Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế tăng cường triển khai thực hiện hợp tác quốc tế, nghiên cứu đánh giá tác hại, đề xuất chính sách, pháp luật, truyền thông... đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Hệ lụy từ thuốc lá điện tử
Từ cổng trường học đến quán nước vỉa hè, quán cà phê... không khó để bắt gặp những làn khói trắng xóa, đầy hương thơm của thuốc lá điện tử.
Những năm gần đây tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở trẻ vị thành niên đã gia tăng. Đáng lo ngại hơn là việc trà trộn các loại ma túy vào thuốc lá điện tử khiến nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo thống kê của tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, chỉ riêng năm 2023 đã có 1.224 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.
Đáng lo ngại, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 11 tỉnh thành cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm
13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Đặc biệt, ở nữ giới tuổi 11-18, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng nicotin quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Không chỉ có nicotin mà còn có nhiều chất khác có hại cho sức khỏe người dùng. "Bởi vậy, Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề lớn và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Bộ Y tế đang xây dựng chính sách
Ngay khi thuốc lá điện tử xuất hiện và kéo theo hàng loạt các hệ lụy, Bộ Y tế đã đề xuất cấm tuyệt đối với loại thuốc lá thế hệ mới này. Trước đó, bộ đã có nhiều nghiên cứu đánh giá về tác hại, truyền thông đến cộng đồng và cả kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong vấn đề này.
Trong khi Việt Nam còn đang "bỏ ngỏ" quản lý thuốc lá điện tử thì tại khu vực ASEAN đã có năm quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Hiện có ba quốc gia bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ (Chile, Úc và Nhật).
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - cho hay quan điểm của Bộ Y tế đối với thuốc lá thế hệ mới là cấm tuyệt đối.
Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, bổ sung quy định này vào luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
Ông Khuê cũng cho hay song song với việc xây dựng chính sách cấm, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá mới.
Còn ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ chúng ta sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử, đồng thời khuyến khích các bậc phụ huynh, nhà trường và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ.
"Bộ Y tế kêu gọi sự hỗ trợ và cam kết từ các cơ quan chức năng trong việc xây dựng thể chế, chính sách nghiêm ngặt. Đặc biệt là cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới.
Tăng cường thực thi pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá mới trái phép, đặc biệt là việc bán cho trẻ vị thành niên", ông Thuấn khẳng định.
* Đại biểu NGUYỄN ANH TRÍ (ủy viên Ủy ban Xã hội):
Cần sớm cấm thuốc lá điện tử
Trong suốt thời gian qua, tôi đã có năm lần phát biểu tại Quốc hội về vấn đề liên quan đến việc phải cấm thuốc lá thế hệ mới, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tại phiên họp hôm 30-5 ở Quốc hội và trước đó là phiên giải trình của Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức, tôi đã tiếp tục nêu rõ quan điểm cần cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử, nung nóng.
Có rất nhiều ý kiến đại biểu và các bộ, ngành cũng đồng tình quan điểm phải cấm. Ở đây phải cấm tuyệt đối việc nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng đối với thuốc lá điện tử, nung nóng.
Thực tế đã có nhiều nghiên cứu chỉ rõ về tính chất, độc hại của các loại thuốc lá điện tử, nung nóng. Thuốc lá điện tử, nung nóng qua nghiên cứu cho thấy là nguyên nhân gây ra hàng chục loại bệnh khác nhau, trong đó ngoài bệnh phổi còn có bệnh thần kinh (gây ảo giác) và ung thư.
Bởi do theo sở thích, hám lợi... nên các nhà sản xuất phối trộn ngày càng nhiều các chất khác nhau, độc hại cao hơn. Hiện nay, theo thống kê mới nhất đã tìm, biết được hơn 30.000 chất khác nhau để đưa vào phối trộn ở thuốc lá điện tử, nung nóng.
Điều này cho thấy thuốc lá thông thường đã hại rồi nhưng với số lượng chất rất lớn, ngày càng nhiều thêm của thuốc lá điện tử, nung nóng cho thấy độc hại, nguy hiểm sẽ hơn thế.
Đặc biệt, thuốc lá điện tử, nung nóng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng đưa ma túy vào. Do đó, tác hại của các loại thuốc lá này rất lâu dài, ảnh hưởng tới sức khỏe, giống nòi của chúng ta.
Tôi đề nghị nếu dự thảo nghị quyết mà Chính phủ, Bộ Y tế đã chuẩn bị xong cần sớm trình Quốc hội và việc sửa luật nên theo quy trình rút gọn ở một kỳ họp. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân, nhất là với thế hệ trẻ.
* Đại biểu THÁI THỊ AN CHUNG (phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An):
Đề nghị xem xét sửa luật
Tôi đã có phát biểu trước Quốc hội về thực trạng cũng như tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng trong thanh thiếu niên.
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2024 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để kiểm soát cũng như hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới.
Bộ Y tế cho rằng khó khăn, vướng mắc hiện nay là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 chưa điều chỉnh các loại sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện sau khi luật ban hành. Do đó, thiếu một cơ chế pháp lý để nhận diện và quản lý.
Vì tương lai của thế hệ trẻ, tôi rất mong Chính phủ, Bộ Y tế sớm bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2025 về dự Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và có thể áp dụng quy trình xem xét, thông qua một kỳ họp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận