Ông Lê Như Tiến - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ông Tiến nói:
- Tôi cũng chỉ vừa biết thông tin này qua báo chí. Theo tôi được biết thì các cơ quan chức năng có liên quan hiện chưa phát ngôn chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu đây là thông tin chính xác thì dư luận sẽ suy nghĩ theo hướng có gì đó không bình thường. Ở chỗ vì sao lại có những quyết định bổ nhiệm gấp gáp như vậy. Một cử tri nhận xét với tôi là có vẻ như chạy đua với thời gian.
Sử dụng quyền lực được Nhà nước giao mà làm phúc bằng cách ký như vậy là lạm quyền, và thật ra không phải làm “phúc” mà đang gây “họa” Ông Lê Như Tiến |
* Nghĩa là việc gấp gáp đó, nếu có thật thì không phù hợp với công tác cán bộ vốn đòi hỏi phải cẩn trọng?
- Trong công tác cán bộ, Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều quy định chặt chẽ, đưa ra các quy trình, thủ tục cụ thể về quy hoạch, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Cụ thể như trước hết là phải giới thiệu được những người đầy đủ tiêu chuẩn, mà chúng ta hay nói là phải có đủ đức, đủ tài. Theo tôi được biết, Chính phủ cũng đã quy định số lượng cấp phó của các tổ chức thuộc cấp bộ không quá ba người. Trường hợp lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ mà vượt quá số lượng đó thì rõ ràng là không đúng quy định. Ví dụ cấp vụ mà có đến sáu phó vụ trưởng, có vẻ như số lãnh đạo vụ gần bằng số chuyên viên.
Hơn nữa việc bổ nhiệm cán bộ không phải là “bổ nhiệm tập thể”, mỗi nhân sự đều được xem xét theo quy trình riêng. Có thể là nhiều quyết định nhân sự được ký cùng lúc, nhưng trong thời gian ngắn mà cùng lúc phải xem xét riêng rẽ rất nhiều hồ sơ bổ nhiệm cán bộ thì liệu có đảm bảo chất lượng hay không?
* Ông có nghe các cử tri phản ảnh gì xung quanh câu chuyện này?
- Tôi có nghe một số ý kiến về cái gọi là “hội chứng chuẩn bị nghỉ hưu”, “hội chứng sống gấp”, nghĩa là có những động tác vội vàng chạy theo thời gian để làm những việc có thuận lợi cho cá nhân trước khi mình không còn giữ trọng trách được giao nữa. Tất nhiên ở đây tôi không đề cập cụ thể trường hợp nào có hay không hội chứng đó, chỉ phản ảnh lại ý kiến cử tri như vậy để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo, nghiên cứu thực tiễn và đề ra giải pháp.
Hội chứng đó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Ví dụ anh lãnh đạo cũ bổ nhiệm nhân sự hết rồi, thì đến anh lãnh đạo mới “cứ thế mà làm” thôi chứ làm sao có cơ hội sàng lọc, làm sao còn cơ hội được chọn người đủ đức đủ tài cho nhiệm kỳ của mình. Cũng không loại trừ có một số cán bộ được bổ nhiệm mang tâm lý hàm ơn ông sếp đã về hưu, chứ với ông sếp mới thì đâu có phải là người đã nâng đỡ, đề bạt mình.
* Nhưng lại có ý kiến cho rằng lãnh đạo sắp về hưu thì cứ ký bởi vì “thôi anh về thì làm phúc”. Ông nghĩ sao?
- Làm gì có quy định nào cho phép lãnh đạo làm phúc theo kiểu đó. Nếu anh thấy gia cảnh anh em khó khăn thì ông bỏ tiền túi ra giúp đỡ, dư luận sẽ hoan nghênh. Còn ông sử dụng quyền lực được Nhà nước giao mà làm phúc bằng cách ký như vậy là lạm quyền, và thật ra không phải làm “phúc” mà đang gây “họa”. Điều tôi suy nghĩ là trong công tác cán bộ nói riêng cũng như trong các hoạt động của cơ quan công quyền nói chung, có vai trò của cấp ủy, vai trò của tập thể, cán bộ, công chức, không nên để xảy ra sự việc nào đó mà trong nội bộ không có ý kiến để rồi sau đó chính báo chí là nơi lên tiếng đầu tiên.
* Ông có đề xuất giải pháp nào cho vấn đề này?
- Tôi có hai đề xuất. Một là nên chăng chúng ta có quy định cấm cán bộ lãnh đạo sắp nghỉ hưu, trong thời gian bao nhiêu tháng trước khi rời nhiệm sở thì không được ký kết các hợp đồng kinh tế lớn, các dự án lớn và không được ký bổ nhiệm nhân sự.
Tất nhiên anh vẫn điều hành bình thường, có thể tham gia những quyết định chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau nhưng không được ký. Trường hợp đó là một hợp đồng, một dự án, một nhân sự quan trọng cần có quyết định kịp thời thì phải được công khai, minh bạch kèm theo trách nhiệm rõ ràng.
Hai là cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật để không cho phép cán bộ lãnh đạo có những việc làm không đúng quy định mà vẫn “hạ cánh an toàn”. Anh về hưu rồi tôi vẫn hồi tố trách nhiệm đầy đủ nếu phát hiện trước đó anh làm sai.
Ông CHÂU MINH TỶ (nguyên chánh thanh tra TP.HCM, nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM): Không khó để làm rõ Cá nhân tôi tin rằng các trường hợp được bổ nhiệm đều phải làm đúng quy trình, trong đó một trong những khâu quyết định là xem xét của tập thể Ban cán sự Đảng ở cơ quan này. Nói như vậy để thấy rằng với công tác cán bộ thì thủ trưởng cơ quan không thể tự mình quyết định, tất cả quy trình đều quyết theo chế độ tập thể. Nếu bổ nhiệm chỉ một người thôi mà người đó không đủ tiêu chuẩn, không đúng với quy trình thì sai, còn bổ nhiệm đến 10 người hay hàng chục người vào một thời điểm nhất định mà đúng quy định thì không có gì sai. Do vậy, xét dưới góc độ pháp lý hay quy định về công tác cán bộ, thì số lượng người được bổ nhiệm, kể cả cùng được bổ nhiệm trong một thời gian nhất định không khẳng định được điều gì. Còn chuyện đặt vấn đề có bất thường hay không, thậm chí là tiêu cực, thì cũng dễ làm rõ thôi, cứ cho kiểm tra lại tất cả quy trình làm công tác cán bộ, đồng thời đánh giá lại sự phù hợp của mỗi cán bộ được bổ nhiệm cũng như nhu cầu của cơ quan, công việc. Cái này hoàn toàn có thể kiểm tra, vấn đề là có quyết làm hay không. Việc bổ nhiệm nhiều người trong thời gian ngắn, cho dù có yêu cầu thì cũng dễ gây cảm giác không bình thường. Khi công luận có ý kiến thì cần làm rõ, cũng là chuyện bình thường thôi. Tốt nhất Chính phủ nên giao Bộ Nội vụ chỉ đạo thanh tra bộ hoặc ngành kiểm tra Đảng hãy chủ động vào cuộc để làm rõ vấn đề mà dư luận quan tâm. Trong trường hợp nguyên tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền tuy đã nghỉ hưu tại địa phương (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) nhưng vẫn thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của trung ương. QUỐC THANH ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận