TT - Đó là chia sẻ của ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT - với Tuổi Trẻ nhân chuẩn bị diễn ra đại hội Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khóa 7.
Theo ông Dự, sau sáu nhiệm kỳ với tám đời chủ tịch VFF đều là quan chức nhà nước trong và ngoài ngành thể thao nhưng chưa đem lại đột phá cần thiết để phát triển bóng đá VN. Vì vậy, thời điểm này là lúc Bộ VH-TT&DL nên bỏ tư duy đưa “người của mình” làm chủ tịch VFF.
Ông Dự nói hơn 20 năm qua, bóng đá luôn được cấu trúc theo mô hình người đứng đầu VFF là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước. Từ việc nhất thể hóa chủ tịch VFF với lãnh đạo ngành thể thao nên khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của Nhà nước với VFF không rõ ràng và trách nhiệm của VFF với Nhà nước cũng vậy.
Vì vậy, nhiệm kỳ này phải tổ chức lại bộ máy VFF theo cơ cấu khác. Cụ thể, theo ông Dự, vai trò chủ chốt ở VFF có thể giao cho một doanh nghiệp hay một nhà hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế có ảnh hưởng trong xã hội, trong bóng đá. “Vì vậy tôi nghĩ nên tận dụng những doanh nhân, cán bộ chuyên môn đã tham gia bóng đá nhiều năm để đứng ra làm chủ công việc ở VFF một thời gian. Cần đổi mới nhân sự ở VFF thử một nhiệm kỳ để xã hội tìm người giỏi làm chủ tịch xem sao. Chúng ta không thể cứ duy trì cách làm cũ sau sáu nhiệm kỳ nếu muốn phát triển bóng đá VN” - ông Dự nói.
Không dám đột phá
* Vì sao là môn thể thao xã hội hóa sớm nhất, “thoát ly” Nhà nước nhiều nhất về tài chính nhưng bộ chủ quản vẫn tìm cách để quản lý nhân sự chủ chốt của VFF?
- Có thể là do những quan niệm cũ về nguyên tắc lãnh đạo đối với các tổ chức xã hội. Tất nhiên chúng ta vẫn có thể thực hiện những nguyên tắc lãnh đạo. Chẳng hạn nhân sự chủ tịch cũng nên có ý kiến của một cấp lãnh đạo nào đó cân nhắc người này, người kia. Việc này là cần thiết nhưng không nên coi đó là tối thượng mà cần giao quyền tối thượng cho đại hội, cho sự tín nhiệm của giới bóng đá. Chúng ta cứ nói học FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới), học nước nọ, nước kia nhưng nếu vẫn cứ bảo thủ trong cách quản lý thì không thay đổi được gì.
* Một số doanh nhân đã có cơ hội làm chủ tịch các liên đoàn như bóng chuyền, đua thuyền... Nhưng Bộ VH-TT&DL vẫn không dám “nhả” bóng đá cho xã hội phải chăng vì sự phức tạp, ảnh hưởng lớn của môn bóng đá hay do bộ sợ mất ảnh hưởng?
- Không hẳn vậy. Chẳng qua là không ai dám đột phá, không ai dám bỏ tư duy cũ để làm cái mới, tìm nhân sự mới cho bóng đá VN chứ không phải người nhà nước. Vì vậy, những người có ảnh hưởng sâu rộng trong kinh doanh, hoạt động xã hội, quan hệ tốt trong giới chính trị... nên được trao cơ hội để ngồi vào ghế lãnh đạo VFF.
Chưa có chủ tịch VFF nào phải... chịu đòn
* Theo ông, mặt được và chưa được trong việc đưa cán bộ quản lý nhà nước làm chủ tịch VFF là gì?
- Cái được là sự yên ổn theo nếp cũ, yên tâm khi có cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước là người đứng đầu, ngoài ra không được gì hơn. Ngay những lãnh đạo đó không có thời gian để cho bóng đá, chỉ dựa vào uy tín chính trị để làm. Điều không được ở đây chính là sự không chuyên nghiệp. Kế đến, khi có sự cố liên quan đến bóng đá, chính cơ quan quản lý nhà nước cũng rất khó xử vì người của mình chủ trì ở VFF. Bấy lâu nay cơ quan nhà nước cũng không dám kiểm tra, kiểm điểm người chủ trì của mình đúng sai như thế nào mà toàn đẩy cái sai cho cán bộ chuyên môn cấp dưới.
Một nguyên chủ tịch VFF đã kể lại câu chuyện cười ra nước mắt thế này: ban thường vụ VFF toàn những nhà chuyên môn cãi nhau như “mổ bò” trong cuộc họp. Riêng ông chủ tịch đứng nhìn ra cửa sổ, sau lưng ông cấp dưới cãi nhau. Chán quá ông quay ra bảo cấp dưới: “Thế các anh đã cãi nhau xong chưa, nếu xong thì giải tán cuộc họp”. Vì thế không có ai kết luận cuộc họp, ai thích làm gì thì làm.
Vậy mà những chủ tịch VFF trong sáu nhiệm kỳ rồi chưa ai bị kiểm điểm. Các cán bộ được cử sang làm chủ tịch VFF cũng chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan lãnh đạo của mình về các sự vụ của bóng đá. Dễ nhất là luôn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới.
* Ông có cho rằng những lãnh đạo từ cơ quan quản lý nhà nước được cử sang làm chủ tịch VFF sẽ hào hứng với việc này?
- Tùy thời điểm, giữa những năm 1990, đầu năm 2000 một số cán bộ được cử sang cũng rất hào hứng, muốn đóng góp cho bóng đá VN. Tuy nhiên do họ là người “hai mang” nên nhiều khi không dám quyết những vấn đề lớn cho bóng đá. Ngoài ra, họ còn sợ ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của mình. Vì thế, khi VFF có sự cố họ rất sợ.
Trong những năm qua đã có nhiều cuộc “hi sinh” của các cấp dưới thay vì chủ tịch VFF phải đứng ra chịu trách nhiệm. Hễ lần nào bóng đá có sự cố là tổng thư ký, phó chủ tịch VFF phải đứng ra “chịu đòn” thông qua việc từ chức chứ chủ tịch VFF có bao giờ phải “chịu đòn” đâu. Đó là điều không công bằng.
Đến thời điểm này không mấy ai là cán bộ của bộ, cơ quan trung ương hào hứng sang VFF do họ gánh vác nhiều việc và thế trận của bóng đá VN cũng khác xưa, rất khó khăn. Vì thế chúng ta mong muốn những người ngoài xã hội dám vượt lên đảm nhiệm công việc này. Từng là người lãnh đạo thể thao, bóng đá, tôi hi vọng xã hội sẽ ủng hộ cho sự đổi mới lần này vì sự phát triển của bóng đá VN.
KHƯƠNG XUÂN thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận