mọi quy định.
Tệ hơn nữa là trạm đèo Cả triển khai thu phí ngay khi dự án mới khởi động, cho đến nay người dân vẫn phải nộp phí dù hầm đèo Cả chưa hoàn thành.
Dẫu biết cần phải xã hội hóa việc đầu tư hạ tầng giao thông, buộc phải đầu tư BOT trên đường độc đạo thì vẫn phải hết sức cân nhắc đến quyền lợi người dân, đừng chỉ chăm chăm bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư.
Có một câu hỏi tổ bố là: phía sau sự “chăm chăm bảo vệ lợi ích” ấy là gì?
Đừng quên rằng người dân đã đóng rất nhiều thứ thuế và phí, trong đó có cả khoản duy tu cầu đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận