18/10/2014 14:22 GMT+7

​Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Nếu phương án xây dựng nhà Quốc hội tại khu đất 18 Hoàng Diệu không được lựa chọn thì một phần khu di sản văn hóa thế giới hoàng thành Thăng Long vẫn còn nằm im trong lòng đất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến cảnh công nhân khảo cổ lau rửa các hiện vật dưới hố khảo cổ thuộc di tích hoàng thành Thăng Long trước khi các hố này tạm thời được lấp cát để bảo vệ - Ảnh: Việt Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến cảnh công nhân khảo cổ lau rửa các hiện vật dưới hố khảo cổ thuộc di tích hoàng thành Thăng Long trước khi các hố này tạm thời được lấp cát để bảo vệ - Ảnh: Việt Dũng

Và chúng ta có lẽ chưa có cơ hội được biết đến những bí mật lịch sử với sự chồng xếp của bao vương triều trên nền thành xưa quách cũ tráng lệ nguy nga.

Trung tâm quyền lực

Chiều 3-10-2014, làm việc với chủ đầu tư và ban quản lý dự án (Bộ Xây dựng) ngay tại công trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn những công nhân, kỹ sư xây dựng đã làm việc 2-3 ca trong suốt thời gian dài để đảm bảo tiến độ (những ngày cao điểm có tới 2.200 công nhân và kỹ sư tại công trường).

Thủ tướng khẳng định nhà Quốc hội là công trình công sở có quy mô lớn và kiến trúc đặc biệt nhất kể từ khi đất nước thống nhất năm 1975 đến nay.

“Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, việc lựa chọn vị trí này để xây nhà Quốc hội thể hiện tính liên tục của quyền lực nhà nước, từ thời kỳ Đại La đến Thăng Long đời Lý - Trần và cho đến Hà Nội ngày nay. Hiếm có nhà Quốc hội nào được xây bên di tích (hoàng thành Thăng Long) đặc biệt như vậy” - Thủ tướng tâm sự và đứng ngắm hồi lâu những công nhân đang lau rửa nền gạch rêu phong và các di vật dưới hố khảo cổ trước khi các hố này tạm thời được lấp cát để bảo vệ.

Theo GS Phan Huy Lê, việc phát lộ di tích hoàng thành năm 2003 đã gây nên một chấn động lớn trong dư luận xã hội bởi sự vô giá của di tích này. Giá trị đầu tiên của khu trung tâm hoàng thành Thăng Long thể hiện ở chỗ nó gần như là một “bộ lịch sử sống” chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long- Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay.

Một trong ba tiêu chí nổi bật của khu trung tâm hoàng thành Thăng Long để UNESCO ra nghị quyết công nhận di sản văn hóa thế giới (ngày 31-7-2010) là bởi nó “có sự liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của quốc gia trong mối quan hệ với khu vực và thế giới”.

Đây chính là Tử cấm thành, là điện Kính Thiên nơi bao đời vua Lý - Trần - Lê luận bàn việc nước; là quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945; cũng là nơi diễn ra bảy kỳ đại hội Đảng và nhiều kỳ họp Quốc hội; là nhà D67, hầm D67 nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã họp nhiều phiên đặc biệt, trong đó có hội nghị quyết định mở cuộc tổng tiến công để thống nhất đất nước mùa xuân 1975... 

Cũng là một mối lương duyên kỳ diệu khi tấm bằng chứng nhận di sản thế giới được trao đúng dịp Hà Nội - Thăng Long tròn 1.000 năm tuổi.

Di tích tâm linh đặc biệt, hình thù kỳ lạ, qua ba cuộc hội thảo các chuyên gia mới tạm kết luận là “Di tích tế lễ trời đất của các hoàng đế đầu thời Lý” - Ảnh: Ban quản lý dự án cung cấp
Di tích tâm linh đặc biệt, hình thù kỳ lạ, qua ba cuộc hội thảo các chuyên gia mới tạm kết luận là “Di tích tế lễ trời đất của các hoàng đế đầu thời Lý” - Ảnh: Ban quản lý dự án cung cấp

“Lối xưa xe ngựa...”

Thật thú vị, các hố khai quật khảo cổ làm ngỡ ngàng người xem bởi sự giàu có và phong phú các hiện vật, chứa đựng trong đó những câu chuyện lịch sử thăng trầm của bao triều đại, lại nằm ngay bên chân nhà Quốc hội.

PGS.TS Tống Trung Tín, mười năm trước là một trong những người ngày đêm mải miết bên các hố khảo cổ, kể rằng ông không thể ngủ được vì sung sướng. Khi những nhát cuốc khảo cổ đầu tiên được đào xuống khu B (khu vực dự định xây nhà Quốc hội ban đầu), các chuyên gia đã phát hiện nền móng cả một tòa lâu đài ước đoán có ba tầng, bốn mái, hình tháp trên tổng diện tích cỡ 1.000m2.

Di tích đã giúp các nhà khảo cổ và sử học dễ dàng hình dung sự nguy nga, tráng lệ của kinh thành Thăng Long thời cực thịnh Lý - Trần - Lê. Càng khai quật, các di vật càng nổi lên thì một phần khu Tử cấm thành hiện hình càng rõ nét. Này là khúc sông quanh co, kia là nền móng của một tháp lầu, rồi giếng nước, rồi cơ man nào là đồ gốm sứ mà hoa văn của nó cho biết đó là những vật dụng trong hoàng cung của các triều đại khác nhau...

Nhiều người đến thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự VN nơi góc ngã tư đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, ngồi nhâm nhi ly cà phê ngắm cột cờ Hà Nội, nhưng không mấy khi để ý phía sau cột cờ, giữa hai con đường Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu là cả một quần thể kiến trúc đặc sắc mà đi sâu vào sẽ thấy dấu tích những vương triều.

Ấy là đoan môn - cửa chính chỉ dành cho vua đi. Sau đoan môn là điện Kính Thiên, được xác định ở vị trí trung tâm của hoàng thành, xây trên đỉnh núi Nùng khi xưa, nền cũ còn đó với đôi rồng đá có từ thời các vua Lê ngự chầu.

Sau đoan môn là hậu lâu - lầu các công chúa, ba tầng lầu tháp còn nguyên vẹn, xây sau đời Hậu Lê, đến thời Nguyễn thì đây là nơi ở của cung tần mỹ nữ theo hậu giá nhà vua mỗi lần kinh lý Hà Nội.

Phía sau hậu lâu nhìn ra phía đường Phan Đình Phùng là bắc môn, cổng thành vẫn còn hằn in hai vết đạn pháo thực dân Pháp bắn vào khi chiếm thành Hà Nội.

Trước đây khu vực này thuộc quân đội quản lý (gọi là thành cổ Hà Nội), sau khi khu trung tâm hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản thế giới thì nó được bàn giao lại cho UBND TP Hà Nội.

Đặc biệt, dưới sân điện Kính Thiên là khu hầm lớn kiên cố có tên D67, là văn phòng của “tổng hành dinh”, hai đường dẫn xuống hầm bắt đầu từ các phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Từ điện Kính Thiên rảo bước qua đường Hoàng Diệu đến đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn (bên cạnh là nhà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 30 Hoàng Diệu) đến nhà Quốc hội chỉ chưa đầy năm phút đi bộ. 

Cựu bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nói với chúng tôi là ông mong muốn sắp tới đây khi có phương án bảo tồn tốt nhất cho khu di tích, thì toàn bộ khu vực rộng lớn trên sẽ trở thành công viên văn hóa lịch sử.

Khi đó người dân có quyền tự do đi lại, vừa chiêm ngưỡng các di tích của kinh thành Thăng Long ngàn năm tuổi lại vừa có thể tham quan nhà Quốc hội.

Mới phát hiện di tích tâm linh đặc biệt

Trong quá trình thi công hầm ngầm để xe và đường ngầm từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao qua đường Bắc Sơn sang nhà Quốc hội, đầu năm 2014 đã phát hiện di tích tâm linh đặc biệt thời Lý (tại lô E, khu vực giữa đài tưởng niệm liệt sĩ, trụ sở Bộ Ngoại giao và phía sau nhà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Di tích có hình thù rất lạ với chất liệu chủ yếu là gỗ. Những công nhân thi công khu vực này đồn là di tích rất thiêng, đã gây sợ hãi cho nhiều người...

Khi mới phát hiện, các nhà khảo cổ và sử học không xác định ngay được vật thể đó là gì. GS.TS Võ Khánh Vinh - phó chủ tịch Viện hàn lâm KHXH VN - cho biết sau ba cuộc hội thảo quốc tế (có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia Nhật Bản, Trung Quốc) thì tạm thời xác định và gọi tên là “Di tích tế lễ trời đất của các hoàng đế đầu thời Lý” có giá trị đặc biệt, độc đáo, chỉ có ở thủ đô.

____________________

Kỳ tới: “Độc nhất vô nhị”

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên