Như Tuổi Trẻ Online thông tin trước đó, chiều 30-11, tổ đại biểu Quốc hội - đơn vị 7 và tổ đại biểu HĐND TP.HCM - đơn vị 21 có buổi tiếp xúc cử tri quận Phú Nhuận.
Tại đây, một cử tri có ý kiến: "Cần xác định thời gian dễ phát sinh tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn để lập chốt kiểm tra". Đồng thời nêu thực trạng: vào ban ngày, giờ cao điểm người dân đi học, đi làm nhưng lại dừng xe kiểm tra nồng độ cồn như vừa qua là không hợp lý.
Cử tri này cũng cho rằng cần xác định những cung đường, điểm "nóng" nào thường xuyên có tai nạn để đặt các chốt kiểm tra. Bên cạnh đó, cần phải thông tin minh bạch, rộng rãi các thiết bị dùng để đo nồng độ cồn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Rất nhiều bạn đọc phản hồi về kiến nghị trên, Tuổi Trẻ Online trích đăng một vài ý kiến mang tính giải pháp cho vấn đề này.
Nên có trạm đo nồng độ cồn miễn phí
Uống rượu đến mức say không điều khiển được hành vi thì phải cấm trong tất cả các ngành chứ không chỉ trong giao thông. Nhưng tại sao nhiều nước phát triển người ta không chọn quy định mức 0 trong nồng độ cồn khi lái xe?
Dù theo phương án nào thì cũng nên có các trạm đo nồng độ cồn tự động, miễn phí để người dân tự kiểm tra trước khi tham gia giao thông và cũng là để đối chứng với máy đo nồng độ cồn của cơ quan chức năng trong trường hợp có tranh cãi hoặc là máy đo có sai số về kỹ thuật, tránh oan sai cho người dân.
(Bạn đọc Hưng)
Cần tôn trọng thời gian của người dân
Tôi là tài xế có 25 năm ôm vô lăng rồi nên tôi biết tác hại của bia rượu và chất kích thích như thế nào khi tham gia giao thông. Vì thế, chuyện uống rượu bia rồi tham gia giao thông là điều không thể chấp nhận.
Tuy nhiên người thừa hành công vụ cần phải nêu cao tinh thần tôn trọng thời gian của người dân. Để người dân hợp tác đo nồng độ cồn, lực lượng chức năng nên mềm mỏng và hòa nhã hơn với những trường hợp không vi phạm.
(Bạn đọc VT)
Không gây căng thẳng, nguy hiểm
Kiểm soát người say xỉn tham gia giao thông là cần thiết. Nhưng hình thức và cách làm phải văn minh và không gây căng thẳng, nguy hiểm cho người dân. Cá nhân tôi thấy một vài trường hợp lực lượng thi hành công vụ dang tay đứng chặn đường người dân đang lưu thông, nhất là vào ban tối, thật sự chưa ổn.
(Bạn đọc Đăng Công HN)
Tránh lạm quyền
Ra quy định đúng thì phải làm sao để thực thi cho đúng và hiệu quả thì mới hợp lòng dân. Làm sao để thấy được quy định và thực thi để xã hội tốt hơn thật sự. Tránh lạm quyền, không để chuyện kiểm tra, xử phạt theo chiến dịch cao điểm rồi thôi. Bởi làm theo phong trào thì khó có hiệu quả thật sự lắm!
(Bạn đọc Henry)
Bịt kẽ hở bị lạm dụng
Cấm người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông là đúng. Nhưng cần xem lại cách thực hiện để tránh lợi dụng phát sinh tiêu cực từ lực lượng chức năng. Về lâu dài cần có cách làm phù hợp để không ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp rượu bia, dịch vụ du lịch, giải trí là ngành nộp thuế cao cho ngân sách. Trước khi ban hành chính sách để thực thi phải đánh giá vấn đề toàn diện trên cơ sở cân nhắc ưu - nhược điểm, tác động của chính sách đến người dân, sinh kế và cả những kẽ hở có thể bị lạm dụng…
(Bạn đọc Khai Phong)
Xử phạt mang tính giáo dục là chính
Phạt vi phạm uống bia rượu mà lái xe là đúng, ngoài việc phạt tiền thì quan trọng nhất là phải mang tính giáo dục là chính. Tuy nhiên việc kiểm tra nồng độ cồn phải có giờ giấc nhất định chứ mới sáng đi làm mà thấy cảnh sát giao thông chặn xe để đo nồng độ cồn thấy chưa ổn sao đó!
(Bạn đọc Phương Thảo)
Hoàn thiện quy định và cách xử phạt
Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn gây nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều, kể cả trên nghị trường Quốc hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau... Nguyên nhân có lẽ do quy định này chưa có tính tâm phục khẩu phục và cần phải hoàn thiện hơn. Tài xế ăn nhậu rồi lái xe là nguy hiểm, cấm là đúng. Điều đáng nói là cấm làm sao đừng gây oan cho những người không ăn nhậu say xỉn mà khi đo nồng độ vẫn dính và bị xử lý như những bợm nhậu khác.
(Bạn đọc Bùi Đức Thắng)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận