Dinh Thượng Thơ trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: HOÀI LINH
Lý do vắn tắt nêu ra: vì đây là những giá trị không thể đánh đổi, đánh mất của Sài Gòn - TP.HCM.
Bảo tồn di sản, cuộc chơi của các nhà giàu - nhưng là giàu văn hóa. Cho nên, giá trị kinh tế của di sản không chỉ là việc từ di sản kiếm ra tiền, mà giá trị kinh tế của cả khu vực xung quanh di sản cũng được nâng lên nếu di sản được bảo tồn và khai thác
TS NGUYỄN THỊ HẬU
Ký ức đô thị và phát triển bền vững
Cuộc trò chuyện trong không gian Cà phê Thứ bảy sáng 23-9 như không muốn dừng lại, bởi nó được diễn ra ngay trước thềm hội thảo chính thức về góp ý bảo tồn dự kiến tổ chức tại Sở Quy hoạch - kiến trúc vào ngày 28-9 tới.
TS Nguyễn Thị Hậu nhắc lại khái quát câu chuyện về bảo tồn dinh Thượng Thơ nổi lên từ tháng 4 năm nay, khi Sở Quy hoạch - kiến trúc đã tổ chức triển lãm lấy ý kiến người dân về phương án mở rộng trụ sở HĐND - UBND TP (trong đó có nội dung phải phá bỏ toàn bộ tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng - tức dinh Thượng Thơ).
Sau đó, có nhiều ý kiến khác nhau, nổi bật là luồng ý kiến cho rằng cần giữ lại tòa nhà có niên đại từ năm 1865 này - một đại diện cho các công trình do người Pháp xây dựng đầu tiên khi đặt chân lên đất Sài Gòn.
Một nhóm trí thức trong và ngoài nước, gồm các nhà nghiên cứu, khoa học, chuyên môn lĩnh vực cũng đã công bố một bản kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ và lấy chữ ký người dân, chỉ trong thời gian ngắn bản kiến nghị này thu được hơn 6.000 chữ ký của người dân trong và ngoài nước và đã được gửi đến UBND TP.HCM.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Hậu, một quan điểm mới của Tổ chức UNESCO đáng lưu tâm là: đưa ra khái niệm di sản phi vật thể là ký ức cộng đồng.
Theo đó, có thể hình dung về ký ức đô thị là ký ức cộng đồng cư dân của đô thị ấy. Và tòa nhà dinh Thượng Thơ đến nay có nhiều ý kiến từ chuyên gia đến người dân đều cho rằng cần bảo tồn nguyên trạng vì tòa nhà này có giá trị về mặt cảnh quan đô thị.
Bà Hậu nhận định các ô phố khu trung tâm quận 1 chỉ còn lại khu vực dinh Thượng Thơ là có một công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng từ năm 1865 đến nay vẫn còn nguyên trạng.
Cảnh quan đô thị giúp con người giữ được tâm thế bình ổn và cảnh quan đô thị cũng là lịch sử của đô thị gắn liền với ký ức cư dân để lại cho đời sau. Vì vậy, bảo tồn di sản đô thị là bảo tồn các khu vực, công trình di tích và di vật khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên...
Đó chính là cơ sở để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của đô thị.
Kiến trúc sư Lê Thanh Sơn tán đồng quan điểm bảo tồn dinh Thượng Thơ, bởi theo ông, đây là công trình có một không hai trong số các tòa nhà có mặt sớm nhất ở Sài Gòn. Ông lưu ý: "Nếu một ngày nào đó dinh Thượng Thơ mất đi thì hình ảnh về ô phố Sài Gòn không còn nữa".
Vai trò của cộng đồng: lên tiếng!
Buổi trò chuyện có nhiều bạn trẻ đến dự và góp ý kiến. Có bạn sinh viên rành mạch lược thuật quá trình phản biện bảo tồn dinh Thượng Thơ từ ý kiến của cộng đồng mạng đến các báo, các chuyên gia.
Nhiều cử tọa đồng ý và chia sẻ với quan điểm chủ thể văn hóa của đô thị chính là con người gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Và bởi đô thị luôn chứng kiến sự va chạm của các cộng đồng cư dân - đặc biệt là dân nhập cư, như Sài Gòn - nên việc gìn giữ ký ức đô thị lại càng quan trọng.
Ở góc độ chuyên môn, ông Việt Anh - giảng viên Đại học Kiến trúc - cho rằng tòa nhà dinh Thượng Thơ có tính kế thừa kiến trúc Phục hưng rất rõ, và nên duy trì công năng là nơi làm việc của các sở ngành như từ khi xây dựng nó vẫn có công năng như vậy.
"Có điều nên giảm bớt công năng để phù hợp với diện tích tòa nhà" - ông Việt Anh đề nghị.
Kiến trúc sư Hạnh Nguyên bày tỏ tán thành với việc xác định 4 yếu tố quyết định việc bảo tồn di sản đô thị là: nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, cộng đồng.
Trong đó, bà Nguyên cho rằng nhà nghiên cứu khoa học thường yếu thế, do đó nên kết nối với cộng đồng, là yếu tố có sức mạnh ở chính quyền biểu đạt ý kiến.
"Cộng đồng cần lên tiếng hơn nữa" - bà Hạnh Nguyên cho rằng việc góp ý bảo tồn dinh Thượng Thơ vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước.
Chia sẻ trách nhiệm trong hành trình bảo tồn dinh Thượng Thơ, một bạn trẻ bày tỏ tầm quan trọng của việc nêu ý kiến đến với ai và cách nói như thế nào.
"Ký ức đô thị cũng chính là ký ức con người, vậy thì làm sao chứng minh được ký ức đó nếu bạn không nói lên, không chịu nói gì cả?".
Ủng hộ quan điểm này, kiến trúc sư Lê Thanh Sơn nhấn mạnh: "TP này là của hơn 90 triệu dân cả nước, chính quyền TP chỉ làm nhiệm vụ quản trị để TP này phát triển tốt. Nên việc lên tiếng còn là nghĩa vụ công dân của chúng ta".
Đại sứ Bruno Angelet, trưởng phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, vừa qua có công hàm gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đề nghị bảo tồn và không phá hủy tòa nhà Pháp tại TP.HCM.
Tòa nhà này được người Sài Gòn quen gọi tên “dinh Thượng Thơ” và trong hơn năm tháng qua đã gây ồn ào dư luận bởi đề xuất phá bỏ để xây công trình nâng cấp, mở rộng trụ sở HĐND - UBND TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận