Các bạn trẻ quan tâm đến nguồn vốn khi khởi nghiệp - Ảnh: TẤN LỰC |
Hội trường nóng ngay phút đầu khi tiến sĩ Mai Hữu Tín (chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP đầu tư U&I) nêu lên thực trạng thua thiệt của kinh tế VN: đông dân thứ 14 thế giới nhưng tổng thu nhập quốc nội (GDP) đứng hàng 48, chia GDP ra bình quân đầu người thì VN đứng thứ 134 toàn cầu.
Những con số khác được các diễn giả nêu ra khiến nhiều bạn trẻ giật mình: trung bình trên thế giới cứ 100 ý tưởng khởi nghiệp thì tốt lắm cũng chỉ có hai ý tưởng phát triển thành công. Hay nói cách khác, bước vào lập nghiệp, người trẻ dễ nhận lấy thất bại nếu không được chuẩn bị đầy đủ.
Khi được hỏi: “Làm sao để thành lập doanh nghiệp thành công?”, một nam sinh viên ĐH Kinh tế tự tin đứng lên cầm micro “liệt kê” rất bài bản rằng phải nắm vững kiến thức kinh doanh, phải có ý tưởng hay, chiến lược tốt, đánh trúng thị hiếu thị trường...
Theo các doanh nhân, kiến thức kinh doanh chỉ là một trong rất nhiều yếu tố làm nên thành công. Nhưng thái độ và kinh nghiệm mới là hai thứ cực kỳ quan trọng nằm ngoài giáo trình ĐH.
Muốn có những thứ ấy, người doanh nhân tương lai phải vật lộn ngoài trường đời, phải trải nghiệm vị trí của người làm thuê để chuẩn bị hành trang làm chủ.
Ông Phan Hải, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng đồng thời cũng là giám đốc Công ty TNHH giày BQ, kể ông từng làm thuê hơn chục năm cho một công ty giày dép có tên tuổi toàn quốc.
Khi có trong tay kinh nghiệm ngành da giày và nhìn ra lỗ hổng nơi mình làm việc, ông Hải mạnh dạn “ra riêng”, thành lập doanh nghiệp với số vốn vay mượn bạn bè và tiền cầm cố nhà cửa.
Nhờ quyết định táo bạo, kinh nghiệm có sẵn và định vị đúng nhóm khách hàng mà thương hiệu giày BQ dần phát triển lớn mạnh tại thị trường miền Trung.
“Tôi yêu da giày và dành hết tâm sức vào đó. Nếu mình dành cho khách hàng những điều tốt nhất thì họ sẽ tự tìm tới mình, đó gọi là cho đi để nhận lại” - ông Hải nhắn nhủ.
Nhiều sinh viên trăn trở làm sao tìm được nguồn vốn phát triển doanh nghiệp? Tiến sĩ Mai Hữu Tín chia sẻ câu chuyện thành công của một chuyên gia kiểm nghiệm hải sản.
Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung, sức mua hải sản trong nước giảm sút. Anh này có ý tưởng “chở củi về rừng” khi nhập cá mú đỏ xứ lạnh về bán tại VN.
Khi trình bày công nghệ bảo quản cá hiện đại, giữ được độ tươi ngon và giá bán cạnh tranh, các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng và nhanh chóng rót vốn hiện thực hóa ý tưởng thành mô hình kinh doanh rất thành công.
Dẫn ra câu chuyện, tiến sĩ Tín cho rằng nếu người trẻ có ý tưởng tốt và lập được kế hoạch kinh doanh khả thi thì các nhà đầu tư sẽ không ngần ngại nhảy vào hỗ trợ.
Có mặt tại buổi giao lưu, phó chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ VN Lê Văn Hiểu nhấn mạnh: “Với các bạn trẻ, phải đam mê và dám mơ ước lớn thì mới thành công”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận