10/08/2022 10:01 GMT+7

Nên dán nhãn độ tuổi cho sản phẩm âm nhạc

TIẾN VŨ - KHÁNH LINH
TIẾN VŨ - KHÁNH LINH

TTO - Bạn đã bao giờ nghe thấy đứa trẻ của mình hồn nhiên cất lên những câu rap như "Bật chế độ bay lên", "Tao không bao giờ chơi mà dùng bcs" mà các em vẫn hay nghe mỗi ngày chưa?

Nên dán nhãn độ tuổi cho sản phẩm âm nhạc - Ảnh 1.

Một trong nhiều sản phẩm âm nhạc của rapper Binh Golg về chủ đề ăn chơi của một bộ phận giới trẻ

Đó là câu hỏi và nỗi lo lắng của chị Thúy Ngân (30 tuổi, TP.HCM) sau khi tìm hiểu những gì con mình lẫn những cậu trai khác rap theo trên TikTok. Người ta hay nói về những video clip độc hại trên không gian mạng, nhưng lại thường quên rằng audio ca nhạc cũng tiềm ẩn mối nguy tương tự.

Hiện nay thị trường âm nhạc ngày càng có nhiều sản phẩm đề cập đến các chủ đề nhạy cảm như tình dục, ma túy, bạo lực... Thiết nghĩ, đã đến lúc sản phẩm âm nhạc cần được dán nhãn như phim ảnh để bảo vệ người dùng trước những "món ăn" không dành cho số đông.

Nhạc dung tục phủ sóng

Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, hàng loạt sản phẩm có lời lẽ khiếm nhã, thậm chí là văng tục chửi thề, cứ thản nhiên mọc lên như nấm mà không cần phải chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Có thể dễ dàng nghe được hàng loạt ca khúc có ca từ nhạy cảm như vậy trên không gian mạng như Daddy (Liu Grace), Mẩy thật mẩy (BigDaddy), Trơn (Bình Gold)... 

Những câu rap như "Nó làm các em hăng máu như bvs", "Người hãy cuốn cho anh một điếu nữa đi"... từng gây sốt TikTok trong nỗi lo không biết liệu thứ âm nhạc này có ảnh hưởng thế nào tới các khán giả vị thành niên.

Thông qua "cánh cửa thần kỳ" TikTok hay Facebook, YouTube, những ca khúc có nội dung dung tục dễ dàng lan truyền rộng rãi và tiếp cận các đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng. Tại Việt Nam, việc kiểm soát độ tuổi được nghe cho từng bài hát vẫn chưa được thực hiện. Chính vì thế, dán nhãn phân loại âm nhạc là điều cần thiết để thị trường có bước đi đúng đắn.

Anh Cường Chu - quản lý nghệ sĩ - cho biết: "MV hay audio mang hướng gợi dục cũng cần được gắn nhãn 12+, 15+ hay 18+. Nhưng ở nước ta hiện tại chưa có quy định rõ ràng về việc này. Có rất nhiều nội dung trên YouTube hở hang, gợi cảm quá đà. Khi chúng tôi làm ca khúc Ngây thơ, dù được lấy cảm hứng từ phim 18+ (50 sắc thái), tuy nhiên khi gửi kiểm duyệt nội dung lên YouTube thì lại không có thông báo giới hạn người xem. Ý thức MV gốc cần được gắn mác 18+ nên chúng tôi đã ra thêm các phiên bản khác như MV piano, MV lyrics... để phù hợp hơn với đối tượng người nghe đa dạng".

Nên dán nhãn độ tuổi cho sản phẩm âm nhạc - Ảnh 2.

Rapper LowG từng có những sản phẩm bị dư luận chỉ trích

Dán nhãn sao cho hiệu quả?

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, rapper Phúc Du cho rằng âm nhạc, phim ảnh, sách truyện đều nên có dán nhãn phân loại độ tuổi: "Sẽ rất đáng tiếc nếu những yếu tố không phù hợp với một vài cá nhân trở thành lý do để cấm phát hành sản phẩm. Mặc dù việc dán nhãn sẽ đưa đến một vài vấn đề, nhưng về lâu dài cái lợi của việc này sẽ tốt hơn cho cả người làm nghệ thuật lẫn cả người tiêu thụ".

Một số nước trên thế giới đã có những quy định rõ ràng trong việc kiểm duyệt âm nhạc, nhất là đối với hiphop.

C-Zero, một người hoạt động trong ngành âm nhạc, nêu quan điểm: "Tại Bắc Mỹ hay nhiều quốc gia khác đều phân loại nhãn theo độ tuổi khác nhau. Ví dụ album của rapper DMX, NWA, Ice Cube đều có chữ "Parental advisory explicit content", tạm dịch tiếng Việt là cảnh báo phụ huynh thông tin ca khúc sẽ có rất nhiều từ ngữ nhạy cảm. Quy định này đã được Hội Công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA) thực hiện từ năm 1985. Nhãn này áp dụng không chỉ trên các ấn phẩm như đĩa CD, Vinyl mà còn cả nền tảng số".

Theo C-Zero, việc dán nhãn âm nhạc tại Việt Nam là điều nên làm để có một môi trường âm nhạc văn minh trong tương lai, tuy nhiên cần phải được suy tính kỹ càng trước khi bắt đầu. "Việc dán nhãn là một chuyện, còn tất cả phải phụ thuộc vào nhận thức của người nghe, đặc biệt còn ở định hướng của gia đình với con cái. Nếu dán nhãn, không nên dựa theo cảm tính và cũng không nên "chặt trong lỏng ngoài". 

Nếu việc dán nhãn không hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến khán giả mà cả hãng thu âm, nghệ sĩ. Cần phải có sự tham gia của các chuyên gia, nghệ sĩ thậm chí là cả phía hãng thu âm để cùng nhau thẩm định".

Việc dán nhãn nếu thiếu khách quan thì vô hình trung dễ mang lại sự thiếu công bằng hoặc dán nhãn sai sót. Nói rõ về ý này, T.N. - một thành viên của Việt Hiphop - cho rằng nền giáo dục phổ thông nên giáo dục về việc thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật đa chiều, vì nếu không, việc dán nhãn sản phẩm hay không cũng trở nên vô dụng.

Nhiều nước dán nhãn độ tuổi video âm nhạc để bảo vệ trẻ em

Từ tháng 8-2012, Hàn Quốc đã triển khai luật quy định mọi video âm nhạc trước khi phát hành trên mạng (kể cả phát hành miễn phí) sẽ phải nộp lên Ủy ban Đánh giá truyền thông Hàn Quốc (KMRB) để gắn nhãn độ tuổi, bất chấp những ý kiến phản đối việc này của các nghệ sĩ K-pop; một số người thậm chí còn nâng quan điểm cho rằng đây là sự "kiểm duyệt" nghệ thuật. Tất cả đều nhằm bảo vệ thế hệ trẻ khỏi các nội dung độc hại.

Theo báo Koreatimes, các nghệ sĩ, nhà sản xuất, công ty quản lý và các hãng phân phối nếu vi phạm luật có thể đối mặt 2 năm tù hoặc mức phạt lên tới 20 triệu won (15.323 USD).

Cũng với mục tiêu bảo vệ trẻ em trong thế giới mạng, từ năm 2015 tại Vương quốc Anh đã có luật quy định buộc các ca sĩ, nghệ sĩ khi ký hợp đồng với những hãng thu âm lớn sẽ phải dán nhãn phân loại độ tuổi trước khi phát hành.

Theo báo Guardian, với quy định này, tất cả các video âm nhạc sản xuất tại đây sẽ phải hiển thị rõ độ tuổi phù hợp khi phát trên các nền tảng YouTube và Vevo. YouTube, Vevo sẽ phối hợp với Ủy ban Phân loại điện ảnh Vương quốc Anh (BBFC) và Công nghiệp ghi âm Anh (BPI) để xây dựng hệ thống phân loại nội dung và gắn nhãn độ tuổi tương ứng cho các video âm nhạc theo cách làm với phim.

Trên thực tế, đây là quy định bổ sung thêm với các sản phẩm video âm nhạc online, còn các băng đĩa âm nhạc bán tại cửa hàng đã buộc phải gắn nhãn độ tuổi từ tháng 10-2014 theo Đạo luật thu âm video.

D.KIM THOA

Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm 'Hồng Đăng', 'Hồ Hoài Anh' tăng vọt; Chi Pu không dán nhãn tuổi dù MV gợi cảm

TTO - "Dân chơi không sợ con rơi" thu hơn 30 tỉ đồng sau 10 ngày công chiếu; từ khóa tìm kiếm 'Hồng Đăng', 'Hồ Hoài Anh' tăng vọt; Vũ Cát Tường hé lộ concert cuối năm... là những tin giải trí được quan tâm ngày 8-8.

TIẾN VŨ - KHÁNH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên