Học sinh mua sách tại cửa hàng sách và thiết bị giáo dục SEDIDCO - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ông Lê Hoàng nói: "Hiện nay nhà trường chưa góp phần tốt vào việc hình thành , hay nói cụ thể hơn là thói quen, sự say mê đọc sách cho học sinh".
* Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của việc học sinh chưa có thói quen đọc sách?
- Hiện ở nhiều trường, học trò vẫn học theo phương pháp truyền đạt một chiều thông qua sách giáo khoa (SGK), giáo trình từ giáo viên.
Từ lý do này, cho học sinh thấy rằng không việc gì phải đọc sách, không cần phải vượt ra khuôn khổ giới hạn của SGK. Do vậy, học sinh không tìm đến thư viện, không tìm đọc sách một cách chủ động nên không hình thành văn hóa đọc.
Ở các nước phát triển, để thực hiện một chủ đề, giáo viên thường gợi ý cho học sinh đọc những quyển sách liên quan và được hướng dẫn để trình bày về chủ đề đó. Trong quá trình trình bày, tương tác, trao đổi..., học sinh sẽ thu hoạch được kiến thức. Tôi đề nghị biến "tiết thư viện" trong chính khóa thành môn văn hóa đọc cũng từ thực tế đó.
Ông Lê Hoàng - Ảnh: THANH ĐẠM
* Môn văn hóa đọc này sẽ có nội dung thế nào, thưa ông?
- Tôi tìm hiểu và được biết Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) đã làm rất tốt việc này. Từ năm học 2016-2017 trường đã xếp thời khóa biểu cho môn văn hóa đọc. Môn này có ở cả ba khối lớp, mỗi lớp một tiết/tuần trong cả năm học. Giáo viên dạy văn sẽ tư vấn cho học sinh việc chọn sách, đọc sách.
Mỗi tháng sẽ có một chủ đề đưa ra để học sinh chọn sách, có thể chọn tại thư viện trường hoặc tự tìm kiếm. Ngoài ra, học sinh có chia sẻ tốt trong tiết văn hóa đọc sẽ được giáo viên cho điểm. Điểm của môn này được đánh giá từ thái độ thực hiện nhiệm vụ, "nhật ký đọc" của học sinh.
Ngoài ra, trường khuyến khích học sinh viết "nhật ký đọc" theo cách học sinh thích, có thể chỉ là những câu nhận xét ngắn hoặc hình vẽ, ký hiệu hoặc bài viết dài đầy cảm xúc...
* Nhưng phát triển văn hóa đọc cho trẻ ngoài nhà trường cần có sự tham gia của gia đình nữa, thưa ông?
- Đúng vậy. Có nghịch lý là hiện nay hầu như ai cũng hiểu sách cực kỳ quan trọng nhưng thói quen đọc sách lại rất ít người có được. Nguyên nhân dễ thấy nhất là chúng ta không hình thành thói quen đọc sách từ trẻ thơ trong khi muốn tạo thói quen đọc sách chỉ có hai nơi: gia đình và nhà trường.
Cha mẹ nói sách rất quan trọng nhưng không quan tâm về việc giúp cho con mình đọc sách nên bây giờ mình làm tốt từ nhà trường để tác động đến cha mẹ học sinh.
* Thưa ông, Hội Xuất bản Việt Nam có những hoạt động gì hỗ trợ hình thành văn hóa đọc trong nhà trường?
- Trong năm 2019, chúng tôi sẽ cùng giáo viên, chuyên gia, các nhà xuất bản lập nên một danh mục những cuốn sách hay phù hợp với từng cấp học bởi thực tế hiện nay nhiều thầy cô, phụ huynh vẫn chưa biết chọn sách nào phù hợp và bổ ích cho trẻ.
Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp cùng dự án "Sách hay cho học sinh tiểu học" - đưa sách cho học sinh cũng như tổ chức hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo các trường, cán bộ thư viện về sự cần thiết và cách thức phát triển văn hóa đọc từ nhà trường...
Bà Mai Ngọc Liên (phó tổng giám đốc SEDIDCO - Công ty CP Đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam):
Tình yêu với sách sẽ được lan tỏa
Tôi rất ủng hộ ý tưởng về môn văn hóa đọc trong nhà trường. Hiện nay, học sinh mất quá nhiều thời gian để đọc thông tin online mà bỏ qua những cuốn sách bổ ích, tiết học này sẽ tạo ra môi trường đọc sách cho các em, khuyến khích các em đọc sách và tìm kiếm thông tin qua sách.
Trong tiết học này, các em có thể trao đổi, thảo luận, nêu ý kiến cá nhân về các vấn đề trong sách, từ đó áp dụng vào cuộc sống thực tế.
Không chỉ vậy, khi đọc sách cùng nhau, tình yêu với những cuốn sách sẽ ngày càng được lan tỏa đến các em, đến các gia đình và nuôi dưỡng văn hóa đọc nói chung của cộng đồng.
Tiết văn hóa đọc có sự tổ chức của giáo viên giúp các em có thể tự tìm kiếm thông tin qua sách (phát triển kỹ năng làm việc độc lập), cùng thảo luận và đưa ra phương án giải quyết vấn đề theo nhóm (phát triển kỹ năng làm việc nhóm). Những cuốn sách mang tính chất giáo dục kỹ năng, hay các cuốn sách thường thức khoa học... đều rất phù hợp với tiết học này.
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh (tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên):
Ý tưởng hay
Ý tưởng nên có môn văn hóa đọc trong nhà trường là một ý tưởng hay, nếu thực hiện được sẽ đem đến những tác động tích cực cho việc học tập trong nhà trường và còn ảnh hưởng sâu đậm đến hành trình khám phá tri thức của học sinh suốt cả cuộc đời.
Việc đưa môn này vào nhà trường có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích đọc sách, dạy phương pháp đọc và hình thành văn hóa đọc. Và từ nhà trường, văn hóa đọc sẽ lan tỏa ra toàn xã hội.
Em Nguyễn Bảo Ngân (lớp 6 Trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai):
Tạo thói quen từ nhỏ
Con ủng hộ nên đưa môn văn hóa đọc sách vào trường học vì chúng con bây giờ bị ảnh hưởng game, Internet quá nhiều... mà quên văn hóa đọc sách. Môn văn hóa đọc có thể sẽ phụ trợ cho cách hành văn, trí tượng tưởng để học các môn khác tốt hơn, nhất là môn văn.
Hơn nữa, lịch học văn hóa, học thêm đã chiếm hết thời gian đọc sách của chúng con rồi, mỗi khi cầm sách đọc lại nhớ bài tập ở lớp, ở nhà... nên đọc bỏ lửng, dang dở. Đưa môn này vào thì tụi con yên tâm mình có thời gian cố định mỗi tuần mỗi ngày để đọc các loại sách.
Th.Tâm - H.Bình ghi
Nhà nước hỗ trợ phát triển văn hóa đọc
Ở các nước Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản... các chương trình, bộ môn đọc sách trong nhà trường đã được hình thành từ lâu. Người Mỹ tạo thói quen đọc sách cho trẻ từ... trong bụng mẹ.
Người Nhật có "luật đọc sách" cho trẻ em trong nhà trường, thư viện hay luật chấn hưng văn hóa đọc. Họ nhận thức rằng sách rất cần thiết để hỗ trợ, bổ sung việc dạy trong nhà trường. Học sinh không chỉ học ở giáo viên, SGK, giáo trình mà từ cả kho tàng sách trong đời sống.
Năm 2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án nêu: "Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước; Phát triển văn hóa đọc trên cơ sở khai thác có hiệu quả và không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại; Nhà nước hỗ trợ phát triển văn hóa đọc, đồng thời đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận