Dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn sôi động tại TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Tại buổi tọa đàm “Kinh tế số - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn thành phố” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức ngày 25-3, các chuyên gia HIDS cho biết quy mô kinh tế số TP.HCM hiện chiếm khoảng 14,41% trong tổng giá trị GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP.HCM.
Trong khi mục tiêu về kinh tế số của TP đến năm 2025 sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP TP.
Theo các chuyên gia, con số nêu trên mang tính tham khảo bởi phần lớn thời gian trong năm 2021, TP.HCM bị đại dịch COVID hoành hành dữ dội, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, theo Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, trước tác động của đại dịch, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2021 giảm 6,78% so với cùng kỳ. Nhiều ngành dịch vụ truyền thống giảm mạnh như khu vực thương mại dịch vụ giảm 5,5%, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm đến 54,93% và kinh doanh bất động sản giảm 17,32% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến được nhiều người dùng và doanh nghiệp áp dụng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thiết yếu của thị trường trong lĩnh vực bán lẻ hàng thực phẩm, dịch vụ Internet, viễn thông.
Do đó, một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng dương như hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có mức tăng 3,8% so với cùng kỳ, thông tin truyền thông có mức tăng 6,08% so với cùng kỳ.
Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM - cho rằng để TP phát triển hệ sinh thái kinh tế số phụ thuộc rất nhiều yếu tố, với các mối quan hệ chặt chẽ tạo nên hệ sinh thái về kinh tế số, bao gồm dữ liệu, vốn, con người, khu vực công, khu vực tư, văn hóa số...
Theo ông Thắng, TP đang có thuận lợi là một trong các địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất. Hạ tầng mạng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn.
Trong năm 2021, TP xếp vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, là điều kiện thuận lợi để tiếp tục chuyển đổi số và phát triển kinh tế số mạnh mẽ.
Ông Phạm Bình An - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cũng cho rằng “hiện TP.HCM được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao”.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, cả ba nhà mạng điện thoại di động lớn trong nước là Viettel, VNPT và MobiFone đều đồng loạt công bố vùng phủ sóng, chính thức thử nghiệm kinh doanh dịch vụ 5G.
Xu hướng số hóa xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế… và việc sử dụng công nghệ dần đi vào nếp sống, nếp sinh hoạt và làm việc của người dân.
Các ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng xem video, game, ứng dụng công việc hay ứng dụng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử đều được người dùng Internet sử dụng thường xuyên. Thương mại điện tử tại TP.HCM đang ở giai đoạn phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường.
“Đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của TP và đời sống người dân, nhưng lại là “cú hích” phát triển giao dịch trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số nói chung”, ông An nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận