Cô Trần Yến Linh hướng dẫn học sinh lớp 1/3 Trường tiểu học Trần Bình Trọng Q.5, TP.HCM cách cầm viết trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Người Việt chúng ta những năm gần đây bắt đầu làm quen với PAPI, tên gọi tắt của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công các tỉnh.
Nếu tính khách quan và hữu ích của các công bố từ PAPI được Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh thành đánh giá cao, thì các ngành chức năng ít nhiều cũng còn những nghi ngại nhất định. Điều này có lý do của nó.
Ngành chức năng lâu nay quen được các tổ chức cùng chức năng - thường là cấp cao hơn, đôi khi là các tổ chức quốc tế có uy tín - đánh giá thì mới “tâm phục khẩu phục”. Đằng này lại là người dân chính địa phương đó đánh giá, sử dụng những tiêu chí tương đối khác biệt.
“Mong hằng năm bộ máy công quyền các tỉnh thành sẽ tiếp tục được nhận những đánh giá quý báu từ PAPI, để tự cảnh tỉnh mình và đo đạc được những tiến bộ cũng như thụt lùi của mình, thay vì chỉ ngắm mình qua bảng xếp hạng thi đua |
Song, đây mới chính là nét rất hay của PAPI, vì ở quốc gia nào cũng vậy, dân chính là người thụ hưởng các chính sách, các dịch vụ công, nên cách nhìn của họ đáng tin hơn.
Cách chọn mẫu, điều tra và đúc kết của PAPI được thực hiện một cách rất khoa học, được đo đạc và lượng hóa.
Vì vậy, bất cứ tổ chức nào thật sự cầu thị đều có thể so sánh mình với tổ chức khác. Nhưng còn điều quan trọng hơn rất nhiều, đó là so sánh mình với chính mình theo dòng thời gian, biết được mình tiến hay lùi ở mặt nào, tiến lùi bao nhiêu điểm, thay vì “mẹ hát con khen hay” hoặc đánh giá kiểu “có một bước tiến bộ”...
Nhờ vậy, tổ chức đó có thể tự đặt cho mình kế hoạch khắc phục, tập trung vào những nội dung nào, thực hiện các giải pháp gì. Tóm lại, đánh giá theo PAPI là rất hữu ích và có hiệu quả vượt trội hơn hẳn các kiểu đánh giá thi đua lâu nay.
Xét riêng về giáo dục tiểu học công lập, PAPI đã rút ra được nhiều nhận xét quý giá và đúng thực tế. Bằng chín câu hỏi dễ hiểu, dễ trả lời, PAPI đã phác họa được bức tranh về độ hài lòng của dân đối với việc cung cấp dịch vụ tiểu học công lập. Bức tranh có nhiều chỗ sáng nhưng cũng còn góc âm u. Và nên cảm ơn PAPI về đóng góp thẳng thắn và quý giá này.
● Một chuyên gia giáo dục tiểu học: Định vị chất lượng giáo dục cần đặt trong “thế giới phẳng” Nếu đặt trong bối cảnh quốc gia thì giáo dục của TP.HCM có thể đứng đầu cả nước. Nhân dân, ngành giáo dục và chính quyền TP đã có những đầu tư và giải pháp quyết liệt, năng động để đưa giáo dục TP.HCM vươn lên so với giáo dục của các địa phương trong nước. Tuy nhiên, nếu đặt thành tích của giáo dục TP trong một không gian rộng hơn, so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn rất nhiều hạn chế cần khắc phục. Lấy giáo dục bậc tiểu học làm ví dụ. Các chỉ số về cơ sở vật chất để đáp ứng cho dạy học kiến thức văn hóa, rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe... vẫn còn rất hạn chế. Đó là không gian sân trường, không gian lớp học, trang bị máy móc, phòng ăn, phòng ngủ, sĩ số tối đa trên một lớp... rất ít trường đáp ứng được hơn một nửa các tiêu chí đó (tham khảo thống kê của thầy Ngô Minh Oanh, Viện Nghiên cứu giáo dục - ĐHSP TP.HCM). Còn về chương trình và phương pháp giảng dạy thì vẫn rất rối. Môn tiếng Anh chẳng hạn, nặng tính thử nghiệm, thiếu tính ổn định và ít được phản biện của những chuyên gia. Việc bố trí buổi thứ hai không khoa học, dẫn tới sự bất bình đẳng: học sinh nào được học bán trú, học sinh nào không, gây quá tải và lãng phí thời gian, tiền bạc... Chỉ với chừng này lý do cũng đủ thấy những sự cố gắng của ngành giáo dục TP về giáo dục tiểu học còn rất nhiều chỗ trống cần phải lấp đầy. Hiện nay chúng ta đã tham gia vào hội nhập, tức là tham gia vào một thế giới phẳng. Việc ngành giáo dục TP thấy thành tích nhưng thế giới thấy đó vẫn là hạn chế là hết sức bình thường. Và ngành giáo dục TP cần tiếp tục mổ xẻ để tiến lên. Mỹ Dung ghi |
* Chị Nguyễn Ngọc Hà (phụ huynh học sinh lớp 4, TP.HCM): Giáo dục tiểu học vẫn còn nhiều điều chưa được Có con năm nay vào lớp 4 một trường tiểu học công lập ở TP.HCM, tôi có nhiều suy nghĩ và trăn trở. Phải nói rằng có những việc giáo dục tiểu học TP.HCM làm được, như việc cố gắng cho tất cả học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, không phân biệt là tạm trú hay thường trú. Nhưng nếu nói về mong muốn môi trường học tập cho thế hệ tương lai của mình, tôi thấy sự hài lòng của cá nhân tôi cũng như một số phụ huynh mà tôi biết còn thấp. Ví dụ như con tôi không được học bán trú, trong khi hai vợ chồng tôi đều đi làm. Bán trú và học 2 buổi/ngày trở thành sự cạnh tranh gay gắt, vì đáp ứng được tất cả học sinh đi học đã là điều khó, nói chi đến phục vụ bán trú cho học sinh. Thứ đến là sĩ số học sinh/lớp của học sinh tiểu học nước mình cao quá. Lớp đông vừa khó quản lý, các cháu lại khó tập trung, không gian học oi bức... Chỉ riêng về sĩ số học sinh/lớp thôi, chắc chắn có trên 50% phụ huynh tiểu học ở TP.HCM có ý kiến giống tôi dù nói ra hay không nói ra. Mỹ Dung ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận