Xe tiêm vắc xin lưu động do Thaco sản xuất sẽ đi từng hẻm ở TP.HCM trong đợt tiêm chủng sắp tới - Ảnh: Chinhphu.vn
Tốc độ tiêm chủng những ngày vừa qua chậm, theo tôi do 2 vấn đề: thiếu vắc xin, và việc tổ chức tiêm còn chậm.
Vắc xin ngừa COVID-19 hiện hạn sử dụng rất ngắn (chỉ 6 tháng), nên phải tổ chức tiêm rất nhanh, bởi vắc xin về đến Việt Nam còn phải kiểm định, nên thời hạn chỉ còn 4 tháng, thậm chí ít hơn.
Từ đầu tháng 7 đến nay, vắc xin về nhiều hơn nhưng tốc độ tiêm chủng vẫn rất chậm, tôi có theo dõi chỉ thấy tiêm 30.000 - 40.000 mũi/ngày.
Nếu Việt Nam tiêm đều, trung bình đạt 100.000 mũi/ngày, thời gian cần để tiêm đủ 2 mũi cho 70 triệu người trên 18 tuổi như mục tiêu (chưa tính 9 triệu trẻ vị thành niên) thì phải hơn 40 tháng mới tiêm xong. Thời gian như thế, có thể nói, rất khó khăn cho các mục tiêu chung.
Nên đặt ra một mục tiêu về số lượng mũi tiêm mỗi ngày cho tiêm chủng, ví dụ 400.000 - 500.000 mũi/ngày, như Mỹ hay Indonesia đặt mục tiêu 1 triệu mũi/ngày.
Theo tôi, chống dịch hiện không có bí quyết gì ngoài tiêm vắc xin cho nhanh, các biện pháp như giãn cách, truy vết... chỉ có giá trị trong thời gian nhất định, khi dịch mạnh thì giãn cách, truy vết... để dịch lui. Nhưng khi mở cửa lại thì dịch lại như nước lũ tràn. Tiêm đủ vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng mới là biện pháp cơ bản.
Ngoài nguồn vắc xin nhập khẩu, có thể sử dụng vắc xin trong nước khi nguồn vắc xin trong nước đạt tiêu chuẩn, nếu chỉ chờ vắc xin nhập khẩu sẽ không đảm bảo về số lượng để thực hiện mục tiêu.
Có mục tiêu về số lượng mũi tiêm rồi, có nguồn vắc xin rồi thì sớm chuẩn bị để tiêm chủng vắc xin nhanh và rộng rãi. Hiện nay việc tiêm chủng ở Việt Nam đang sử dụng hệ thống cơ sở y tế công là chính. Ở Mỹ sử dụng cả bác sĩ, điều dưỡng nghỉ hưu, lập các trạm tiêm chủng di động. Nhiều nước khác cũng như vậy.
Ở Việt Nam, tôi cho rằng nếu cơ sở công lập từ tuyến xã phường còn hạn hẹp, có thể sử dụng bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, cơ sở y tế quân đội, của tư nhân, tức sử dụng tất cả hệ thống y tế hiện có. Có thể huy động cả bác sĩ, điều dưỡng đã nghỉ hưu, trong đó bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi sau tiêm, điều dưỡng tiêm chủng.
Phải "đánh" mạnh, như Bác Hồ từng nói "ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm...", tiêm chủng có thể sử dụng hệ thống công và tư, không nên để các cơ sở nhà nước ôm đồm tất cả, bởi tiêm chậm là chết, tiêm nhanh bao nhiêu thì mình "thoát nạn" sớm bấy nhiêu.
Giở bản đồ tiêm vắc xin của thế giới sẽ thấy: số lượng tiêm chủng của Việt Nam chỉ hơn mấy nước châu Phi, mới đạt chưa đầy 4% dân số (mục tiêu là 70%), trong khi Campuchia đã đạt hơn 20%.
Giới chuyên môn chúng tôi tính toán, nếu huy động hết cả hệ thống y tế, mỗi ngày chúng ta có thể tiêm được 500.000 mũi vắc xin, như vậy tháng 10 tới có thể tạm yên.
Ở những nước có tỉ lệ tiêm cao, dịch vẫn còn hoành hành và ghi nhận nhiều ca mắc. Nhưng rõ ràng ở đó dịch bùng phát trên nhóm những người chưa tiêm vắc xin, những người tiêm rồi thì bệnh nhẹ hơn rất nhiều, không phải đi bệnh viện.
Riêng một hệ thống tiêm chủng ở Việt Nam cho biết họ có năng lực tiêm 5 triệu mũi vắc xin ngừa COVID-19/tháng. Hệ thống này có gần 60 cơ sở ở nhiều tỉnh thành. Nếu vắc xin về nhiều, có thể huy động thêm nhiều bệnh viện tư, phòng mạch tư...
Năng lực chung của hệ thống y tế tư nhân không nhỏ bởi hiện có nhiều bệnh viện tư lớn, có cơ sở ở nhiều tỉnh thành.
Tuy nhiên như thời gian qua thì chưa sử dụng được ưu thế của hệ thống tư nhân. Trong khi hệ thống công lập hiện đảm nhiệm quá nhiều công việc, vừa chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19, điều trị cho các bệnh lý thông thường...
Bình thường y tế công lập đã quá tải, nay lại thêm chống dịch căng thẳng và tiêm vắc xin sẽ cực kỳ quá tải. Tôi cho rằng cần sớm huy động cả hệ thống y tế vào cuộc mới có thể triển khai tiêm chủng nhanh hơn.
Trong các biện pháp chống dịch, phong tỏa, giãn cách có tác dụng, nhưng muốn mở lại cần phải tiêm vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận