
Đi bộ là hình thức thể dục hiệu quả - Ảnh: TTO
Theo Health.com, đi bộ là hoạt động tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Đi bộ không chỉ có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, hỗ trợ sức khỏe tim mạch mà còn góp phần giúp cho tâm trạng tốt hơn, góp phần tăng tuổi thọ.
Đi bộ còn có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và hạ huyết áp.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn đi bộ khi đang đói, bạn có nhiều khả năng đốt cháy chất béo và tăng cường quá trình trao đổi chất. Đi bộ sau khi ăn có thể hữu ích hơn trong việc giảm cân, cải thiện tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu.
Đi bộ trước hay sau khi ăn tốt cho sức khỏe hơn?
Việc đi bộ trước hay sau khi ăn tùy thuộc vào mục tiêu và sở thích của bạn. Cả hai đều mang lại lợi ích, bao gồm hỗ trợ giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu.
Đi bộ trước bữa ăn có thể giúp bạn đốt cháy chất béo dự trữ và thúc đẩy giảm cân. Đi bộ sau bữa ăn giúp bạn giảm cân nhiều hơn, điều chỉnh lượng đường trong máu và hỗ trợ tiêu hóa.
Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ về nhu cầu riêng của bạn để xác định phương pháp phù hợp với bạn. Tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và mục tiêu cụ thể của bạn sẽ giúp xác định xem bạn nên đi bộ trước hay sau khi ăn.
Nếu bạn đi bộ lúc bụng đói - ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau khi ăn từ ba đến bốn tiếng, điều đó có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp cơ thể đốt cháy mỡ thay vì calo từ bữa ăn gần nhất. Việc này cũng có thể hỗ trợ giảm cân.
Một nghiên cứu cho thấy những người tập thể dục lúc bụng đói đốt cháy chất béo nhiều hơn khoảng 70% so với những người tập thể dục sau khi ăn hai tiếng.
Đi bộ trước khi ăn cũng có thể:
- Tăng năng lượng, niềm vui cho cả ngày
- Thúc đẩy quá trình trao đổi chất
- Cải thiện tuần hoàn máu
- Giảm lượng chất béo trong máu
- Kiểm soát đường huyết.
Trong khi đó, đi bộ sau khi ăn cũng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nó có thể hỗ trợ tiêu hóa, giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu và thúc đẩy giảm cân.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi bộ sau bữa ăn giúp tăng tốc quá trình tiêu hóa và giảm đầy hơi. Trên thực tế, những người có tiền sử đầy hơi và ợ hơi đi bộ trong 10-15 phút sau mỗi bữa ăn giúp giảm các triệu chứng của họ.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Đi bộ sau bữa ăn có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu, kể cả khi bạn muốn ngăn ngừa tiểu đường hay đã được chuẩn đoán mắc bệnh.
- Thúc đẩy giảm cân: Đi bộ thường xuyên có thể giúp bạn giảm cân, bất kể thời điểm nào.

Người dân đi bộ ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nên đi bộ trước hoặc sau khi ăn bao lâu?
Thời điểm đi bộ nên phụ thuộc vào nhu cầu và mục tiêu của bạn. Nếu bạn có ý định đi bộ trước khi ăn, hãy đảm bảo rằng bữa ăn cuối cùng của bạn đã diễn ra từ 3-4 giờ, hoặc vào buổi sáng khi đã nhịn ăn vào đêm hôm trước.
Bằng cách này, cơ thể bạn sẽ đốt cháy chất béo để lấy nhiên liệu thay vì lượng calo bạn vừa tiêu thụ.
Nếu bạn có ý định đi bộ sau bữa ăn, nên đi bộ sớm, đặc biệt là khi bạn muốn giảm lượng đường trong máu hoặc muốn thúc đẩy việc giảm cân. Ví dụ, lượng glucose tăng lên mức tối đa sau 30-60 phút sau bữa ăn.
Vì vậy bạn cần bắt đầu đi bộ trước khi lượng glucose đạt đến mức đó để điều chỉnh lượng đường trong máu.
Ngoài ra bạn sẽ giảm cân nhiều hơn nếu bạn lên kế hoạch đi bộ trong khoảng thời gian 30 phút ngay sau khi ăn.
Đi bộ trước và sau khi ăn đều có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Đi bộ trước khi ăn giúp bạn đốt cháy chất béo và giảm cân, trong khi đi bộ sau khi ăn có thể thúc đẩy giảm cân nhiều hơn cũng như kiểm soát lượng đường trong máu.
Bất kể bạn chọn phương pháp nào, đi bộ hằng ngày có thể có lợi cho sức khỏe tổng thể và tinh thần của bạn, đặc biệt nếu bạn muốn tăng số bước chân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận