TT - Đó là ý kiến của ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT - khi nói với Tuổi Trẻ về những lùm xùm của bóng đá VN hiện nay, nhất là mối quan hệ mất đoàn kết giữa Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF).
Về mối quan hệ giữa VPF và VFF, ông Dự cho rằng đang có sự lẫn lộn vị trí giữa hai đơn vị này.
VPF không thể ngang bằng với VFF
Ông Dự nói: “Việc VPF được tổ chức với tính chất là công ty tổ chức sự kiện bóng đá VN là điều hoàn toàn đúng và cần thiết, giúp VFF không phải vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhưng VPF đứng ra tổ chức theo hợp đồng với VFF chứ không thể làm thay VFF. Trách nhiệm tổ chức các giải bóng đá quốc gia, các trận bóng đá quan trọng của VN vẫn là trách nhiệm của VFF. VFF phải giao cho VPF quyền chủ động trong việc tổ chức giải đấu, tài trợ, thậm chí cả vấn đề tuyển chọn trọng tài, các vấn đề chuyên môn... nhưng tất cả những việc này phải đặt dưới sự giám sát của VFF vì VFF là cơ quan chịu trách nhiệm trước Bộ VH-TT&DL, trước Nhà nước về các vấn đề liên quan đến bóng đá VN. Phải rành mạch như vậy chứ không thể đặt sự tồn tại của VPF với VFF ngang bằng nhau được.
Nhưng thời gian qua, theo dõi vấn đề tôi thấy hình như những phát biểu của VFF, VPF có sự lẫn lộn vị trí với nhau. Việc ra đời của VPF là cần thiết, nhưng nếu trục trặc như thế này cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VH-TT&DL phải làm rõ vị trí của VFF, VPF. Vì có VPF nên mới nảy sinh việc tranh chấp bản quyền truyền hình với Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), do vậy phải có sự nhượng bộ giữa hai phía để tạo điều kiện cho những đơn vị truyền hình quan trọng của Nhà nước như VTV, VTC được tham gia. VFF không nên giao hẳn cho một đơn vị như AVG với thời hạn 20 năm về việc truyền hình các giải đấu cao nhất của bóng đá VN”.
Phải sửa nếu không hợp lý
* Khi VFF ký hợp đồng với AVG năm 2010, chính Bộ VH-TT&DL đã bật đèn xanh ủng hộ việc ký hợp đồng này. Đó có phải là nguyên nhân khiến VFF có cớ để ký đến 20 năm?
- Muốn nói chuyện này phải nói chuyện khác, thời tôi làm bộ trưởng tôi rất coi trọng xây dựng nhân lực bộ môn bóng đá của ngành. Đấy chính là nơi có thể tham mưu cho bộ trưởng những vấn đề của bóng đá, để nghe ngóng tin tức giới này, giới khác liên quan đến bóng đá. Tôi biết được tiêu cực trong bóng đá cũng một phần thông qua bộ môn này.
Thế nhưng thời gian qua, vai trò của bộ môn bóng đá của Tổng cục TDTT rất kém, thậm chí hiện nay là không có. Do đó những người có trách nhiệm không có người giúp việc về quản lý bóng đá để tham mưu cho những vấn đề của bóng đá. Vì vậy Bộ VH-TT&DL có thể ủng hộ việc VFF ký hợp đồng với AVG 20 năm cũng dễ hiểu. Nhưng đừng câu nệ đã trót ký 20 năm mà không dám sửa, nếu đồng ý rồi mà thấy không hợp lý mà sửa thì tốt chứ sao.
* VFF và VPF đang có mâu thuẫn sâu sắc và dường như không thể nhượng bộ lẫn nhau? Theo ông, có hướng nào để giải quyết bế tắc này?
- Đã lập ra VPF thì phải để VPF làm việc. Lãnh đạo Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL phải nhanh chóng phê duyệt điều lệ giải, nếu có gì thấy chưa phù hợp phải điều chỉnh ngay để VPF có cơ sở pháp lý tổ chức giải. Những điều ông Nguyễn Đức Kiên nói thời gian gần đây về việc lãnh đạo ngành chậm trễ phê duyệt điều lệ giải là rất đúng. Cứ thử nghiệm mùa giải 2012 đi, nếu VPF thành công thì tốt, sai sót gì thay đổi dần dần. Lãnh đạo ngành cũng phải ngay lập tức chấn chỉnh mối quan hệ của VFF với VPF. Một số người làm chuyên môn cứ hay lấy FIFA ra để dọa. Tôi từng làm việc trực tiếp với chủ tịch FIFA Sepp Blatter và bày tỏ quan điểm quản lý của Nhà nước trong quá trình phát triển và xã hội hóa bóng đá VN, ông Sepp Blatter hoan nghênh việc này và chắc chắn ngay cả thời điểm hiện nay FIFA cũng không bao giờ can thiệp vào những việc đó.
Bới móc nhau là hạ sách
* VFF là cổ đông lớn nhất tại VPF nhưng lại đang không có tiếng nói trong chính nơi mình là cổ đông chính?
- Ý định của VFF dùng cổ phần lớn để chi phối VPF là ý định tốt nhưng tôi nghĩ VFF hơi ngây thơ. Quản lý bóng đá không giống kinh doanh một thứ hàng hóa nào đó, mà bóng đá là xã hội. VFF muốn chi phối VPF thì phải thiết lập lại trật tự mối quan hệ với VPF như đã nói ở trên.
* Nếu muốn chỉ đạo VPF, VFF phải gương mẫu?
- Đúng vậy. Nếu muốn chỉ đạo được người khác thì VFF phải gương mẫu, hai bên cứ bới móc nhau thì chỉ là hạ sách mà thôi. Nếu như thế này không khéo cả VFF và VPF vừa mới ra đời đã phải cải tổ lại. Là người quan sát bên ngoài tôi thấy rất buồn. VFF đi làm trọng tài cho khắp thiên hạ nhưng trong việc của VFF với VPF thì không có ai làm trọng tài. VFF, VPF đều là những người lớn, anh tài của giới kinh doanh hay những người cả đời làm bóng đá, làm sao lại có thể xử sự theo hướng bới móc nhau được. Nếu VFF, VPF không ngồi được với nhau thì cơ quan nhà nước phải ra tay. Trong thời điểm hiện nay có thể hoãn đi một mùa giải để cải tổ lại bộ máy tổ chức.
- Ông có buồn lòng khi vai trò của Tổng cục TDTT quá mờ nhạt trong những vấn đề của bóng đá hiện nay?
- Tôi đang chờ nghị định của Thủ tướng về tổ chức bộ máy của Bộ VH-TT&DL như thế nào. Tôi có mấy kiến nghị: 1- Phải phân cấp công việc cho Tổng cục TDTT để họ làm. 2- Phải tính đến nhân sự của lãnh đạo Tổng cục TDTT. Trong cuộc sống có nhiều người tốt nhưng không phải ai cũng có thể chỉ huy chiến trận được. Thể thao đang thiếu những vị tướng như anh Lê Bửu, anh Hoàng Vĩnh Giang, Nguyễn Hồng Minh... Có trong tay những chiến sĩ sẵn sàng xả thân thì mới có thể làm được việc. Cán bộ quản lý thể thao hiện nay yếu lắm.
* Ông có cho rằng cần phải cải tổ bộ máy nhân sự của VFF hiện nay như đề nghị của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL?
- Tôi nghĩ đây không phải là bộ máy kém, cá nhân họ là những người có năng lực nhưng tập thể VFF đã trượt đi trong 2-3 năm vừa qua theo khuynh hướng khác, buông lỏng quản lý vì thế nảy sinh nhiều tiêu cực trong bóng đá. Chính những cái đó quay trở lại làm rệu rã tính tổ chức, kỷ luật của bóng đá. Bây giờ phải cải tổ VFF.
Bán độc quyền cho một đơn vị đến 20 năm là không được Theo ông Dự: “Về việc VFF ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình bóng đá cho AVG, tôi nghĩ đây là một sự cố gắng lớn của VFF bởi vấn đề bản quyền trước đó rất phức tạp. Thời tôi làm bộ trưởng, mỗi trận bóng đá phải bỏ tiền thuê truyền hình để họ tường thuật cho nhân dân xem. Khi VFF ký hợp đồng bán bản quyền cho AVG vừa có lợi ích kinh tế vừa ổn định công việc truyền hình trực tiếp bóng đá đến người dân. Tuy nhiên việc VFF ký hợp đồng đến 20 năm là hơi quá. Có thể về mặt luật pháp không sai nhưng về tầm nhìn đó là sự hạn chế. Bóng đá VN đang trên đường phát triển và từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý nó, sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, do vậy bán độc quyền cho một đơn vị đến 20 năm là không được. Nó sẽ gây khó dễ cho quá trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp VN sau này. Không pháp luật nào ngăn cấm ký hợp đồng đến 20 năm nhưng về tình người ta có quyền nghi có vấn đề gì đó không bình thường trong việc VFF ký hợp đồng với AVG. |
KHƯƠNG XUÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận