23/04/2019 15:03 GMT+7

Nên công nhận tốt nghiệp THPT theo cách nào?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Giữa lúc vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia chưa hạ nhiệt, câu chuyện nên thi hay bỏ thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo cách nào... vừa được đem ra mổ xẻ cùng những đề xuất mới.

Nên công nhận tốt nghiệp THPT theo cách nào? - Ảnh 1.

Kiểm tra thông tin thí sinh trước buổi thi trong kỳ tổ chức tại Hà Nội năm 2018 - Ảnh: VĨNH HÀ

Ngày 23-4, nhóm nghiên cứu của Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục công bố kết quả nghiên cứu và đề xuất mới về kỳ thi THPT.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga - chủ trì việc nghiên cứu, cho biết đây là đề tài nghiên cứu được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt quan tâm, là cơ sở để tiến tới việc đổi mới đánh giá ở phổ thông sau khi triển khai chương trình giáo dục mới.

Bảy lần đổi mới, vẫn áp lực

Theo nhóm nghiên cứu, tính từ năm 1975 đã có 7 lần đổi mới. Nhưng dù thay đổi nhiều, nhất là trong khoảng hơn một thập kỷ qua, có một điểm chưa thay đổi được đó là áp lực căng thẳng, đòi hỏi sự huy động cùng lúc nhiều lực lượng phục vụ nhưng chưa đảm bảo loại bỏ được yếu tố tiêu cực can thiệp vào kết quả thi.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga cho rằng với 12 năm giáo dục phổ thông mà không có được một kỳ đánh giá năng lực trên toàn quốc đúng nghĩa là một khiếm khuyết, thiếu cơ sở thực tiễn để đánh giá chất lượng giáo dục chung và chất lượng giáo dục các vùng miền khác nhau làm căn cứ để xây dựng, điều chỉnh chính sách.

Nhận xét về thực trạng tổ chức thi, thầy Nguyễn Văn Hòa - chủ tịch HĐQT trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội băn khoăn về việc thực hiện chương trình giáo dục mới thì đổi mới thi như thế nào.

Vì ông cho rằng cách thi hiện nay của ta vẫn không tác động ngược lại được việc dạy học ở phổ thông và không có thước đo đánh giá đúng năng lực học sinh. Bằng chứng là những người thành công trong xã hội nhiều khi không phải người có điểm số giỏi.

Giám đốc sở GD-ĐT Hà Tĩnh có mặt ở buổi hội thảo cũng bày tỏ: chỉ những ai lợi dụng kẽ hở của kỳ hiện nay để gian lận thì coi việc phân quyền mạnh về địa phương là cơ hội, còn lại phần đông cán bộ, lãnh đạo ở địa phương đều cảm thấy "áp lực khủng khiếp" vì rủi ro lúc nào cũng rình rập khi tổ chức một kỳ thi "2 trong 1".

Nên bỏ thi không cũng là vấn đề được đặt ra ở hội thảo. Ông Nguyễn Văn Trào - Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội băn khoăn: "Kỳ thi mà kết quả đỗ là 99% thì có nên tổ chức nữa không? Nếu vẫn tổ chức với mục đích duy trì chất lượng, có cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông thì cần làm khác với một thước đo đánh giá năng lực thực sự hợp lý".

Đề xuất phương án 100% học sinh được cấp chứng chỉ hoàn thành tốt nghiệp

Trao đổi với ý kiến của ông Trào, bà Phương Nga cho biết nhóm cũng nghiên cứu cả hướng "bỏ thi". Nhìn ra các nước, có Hàn Quốc và Tây Ban Nha bỏ thi tốt nghiệp THPT, không sử dụng kết quả thi phổ thông vào xét tuyển ĐH. Tuy nhiên ở những nước này, kỳ thi tuyển sinh ĐH trở nên áp lực kinh khủng, mức độ vượt xa Việt Nam.

Trong khi đó nhiều nước khác vẫn sử dụng kết quả thi THPT để làm căn cứ trong tuyển sinh ĐH, kết hợp các phương thức xét tuyển khác.

"Chúng tôi không đi tìm một phương án mới tinh, cũng không copy nguyên si mô hình nào mà nghiên cứu để đề xuất mô hình tiếp thu ưu điểm của nước ngoài, nhưng phù hợp với thực tiễn Việt Nam" - bà Phương Nga nói.

Nhóm nghiên cứu đưa ra hai phương án. Phương án 1 gồm hai thành tố: Một là các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đã hoàn thành chương trình và đạt các điều kiện theo quy định. Hai là thi THPT quốc gia. Trong đó học sinh có chứng chỉ, nếu có nguyện vọng thì dự kỳ thi THPT quốc gia.

Kỳ thi này có thể tổ chức 2-3 lần/năm do sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức và do trung tâm khảo thí đặt tai các tỉnh, thành triển khai. Thí sinh có thể chọn thời điểm thích hợp để dự thi. Các môn thi bắt buộc sẽ là Toán, Ngữ văn/tiếng Việt, Ngoại ngữ trong chương trình lớp 12.

Phương án 2 cũng bao gồm 2 thành tố. Một là các trường cũng tổ chức thi tại trường cho học sinh đã học xong chương trình THPT theo đề thi do trung tâm khảo thí của Bộ GD-ĐT thiết kế. Thời điểm thi do các trường chủ động. Học sinh thi đạt yêu cầu thì được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT.

Thành tố 2 là thi THPT quốc gia. Học sinh có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT được dự kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi được tổ chức 2-3 lần/năm do các trung tâm khảo thí đặt tại tỉnh, thành tổ chức và cũng có ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Để thực hiện các phương án trên, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng trung tâm khảo thí quốc gia và ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa theo ma trận dựa trên năng lực, phẩm chất học sinh cần đạt của các môn học. Bà Nga cho rằng hiện nay việc đánh giá cơ bản vẫn trên "điểm thô", vì việc xây dựng đề thi chuẩn hóa vẫn chỉ đang trên quá trình chuẩn bị.

Lộ trình nhóm nghiên cứu đưa ra là sẽ thi cả trên giấy và thi trên máy tính (với nơi có đủ điều kiện) và phải đánh giá và công bố công khai kết quả phân tích việc thi theo mô hình này cho xã hội (giai đoạn 2024-2025). Từ 2026 trở đi tổ chức thi đại trà trên máy tính, trừ đối tượng học sinh khuyết tật.

Trả lời các ý kiến phản biện, bà Phương Nga cho rằng việc thi sẽ giảm áp lực vì chỉ những học sinh muốn dự thi để có kết quả sử dụng vào mục đích như tuyển sinh đại học mới đăng ký và những đối tượng học sinh này cũng có nhiều lựa chọn dự thi vào thời điểm thích hợp chứ không phải chỉ có một kỳ thi duy nhất. Các em có chứng nhận hoàn thành chương trình THPT có thể tham gia thị trường lao động 1-2 năm sau mới dự kỳ thi quốc gia cũng được.

Mặt khác theo bà Nga, cần nâng cao vị thế hiệu trưởng khi đặt trách nhiệm đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh của trường vào tay hiệu trưởng. Hiệu trưởng có quyền cấp chứng nhận hoàn thành chương trình cho học sinh. Các chứng nhận này, về lâu dài có thể sử dụng vào việc tuyển sinh vào các trường nghề.

Uy tín của các trường phổ thông có thể "bảo đảm" cho các chứng nhận do hiệu trưởng cấp, điều này cũng tạo động lực cho các trường phổ thông chủ động nâng cao chất lượng.

Nhiều ý kiến ủng hộ các phương án đề xuất và cho rằng khi đã phân khúc như thế này thì đề thi phải tính toán để chỉ 70-75% học sinh dự thi THPT quốc gia đỗ chứ không phải 99-100% như bây giờ.

Trao đổi tại hội thảo, PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT góp ý nhóm nghiên cứu cần đặt phương án công nhận tốt nghiệp THPT trong hệ thống và như thế không thể tách rời việc tuyển sinh ĐH-CĐ.

Ông Trinh cho rằng kỳ thi THPT quốc gia hiện nay đã triển khai sang năm thứ 5 với các mục tiêu giảm áp lực, tốn kém cho xã hội và cho thí sinh, sử dụng công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ xét tuyển vào các cơ sở đào tạo, đây cũng là đánh giá cuối cùng kết hợp với đánh giá quá trình học phổ thông của học sinh.

"Việc tổ chức kỳ thi không phải chỉ nhằm xem có bao nhiêu học sinh đỗ, bao nhiêu trượt mà còn để đánh giá chất lượng, là cơ sở cho việc tác động điều chỉnh chính sách" - ông Trinh giải thích.

Ghi hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 thế nào cho đúng?

TTO - Từ hôm nay 1-4 đến 20-4, học sinh lớp 12 sẽ chính thức nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học năm 2019.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên