30/10/2013 06:30 GMT+7

Nền giáo dục máy tính tạo nên con người máy?

UYÊN HUY(nhà giáo nhân dân, họa sĩ)
UYÊN HUY(nhà giáo nhân dân, họa sĩ)

TT - Bài viết của nhà giáo nhân dân Uyên Huy gửi đến tham dự diễn đàn “Vào đời bằng sự giả dối?” cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn khác từ người làm giáo dục về việc đào tạo con người.

2mA7KqD2.jpgPhóng to
Sống trung thực là vấn đề được giới trẻ quan tâm hiện nay. Trong ảnh: thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu (bìa trái) trao đổi với các bạn trẻ trong buổi nói chuyện chuyên đề “Sống thật với chính mình” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 21-10-2012 - Ảnh: Thuận Thắng

Cách đây hơn một tháng tại hội thảo giáo dục “Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học”, giáo sư TSKH Trần Ngọc Thêm, giám đốc Trung tâm Văn hóa lý luận ứng dụng, đã công bố một kết quả khảo sát trắc nghiệm làm mọi người bàng hoàng, lo lắng về tỉ lệ nói dối cha mẹ: “Tỉ lệ học sinh nói dối cha mẹ tăng dần theo lứa tuổi và theo cấp học. Cụ thể 22% học sinh cấp I, 50% học sinh cấp II, 64% học sinh cấp III và 80% sinh viên nói dối cha mẹ”. Và câu hỏi đặt ra là “Với cha mẹ, trong gia đình mà tỉ lệ nói dối như thế thì với bản thân người lớn, ngoài xã hội thì tỉ lệ sẽ là bao nhiêu?”.

Gần đây nhất, báo Tuổi Trẻ có đăng bài gây nhức nhối lương tâm “Tôi bước vào đời bằng sự giả dối” của Thức Thức. Tôi cho rằng bài báo này nói tới một phần của cái xác và cái hồn của nền giáo dục chúng ta hiện nay!

Bởi lẽ nói về cái hồn của nền giáo dục ra con người Việt Nam hiện nay có khác nhiều với cả ngàn năm trước không? Mục tiêu cốt lõi của giáo dục muôn đời vẫn phải là tạo nên những con người tốt, có đạo đức. Tôi có nghe một số ý kiến cho rằng giáo dục bút máy tạo ra tương ứng với nền sản xuất đại công nghiệp, nền giáo dục máy tính tạo ra nền sản xuất hiện đại...

Tôi nghĩ hơi khác một tí. Liệu nền giáo dục máy tính có tạo ra những con người máy, con người không còn lòng nhân, chỉ biết quyền lợi, tiền bạc, lợi ích quyền lực phe nhóm không? Nền giáo dục đó liệu có nuôi dưỡng được đạo đức ngàn đời của con người, làm mất lòng tự trọng và tính trung thực?

Tất cả chúng ta ai cũng đồng ý rằng con người là nhân tố quyết định cho sự phát triển xã hội. Nhưng sâu xa hơn nữa chính đạo đức - lòng tự trọng và sự trung thực của con người mới quyết định. Nó vượt lên trên và chỉ đạo cho trí tuệ, tài năng. Có những đức tính này thì sẽ tạo nên những con người có trách nhiệm, dám nhận sai sót của mình. Dám đấu tranh để chống cái xấu ngay trong chính mình và xã hội. Bởi lẽ có tài, có quyền mà bất nhân, gian trá, hèn nhát, không quan tâm đến đúng sai và nhân tâm thì chỉ dẫn đến thảm họa mà thôi. Nền giáo dục tốt là nền giáo dục đào tạo ra những con người có trách nhiệm với gia đình và đất nước với ý nghĩa đầy đủ của nó.

Tôi rất tán thành ý kiến của một nhà báo nào đó khi nói rằng “Thi đua làm kế hoạch nhỏ trong giáo dục cấp I nhưng đừng để tiếp diễn tình trạng phụ huynh phải mua giấy để trẻ con nộp cho trường”. Bởi lẽ như thế thì đâu còn cái đẹp của sự tự nguyện, tự giác dựa vào thực tế đời sống gia đình của mỗi học sinh. Ngoài xã hội thì sao? Chúng ta rất không hài lòng và không hiểu nổi việc “xây nhà vệ sinh khủng” của một số nhà trường, nơi sống, làm việc của những nhà giáo. Thật ra hiện nay “cái khủng” không phải chỉ có trong lĩnh vực giáo dục! “Lương khủng” cũng là một điển hình nhỏ!

Việc buôn bán sữa ký độc hại cho trẻ con, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, trái cây có chất độc; hàng hóa độc hại tràn lan rồi các tệ nạn, tội phạm, tham nhũng, sự băng hoại của đạo đức đã và đang gây bất an cho đời sống ảnh hưởng đến lòng tin của dân...

Hiệu quả của giáo dục không chỉ là trách nhiệm của nền giáo dục. Theo tôi, cái hồn của nền giáo dục một quốc gia là: đạo đức, luật pháp và hệ thống đạo đức của những con người làm gương của mọi người, nhất là cán bộ lãnh đạo, nhà giáo, trí thức. Một trong những cốt lõi vẫn là luật pháp. Bởi nó là khuôn phép bắt buộc mọi người làm đúng. Một nhà nước nghiêm minh không thể tồn tại những quan niệm trị quốc bằng hòa giải và kiểm điểm. Bởi lẽ sai luật, phạm luật thì phải dùng luật mà trị.

Có người đặt vấn đề hiện nay phải phát huy dân chủ, tính sáng tạo trong giáo dục khi cho rằng nội dung chương trình và lực lượng giảng dạy quyết định chất lượng giáo dục. Theo tôi, điều này chỉ đúng có một phần mà thôi. Mọi hình thái dân chủ, sáng tạo, phát triển cá nhân, phát huy mọi thứ quyền cơ bản của con người không thể tách rời và bỏ quên cái nền móng của đạo đức con người là lòng tự trọng và trung thực.

Thiết nghĩ chất lượng hiệu quả của giáo dục không thể khoán trắng cho nhà trường hoặc phụ huynh nếu Nhà nước, luật pháp không chuẩn mực, không khả thi, công minh, công bằng và học không đi đôi với hành. Chất lượng giáo dục là hệ quả tổng hợp của sự đồng tâm hợp lực từ nhà trường, gia đình cho đến toàn bộ hệ thống xã hội mà trước hết là trách nhiệm của cả hệ thống quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước.

UYÊN HUY(nhà giáo nhân dân, họa sĩ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên