Phóng to |
Lãi suất huy động vốn thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt - Ảnh: T.Đ. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Vafi, nói:
- Theo quan điểm của chúng tôi, lãi suất là một chỉ tiêu tổng hợp. Trong một, hai năm tới nếu cơ quan quản lý nhà nước có chính sách phù hợp và quyết liệt để hạ lãi suất cho vay xuống khoảng 12%, chính là đồng thời thực hiện các chỉ tiêu quan trọng khác như kiềm chế lạm phát, giảm bội chi ngân sách, tăng trưởng kinh tế bền vững...
Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay dòng tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng và thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ chiếm khoảng 35%, phần còn lại đầu tư vào các kênh khác không có lợi chung cho nền kinh tế, ví dụ đầu tư vàng, ngoại tệ. Trong khi đó nhiều nước có chính sách rất tốt để hướng khoảng 90% dòng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng và TTCK (trong dòng vốn này, cơ cấu vào ngân hàng và TTCK là 7:3). Mình nghèo hơn người ta nhưng tiền không chảy vào sản xuất, kinh doanh mà chảy vào vàng, ngoại tệ... Gần như mỗi hộ gia đình là một “quỹ đầu tư” nhỏ lẻ và tiền nằm “chết” trong vàng rất nhiều.
* Trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay, trong khi Ngân hàng Nhà nước đang kêu gọi các tổ chức tín dụng đồng thuận hạ mức lãi suất cho vay về 17-19%/năm, việc Vafi cho rằng phải đưa lãi suất về 12% liệu có khả thi?
- Trước đây mức lãi suất 12% từng có trong nền kinh tế nước ta, ví dụ giai đoạn 2003-2007. Như vậy mức lãi suất này không phải không có cơ sở, hơn nữa nhìn ra thế giới chúng ta thấy lãi suất huy động và cho vay của nhiều nước thường rất thấp (thấp hơn nước ta 4-5 lần). Nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách để tăng cường thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng và TTCK, đồng thời có cơ chế hạn chế đầu tư vào những kênh không có lợi, thì theo quy luật cung cầu giá vốn sẽ giảm xuống.
* Vafi cho rằng cần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giảm 15-20% số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, việc này có thể thực hiện bằng cách nào?
- Theo tôi được biết Chính phủ đã có nghị quyết giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống. Về phía Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia trong nước, nước ngoài cũng đều nói cần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay. Việc giảm số lượng các ngân hàng có thể thông qua các hình thức như sáp nhập, hợp nhất, giải thể và Nhà nước mua lại (bằng việc thâu tóm của ngân hàng thương mại nhà nước).
Tất nhiên để làm được việc này Ngân hàng Nhà nước phải có đề án, đánh giá và chẩn đoán “bệnh” của từng ngân hàng thuộc diện cần xử lý. Trước hết Ngân hàng Nhà nước nên thực hiện nghiêm lộ trình tăng vốn điều lệ, để từ đó ngân hàng nào không thực hiện thì cho xử lý.
TS Võ Trí Thành (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Cần quyết liệt hơn nữa Vấn đề của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay không phải là nhiều hay ít. Nếu xét theo tỉ lệ tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân thì Việt Nam không phải là nước có nhiều ngân hàng. Nhưng Việt Nam cũng là nước có nhiều ngân hàng nếu xét theo hướng đảm bảo sự lành mạnh trong phát triển của hệ thống. Như vậy, vấn đề ở đây là cải cách để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống. Từ câu chuyện đề ra việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại rồi lại lùi thời gian thực hiện cho thấy trong các tháng cuối năm 2011 và trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cần phải quyết liệt hơn nữa nếu muốn thực hiện được mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt Ngày 12-9, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng (NH) đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao hơn trần lãi suất huy động vốn của dân cư. Kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 14-14,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng còn 15,5-16,5%/năm, giảm 1-1,5%/năm so với cuối tuần trước. Nhiều NH cho biết tình hình huy động vốn tại thị trường dân cư và doanh nghiệp vẫn rất căng thẳng. Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết sau ba ngày thực hiện trần lãi suất, huy động vốn toàn hệ thống đã giảm hơn 500 tỉ đồng. Sáng 12-9, website NH Nhà nước đăng bản tin cho biết đường dây nóng NH Nhà nước nhận được thông tin phản ảnh một số NH có dấu hiệu huy động vượt trần và sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên ngay sau đó bản tin này đã bị rút khỏi website NH Nhà nước. Trong ngày 12-9, NH Nhà nước tại các địa phương đã kiểm tra đột xuất các chi nhánh, phòng giao dịch NH bị phản ảnh huy động vượt trần, kết quả là nhiều NH đã được minh oan. * Ngày 12-9, Agribank công bố lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng cho khách hàng hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tối thiểu 17%/năm, lãi suất áp dụng cho khách hàng thuộc đối tượng khác tối thiểu 18%/năm. Đối với các khoản vay trung hạn, lãi suất áp dụng cho khách hàng là hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tối thiểu 18,5%/năm, đối tượng khác tối thiểu 19,5%/năm. Đối với các khoản vay dài hạn, lãi suất áp dụng chung cho tất cả khách hàng tối thiểu 20,5%/năm. A.H. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận