22/07/2018 10:00 GMT+7

Nên giao các trường ĐH chủ trì cụm thi

MINH GIẢNG - HOÀNG HƯƠNG
MINH GIẢNG - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Gian lận nâng điểm bài thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang gây chấn động dư luận. Tiếp đó, Sơn La cũng có dấu hiệu này. Vụ gian lận điểm chấn động đặt ra câu hỏi: Kỳ thi THPT quốc gia liệu có cần thiết duy trì? Làm sao để chống gian lận?

Nên giao các trường ĐH chủ trì cụm thi - Ảnh 1.

Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với Vũ Trọng Lương (phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang) liên quan đến vụ gian lận điểm thi - Ảnh: TTXVN

Dưới đây là ý kiến của giới chuyên môn và những người trong cuộc:

* PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Quét bài trắc nghiệm ngay khi thi xong

Để các kỳ thi sau có hiệu quả hơn, tôi cho rằng có một số việc cần phải thay đổi.

Công tác ra đề thi: Đề thi THPT chỉ có thể cho phép các ĐH sử dụng kết quả thi làm kết quả xét tuyển chỉ khi đề thi có tính chất phân hóa thí sinh tốt. Như vậy các đề thi sẽ không là quá dễ hoặc quá khó. Cả 2 thái cực này đều không giúp việc xét tuyển của các ĐH. Chẳng hạn đề thi toán năm nay là một đề thi có khá nhiều câu hỏi khó, nhiều thí sinh không hoàn thành đề thi trong khoảng thời gian làm bài, nên các trường tốp trên gặp khó khi chọn thí sinh khi xét tuyển.

Coi thi: Việc để giảng viên các trường ĐH tham gia kỳ thi là nhằm đảm bảo sự nghiêm túc của kỳ thi, nhất là có thể giảm thiểu đến mức tối đa những tiêu cực từ phía quan hệ người nhà, quan hệ thầy trò... trong khi thi. Dù là tốn kém hơn, bù lại, sự nghiêm túc của kỳ thi đảm bảo hơn.

Chấm thi: Do kỳ thi chỉ còn một môn tự luận, có "độ mở" cao nên cần có những thầy cô giỏi chấm thi. Cần thiết thì tổ chức chấm tập trung hoặc chấm chéo giữa các địa phương.

Tôi đề nghị khi kết thúc mỗi môn thi trắc nghiệm, bài làm của thí sinh phải được quét và chuyển file ngay về Cục Khảo thí để lưu trữ và làm cơ sở đối chiếu sau này. Việc chấm chỉ được tiến hành sau khi bộ nhận được dữ liệu của tất cả các sở GD-ĐT. Bộ sẽ tổ chức chấm độc lập với các sở (khoảng 5-10% số bài thi), các sở chỉ được công bố điểm khi không còn có chênh lệch về điểm bài thi do bộ chấm và sở chấm.

* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Giao cho trường ĐH coi thi, chấm thi

Tôi cho rằng cần giữ lại kỳ thi THPT quốc gia bởi cách thức tổ chức đã tiết kiệm cho thí sinh và phụ huynh rất nhiều. Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây thay đổi liên tục. 

Trong các năm 2014, 2015, các trường ĐH coi thi, chấm thi rất nghiêm túc ở cụm ĐH, những thí sinh không thi ĐH thì thi tại cụm địa phương do sở tổ chức. Từ năm 2016 bộ lại giao cho các địa phương chủ trì cụm thi THPT quốc gia dẫn đến những tiêu cực như trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang.

Để đảm bảo tính khách quan, chất lượng của kỳ thi, tôi cho rằng kỳ thi THPT quốc gia cần phải giao cho các trường ĐH chủ trì việc coi thi, chấm thi. Hơn nữa, cũng cần tránh giao trường ĐH tại địa phương làm công tác coi thi, chấm thi tại tỉnh đó. Phải đưa các trường ĐH từ nơi khác về, luân chuyển ĐH địa phương sang tỉnh khác. Điều này sẽ tránh được nguy cơ xảy ra tiêu cực do tâm lý quen biết, thành tích, cục bộ địa phương.

Tôi đề xuất ngay khi thí sinh nộp bài, cần thực hiện dán băng keo trong vào phiếu trả lời để tránh trường hợp rút bài, sửa đáp án. Nếu gỡ băng keo bài sẽ rách. Ngoài ra, bài thi trắc nghiệm cũng cần phải được rọc phách trước khi chấm.

