TTCT - Hằng đêm, trên toàn thế giới có 40.000 người thuê chỗ ở từ một mạng lưới có đến 250.000 phòng, phân bổ khắp 30.000 thành phố, trên 192 quốc gia. Chuỗi khách sạn nào lớn như vậy? Không, đây là kết quả của dịch vụ “cho mượn phòng” trên Internet. Phóng to Mọi thứ đều có thể cho thuê - Ảnh: Nguồn: The Economist Điển hình nhất của loại hình này là Công ty Airbnb ở San Francisco (Mỹ), từ lúc thành lập hồi năm 2008 đến nay đã giúp 4 triệu người tìm chỗ ở khi đi du lịch, khi cần chỗ ở tạm thời tại một thành phố…, riêng năm 2012 là 2,5 triệu. Mượn có trả phí thay vì thuê hay mua Các dịch vụ này hoạt động thế nào? Cách vận hành rất đơn giản: người cần cho mượn có thể đăng ký lên trang web của công ty cái mình thừa muốn cho mượn: từ một phòng riêng lẻ đến cả tòa dinh thự, đưa ra giá mình muốn và các yêu cầu về luật lệ, chẳng hạn không hút thuốc, không có thú cưng... Phía người cần mượn đưa loại phòng mình cần, thành phố mình muốn ở, ngày cần dùng, giá cả… Phần mềm của Airbnb sẽ “bắt cặp” giữa hai bên (từ dữ liệu của cá nhân đăng ký lên đến 300.000 người tại 192 quốc gia). Khi nhu cầu hai bên gặp nhau, giao dịch thành công, công ty sẽ hưởng 9-15% phí trên giá thuê. Nền tảng của loại hình dịch vụ mới này dựa trên cách đặt vấn đề mới mẻ: Tại sao phải trả một đống tiền cho một việc khi bạn có thể thuê rẻ hơn từ một người đang có dư thông qua mạng? Đó là nguyên tắc hình thành một loạt dịch vụ online giúp người ta chia sẻ với nhau từ phòng ngủ, xe hơi, xe đạp đến các thiết bị gia dụng, giúp kết nối chủ nhân của những vật dụng mua mà ít dùng đến với những người muốn mượn nó để dùng trong thời gian ngắn. Hàng tá công ty như vậy đã ra đời giữa những năm 2008-2010 (tức sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra) và không chỉ cho mượn phòng mà còn nhiều thứ khác. Nếu các công ty như Airbnb, Roomorama, Wimdu, BedyCasa… giúp người ta cho mượn các phòng ở còn trống thì Công ty RelayRides giúp người ta cho thuê chiếc xe ít sử dụng. Riêng về công ty cho mượn xe thì chia ra: dịch vụ cho mượn xe thuần túy (các công ty như Buzzcar, Getaround, RelayRides, Tamyca, Wheelz, Whipcar) và dịch vụ như taxi (Lyft, SideCar, Uber, Wheels), trong đó chủ nhân dùng xe mình chở người cần thuê. Một số dịch vụ chỉ tập trung cho giới sinh viên, một số chuyên cho mượn các xe thể thao loại mạnh… Một chuyển đổi trong nhận thức xã hội nhờ kỹ thuật “Chúng tôi đã không thể xuất hiện 10 năm trước, trước Facebook, bởi khi đó mọi người chưa sẵn lòng chia sẻ” - Nate Blecharczyk, một trong những người sáng lập Airbnb, thừa nhận vai trò đặc biệt của truyền thông xã hội trong việc tồn tại nền “kinh tế chia sẻ”. Mặc dù Airbnb không yêu cầu khách hàng nối Airbnb với trang Facebook của họ, nhưng khi người sử dụng có những bạn bè quen với một người từng sử dụng dịch vụ của Airbnb thì họ sẽ dễ dàng tiếp cận loại dịch vụ mới này hơn. David Lee, một trong những người sáng lập và điều hành Airbnb giai đoạn đầu, thừa nhận vai trò của truyền thông xã hội, nhưng nhấn mạnh việc cần thiết tạo ra một cộng đồng tin tưởng nhau khi nói đến việc thu hút khách hàng. Nhiều chuyên gia cho rằng hình thức của Airbnb có khác gì dịch vụ cho thuê phòng trọ “bed-and-breakfast” hay cho thuê nhà kiểu “timeshare”. Thật ra đó chỉ là so sánh về hình thức, còn về bản chất sâu xa, hiện tượng kinh tế xã hội này thể hiện những chuyển đổi lớn. Chẳng hạn chỉ nhờ có điều kiện kỹ thuật mới giúp việc chia sẻ phòng này diễn ra dễ hơn, giúp giảm chi phí chuyển dịch, làm cho dịch vụ rẻ hơn và do đó số lượng sử dụng dịch vụ sẽ diễn ra ở quy mô lớn (đâu có chuỗi khách sạn danh giá nào có nổi số phòng lên đến 250.000 trên khắp thế giới như thế mà lại không bỏ một khoản đầu tư nào). Chính kỹ thuật giúp cho tính sẵn sàng của thông tin về người và vật dụng tăng lên, qua đó cho phép một tài sản vật thể được chia nhỏ ra và được tiêu dùng như một dịch vụ (một căn nhà ba phòng mua rồi làm sao chia ra làm ba, và làm sao có người biết để mướn bất cứ lúc nào cần?). Vậy mà theo Airbnb, chủ nhân một tài sản chưa dùng có thể kiếm được khá tiền, các chủ nhà ở San Francisco có thể cho thuê nhà của họ trung bình 58 đêm/năm và kiếm được 9.300 USD. Chủ nhân có xe thừa cho thuê qua RelayRides trung bình kiếm được 250 USD/tháng, cá biệt có người kiếm được 1.000 USD. Chính sự chín muồi của kỹ thuật đã giúp tạo ra điều này: Internet giúp kết nối, smartphone với bản đồ và định vị GPS giúp xác định phòng trống gần nơi mình sẽ đến du lịch hay xe trống để mình đến nhận, mạng xã hội và hệ thống đánh giá nhân thân để biết người cho mượn hay người mượn có đáng tin không và sau cùng là hệ thống thanh toán qua mạng để trả tiền cho nhau. Cứ thế, hàng triệu con người hoàn toàn xa lạ đã “mượn” đồ của nhau và thành quả của nó đang được nghiên cứu như một hiện tượng kinh tế mới dưới các định danh như “tiêu dùng nhóm” hay “tiêu dùng chung” hay “tiêu dùng hợp tác” (collaborative consumption) hay “lối sống ít sở hữu tài sản” (asset-light lifestyle) hay “nền kinh tế dùng chung” (collaborative economy) hay “nền kinh tế đồng đẳng” (peer economy) hay “nền kinh tế do tiếp cận” (access economy) hay “nền kinh tế chia sẻ” (sharing economy)… Theo Rachel Botsman - tác giả một cuốn sách về đề tài này, thị trường này hiện lên đến 26 tỉ USD. Tác giả cho rằng khuynh hướng tiêu dùng chung tốt vì giúp người thừa kiếm thêm tiền và người cần mượn trả ít hơn nếu so với việc thuê phòng khách sạn hay công ty thuê xe. Về mặt xã hội, người ta xem câu khẩu hiệu mà khuynh hướng này đưa ra “Tiếp cận thắng sở hữu” (Access trumps Ownership) như là một phản ứng hậu khủng hoảng đối với lối sống vật chất và tiêu dùng quá mức trước đó, cũng đem lại nhiều cái lợi về môi trường vì làm cho việc sử dụng tài nguyên hợp lý hơn... Nhưng dù dưới động cơ nào thì khuynh hướng này đã rất rõ ràng như phát biểu đúc kết của Jeff Miller - chủ nhân Công ty Wheelz - công ty cho mượn xe đang vận hành ở California: “Người ta sẽ tìm mua các dịch vụ lúc họ cần thay vì phải sở hữu luôn một tài sản mà thỉnh thoảng mới dùng đến”. Các trở lực và tiềm năng Tiềm năng lớn của mô hình này đã bắt đầu lôi kéo các “ông lớn” lâm trận. Công ty đầu tư GM Ventures, thuộc hãng xe khổng lồ GM, đã đầu tư 11 triệu USD vào RelayRides trong năm 2011. Còn Công ty ZipCar chuyên cho thuê xe theo giờ trước đây đã đầu tư 14 triệu vào công ty “cho mượn” Wheelz. Đầu năm nay, ZipCar bị công ty cho thuê xe khổng lồ, lâu đời Avis mua đứt với giá 491 triệu đôla, tạo điều kiện cho Avis thành chủ đầu tư của Wheelz. Như vậy, các công ty lớn này đã bắt đầu nhận ra sức mạnh của các công ty “cho mượn” mới khởi nghiệp này và thò cánh tay của mình vào thị trường. Sau khi đặt chân vào đây, họ bắt đầu kết hợp các ưu thế riêng của mình lên dịch vụ mới, như GM cho quyền đặc biệt để RelayRides truy cập hệ thống định vị đặc biệt của mình gọi là GM’s OnStar Navigation System, được cài đặt trên 6 triệu chiếc xe tại Mỹ. Ưu thế này giúp RelayRides tận dụng nguồn tài nguyên của 6 triệu xe trên trong dịch vụ “cho mượn” lẫn kỹ thuật “khóa và mở khóa” tự động từ xa của hệ thống, giúp không mất thì giờ trao chìa khóa tận tay người cần mượn. Tuy vậy, những khó khăn cản trở xu thế mới này cũng bắt đầu thấy xuất hiện. Đầu tiên là vấn đề chọn đúng khách tốt để cho mượn. Airbnb đã gặp một đợt tai tiếng xấu hồi giữa năm 2012 khi chủ căn hộ cho thuê phát hiện căn nhà mình đầy rác sau khi cho mượn và một số tư trang bị mất. Sau những tranh cãi không cần thiết, Airbnb đã chính thức bồi thường và từ đó về sau thêm vào điều khoản: bồi thường đến 50.000 đôla cho chủ nhân để bảo hiểm cho nhà và đồ đạc bị hư hỏng. Con số này đến tháng 5-2012 tăng lên 1 triệu đôla dưới sự bảo hiểm của Công ty Lloyd. Airbnb sau đó cũng cải tiến trang mạng của mình để người mượn và cho mượn trao đổi với nhau trước khi bàn giao chìa khóa. Tiếp theo là vấn đề nghĩa vụ thuế, câu hỏi của cơ quan thuế rằng người cho thuê phòng có phải bị đóng thuế như một nhà trọ hay khách sạn không? Tại Amsterdam (Hà Lan), cơ quan thuế đã dùng chính công cụ của Airbnb để truy tìm các nhà trọ không phép, trốn thuế. Còn tại những thành phố Mỹ, các công ty taxi đang vận động để ngăn cấm dịch vụ mượn xe ở đây... Rồi các công ty bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe cũng bắt đầu chú ý đến các xe cá nhân họ bảo hiểm lại đang dùng để kinh doanh… “Nền kinh tế chia sẻ” là một thành tựu mới nhất của Internet trong việc mang các giá trị mới đến cho người dùng. Nó vừa có tiềm năng khổng lồ vừa gây ra những vấn đề tranh cãi. Nhưng dù có thế nào đi nữa, ý tưởng chia sẻ các nguồn tài nguyên này đã được hàng triệu người trên thế giới chấp nhận, đã lôi kéo bao ông lớn nhào vào cuộc thì giá trị và tiềm năng của nó là có thật, chỉ cần những điều chỉnh phù hợp thì đây sẽ là một xu thế lớn của tương lai. Tags: Kinh tế cho mượnCho mượn phòngCông ty AirbnbDịch vụ cho mượnĐÔNG NAM
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Tên lửa Mỹ tấn công, Nga sẽ sử dụng vũ khí mới NGHI VŨ 18/11/2024 Trước thông tin Mỹ cho phép Ukraine tấn công vào Nga bằng tên lửa viện trợ, Chủ tịch Duma quốc gia cảnh báo Nga có thể đưa vào sử dụng các hệ thống vũ khí mới.
Bắt Nguyễn Quang Hoàng, tổng giám đốc GFDI lừa đảo, huy động 3.700 tỉ của 7.541 người ĐOÀN CƯỜNG 18/11/2024 Công an Đà Nẵng đã bắt ông Nguyễn Quang Hoàng (36 tuổi), tổng giám đốc Công ty GFDI, để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến lượt Anh, Pháp cho Ukraine nã tên lửa tầm xa vào đất Nga? THANH BÌNH 18/11/2024 Báo Le Figaro (Pháp) tường thuật rằng nối gót Mỹ, hai nước Pháp và Anh đã cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa Storm Shadow để tấn công vào lãnh thổ Nga. Hôm nay Paris lên tiếng chính thức.
Lãnh đạo TP.HCM thăm gia đình cố GS.TS Nguyễn Thiện Thành THẢO LÊ 18/11/2024 Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đã đến thăm, chúc mừng gia đình cố GS.TS Nguyễn Thiện Thành nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.