Đối với bài tự luận, phần giấy trắng dưới bài làm khi thí sinh nộp bài phải được gạch chéo để tránh trường hợp rút bài viết thêm vào. Khu vực lưu bài thi, chấm thi cần được gắn camera theo dõi công khai.

* Ông Phạm Thái Sơn (giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):

Chấm bài thi tập trung theo khu vực

Tôi cho rằng nhất thiết phải giữ kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có tiêu cực xảy ra nhưng cũng từ đó, chúng ta cần phải nhìn nhận và sửa đổi để kỳ thi tiếp theo diễn ra tốt hơn. Tiêu cực năm nay diễn ra ở khâu chấm thi nên cần phải ráo riết thay đổi việc này.

Đối với công tác chấm thi, bài trắc nghiệm nên được chấm tập trung ở một vài khu vực tập trung do Bộ GD-ĐT quy định. Nhân sự của các sở trong khu vực đó sẽ tham gia công tác chấm thi dưới sự giám sát chung của bộ và nhân viên an ninh. Bài thi sau khi chấm xong sẽ chuyển về cho các sở lên điểm, công bố.

Với bài thi tự luận cũng có thể đưa về các trung tâm này làm phách chấm chung hoặc chuyển bài về cho các địa phương chấm, sau đó chuyển phách để tỉnh hồi phách, kiểm dò, nhập điểm. Điều này sẽ giảm thiểu tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình chấm thi. Đối với công tác coi thi, có thể tăng cường giám sát và thanh tra từ các trường ĐH tại các điểm thi.

* Ông Phạm Thanh Tâm (hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức, TP.HCM):

Nên chấm chéo bài thi

Vụ việc đáng tiếc ở Hà Giang là do chúng ta chưa có kinh nghiệm chống gian lận trong thi cử. Cơ chế giám sát chưa được thực hiện một cách căn cơ, khoa học và thực chất. Sau vụ này, có thể rút ra kinh nghiệm là cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa các công đoạn của kỳ thi như: coi thi, chấm thi, lên điểm... chứ không phải chỉ giám sát cho có.

Bộ GD-ĐT cũng nên cho các địa phương chấm chéo như trước đây để tránh gian lận: chuyển bài thi từ địa phương này sang địa phương khác để chấm, kèm theo đó là sự thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT.

Bên cạnh đó, ý kiến cá nhân của tôi là cần kỷ luật thật nặng những cá nhân, tập thể có liên quan đến việc gian lận thi cử. Không chỉ là những người trực tiếp thực hiện mà cả lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các sở GD-ĐT... cũng phải bị kỷ luật chứ không thể vô can, làm gương cho những địa phương khác.

* Ông Kim Vĩnh Phúc (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM):

Nên tính toán đến việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Quy chế đã rất chặt chẽ nhưng việc nâng điểm xảy ra là do con người - một khi họ đã muốn gian lận thì họ sẽ tìm mọi cách để gian lận cho bằng được.

Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần cải tiến kỳ thi THPT quốc gia ngay trong mùa thi năm 2019. Không thể tiếp tục giao cho các địa phương chủ trì (tổ chức coi thi, chấm thi) nữa mà nhiệm vụ này nên giao cho các trường ĐH.

Chúng ta chấp nhận tốn kém hơn, vất vả hơn nhưng đảm bảo được sự khách quan và nghiêm minh của một kỳ thi quốc gia, tạo được niềm tin cho xã hội. Nhưng phải là những trường ĐH lớn, những trường trực thuộc trung ương chứ trường ĐH địa phương trực thuộc UBND các tỉnh thành thì cũng không ổn. Vì rất có thể họ cũng bị chi phối bởi chính quyền địa phương.

Từ vụ việc ở Hà Giang, hiện dư luận lại đặt ra hàng loạt nghi vấn ở nhiều tỉnh thành khác, kể cả là kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 2016: liệu có gian lận không, hay có địa phương gian lận một cách tinh vi, khéo léo nên chưa bị phát hiện? Lâu dài, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cũng nên tính toán đến việc bỏ thi tốt nghiệp THPT mà nên giao công tác này cho các sở GD-ĐT.

MINH GIẢNG - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên