06/09/2018 09:58 GMT+7

Nên cấm đào tài nguyên lên bán

XUÂN LONG - LÊ THANH - NGỌC AN
XUÂN LONG - LÊ THANH - NGỌC AN

TTO - Cấm xuất khẩu khoáng sản thô là đề xuất của Bộ Tài chính trong văn bản vừa gửi cho Bộ Công thương. Trường hợp loại khoáng sản nào được xuất khẩu thì phải có giấy phép.

Nên cấm đào tài nguyên lên bán - Ảnh 1.

Khai thác titan ở Bình Thuận đã gây ô nhiễm môi trường trong khi sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu thô - Ảnh: DƯƠNG ANH THƠ

Để thúc đẩy xuất khẩu khoáng sản cũng như quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô, không áp dụng cho phép xuất khẩu cá biệt. 

Các loại khoáng sản cho phép xuất khẩu thì cần áp dụng giấy phép xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, đánh giá, hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản xuất khẩu, kiểm soát khai thác khoáng sản.

Không thể tăng tiếp thuế xuất khẩu

Cơ sở để đưa ra đề xuất như trên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Mạnh Tưởng - cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan - cho biết chủ trương của Đảng và Nhà nước là không khuyến khích xuất khẩu đối với tài nguyên khoáng sản ở dạng thô, chỉ khuyến khích xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ tài nguyên, khoáng sản đã qua chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao.

Về việc sửa đổi chính sách thuế để điều chỉnh việc xuất khẩu, Bộ Tài chính cho rằng không thể, bởi thực tế, một số loại khoáng sản đang chịu mức thuế xuất khẩu 30-40%, kịch khung quy định. Như quặng và tinh quặng sắt, mangan, đồng, chì, kẽm áp mức thuế xuất khẩu 40%.

Ngoài giải pháp thuế, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công thương áp dụng hàng rào kỹ thuật như có thể cấp hạn ngạch xuất khẩu, hoặc cấm xuất khẩu.

Ông Tưởng nói thêm: theo quy định, nguyên tắc chung là thuế xuất khẩu sẽ đánh cao đối với sản phẩm thô, và giảm dần với sản phẩm được chế biến. Còn thuế nhập khẩu thì ngược lại, đánh cao với thành phẩm và áp mức thấp với nguyên liệu, mục đích là để phục vụ sản xuất trong nước.

"Đối với khoáng sản, thuế xuất khẩu đã áp mức quá cao, nên việc tăng thuế xuất khẩu nhóm mặt hàng này không phù hợp. Do đó, chỉ còn giải pháp áp dụng biện pháp quản lý bằng hàng rào kỹ thuật. Cái này thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương" - ông Tưởng nói.

Nên cấm đào tài nguyên lên bán - Ảnh 2.

Một điểm khai thác titan ở Bình Thuận - Ảnh: ĐOÀN VĂN CẢNH

Quy định riêng với từng loại

Về đề xuất nghiên cứu thực hiện chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô, TS Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia về khoáng sản, cho rằng đây không hẳn là đề xuất mới trong quản lý khoáng sản xuất khẩu.

"Đến nay, khái niệm thế nào là khoáng sản thô, khoáng sản đã qua chế biến vẫn còn chưa rõ. Còn chủ trương không xuất khẩu khoáng sản thô đã có từ lâu, chứ không phải bây giờ mới đề cập. 

Từ năm 1993 cũng có văn bản nêu việc xuất khẩu khoáng sản phải qua chế biến, nhưng thế nào gọi là chế biến, chế biến đến mức độ nào, chế biến sâu bao nhiêu, đến nay chưa có quy định" - ông Sơn nêu.

Theo ông Sơn, trong chế biến khoáng sản có những ngưỡng chế biến sâu khác nhau, nhưng không có nghĩa tất cả khoáng sản chế biến sâu đều có hiệu quả. 

"Có những khoáng sản khi chế biến sâu sẽ không có hiệu quả, ví như quặng đồng. Chế biến sâu quặng đồng thành kim loại đồng thì giá thành còn đắt hơn là mua kim loại đồng, như vậy chỉ cần chế biến ở ngưỡng vừa phải bán là có hiệu quả. Ngược lại, với titan thì phải chế biến sâu, càng chế biến sâu càng có hiệu quả, lãi cao".

Vì vậy, theo ông Sơn, không thể có chính sách chung cho tất cả, mà cần có quy định riêng về chế biến với từng loại khoáng sản.

Dẫn chứng việc khai thác titan ở Bình Thuận, ông Sơn cho rằng quặng titan vốn nằm trong cát, nếu coi quá trình lọc cát lấy quặng là khâu chế biến để rồi xuất khẩu thì không ổn.

"Muốn biết hiệu quả hay không, cứ hỏi tỉnh Bình Thuận thu được bao nhiêu tiền thuế từ khai thác titan, trong khi khai thác be bét hết để lấy quặng titan bán, hiệu quả không cao. Với titan, dứt khoát phải qua chế biến. 

Còn nếu xuất khẩu tinh quặng titan dù đã qua chế biến nhưng đó mới chỉ là nguyên liệu chứ không phải sản phẩm titan kim loại" - ông Sơn nói.

Phải quy định "ngưỡng chế biến"

Dưới góc độ là cơ quan quản lý tài nguyên, ông Trần Văn Miến, vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam), cho biết: "Nếu đúng là tài nguyên khoáng sản thô dưới dạng bốc tài nguyên lên xuất ngay thì cũng nên cấm xuất".

Tuy nhiên, ông Miến cũng đồng quan điểm về việc cần có định hướng chế biến với từng loại khoáng sản. 

"Chúng tôi cũng mong muốn sớm có nghiên cứu để ra được quy định định hướng chế biến với từng loại khoáng sản, chế biến mỗi loại khoáng sản đến ngưỡng nào là cho hiệu quả cao nhất" - ông Miến bày tỏ.

Cũng như ông Sơn, ông Miến cho rằng sở dĩ cần có quy định có tính định hướng riêng trong chế biến từng loại khoáng sản vì không phải loại khoáng sản nào chế biến sâu cũng có lợi về kinh tế hay có lợi về môi trường.

"Nên chăng cần có nghiên cứu để có riêng một văn bản quy định cụ thể với từng loại khoáng sản, ngưỡng chế biến đến đâu là có lợi, định hướng chế biến sâu cho từng loại khoáng sản để có hiệu quả cao nhất.

Đương nhiên là không thể có quy định riêng cho 100% loại khoáng sản, nhưng quy định đó là cái gậy cơ bản để điều hành quản lý cho tốt, đảm bảo quản lý hài hòa giữa khai thác, chế biến và bảo vệ môi trường" - ông Miến nói.

Ông Lê Ái Thụ (chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam):

Giám sát chặt việc xuất khẩu khoáng sản

Tôi nhớ đã có rất nhiều văn bản, quy định, cả trong luật hay trong chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã nêu những ý như chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn.

Về đề nghị của Bộ Tài chính xung quanh việc nghiên cứu thực hiện chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô, có thể trên thực tế quản lý của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có thể biết được lượng khoáng sản xuất khẩu qua biên giới thế nào, họ nắm được những bất cập, họ có cơ sở đề nghị.

Tuy nhiên, với từng loại khoáng sản đủ điều kiện được xuất khẩu, tức là có tỉ lệ % chế biến cụ thể mới được xuất khẩu, tôi cho rằng cần giám sát chặt việc cho xuất khẩu.

Đồng thời, cũng cần xem xét cơ quan hải quan đã thực hiện nghiêm các quy định hiện hành khi cho xuất khẩu khoáng sản chưa.

Ví dụ quy định với loại khoáng sản này phải chế biến đạt tỉ lệ 10% mới được xuất khẩu nhưng có thực hiện đúng vậy không, hay mới đạt 5% đã cho xuất khẩu rồi?

Và quan trọng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường đều là các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến tài nguyên khoáng sản, nên chăng từng bộ cần rà soát, đánh giá lại các chính sách xem việc quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản đã thật sự hiệu quả chưa, cần sửa đổi gì để tài nguyên khoáng sản khai thác khi xuất khẩu có giá trị cao nhất.

Đề xuất đưa hơn 3.000ha ra khỏi quy hoạch

Trong 8 khu vực chưa cấp phép thăm dò (diện tích 7.344ha), tỉnh Bình Thuận đề xuất xem xét đưa ra khỏi quy hoạch 7 khu vực (diện tích 2.289ha).

Đối với 10 khu vực đã cấp giấy phép thăm dò (diện tích 9.641ha), xem xét đưa ra khỏi quy hoạch 5 khu vực (diện tích 914ha) để triển khai các dự án khác.

Các khu vực còn lại sẽ rà soát, cắt giảm các diện tích chồng lấn.

Ông Nguyễn Minh Đức (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam):

Có thể không phù hợp với cam kết CPTPP

nguyen-minh-duc

Đề xuất của Bộ Tài chính về việc cấm xuất khẩu khoáng sản thô có thể sẽ không phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn duy trì một số loại thuế xuất khẩu đối với hàng hóa là khoáng sản thô.

Trong quá trình đàm phán CPTPP, các nước khác cho rằng việc áp thuế xuất khẩu này có tác dụng trợ cấp sản xuất trong nước. Do đó, cần phải được hạn chế hoặc xóa bỏ.

Việt Nam đã cam kết mức thuế xuất khẩu tối đa, đồng thời cũng cam kết sẽ giảm dần tiến tới xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng. Mọi biện pháp thay đổi chính sách theo hướng nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản hiện nay cần được cân nhắc, rà soát kỹ trước khi ban hành.

Chính sách thuế đối với khoáng sản của Việt Nam trong vài năm qua biến động quá nhanh. Điều này không kích thích các doanh nghiệp đầu tư bài bản mà chỉ phù hợp với kiểu khai thác, kinh doanh chụp giật.

Quản trị tài nguyên cần phải chú trọng ba yếu tố là minh bạch thông tin về nguồn thu, bán được tài nguyên với giá tối đa và phát triển được ngành công nghiệp chế biến.

Bình Thuận tiếp tục "kêu cứu" về quy hoạch titan

TTO - Bình Thuận cho rằng quy hoạch khai thác, thăm dò, chế biến quặng titan có nhiều bất cập, cản trở tỉnh này phát triển.

XUÂN LONG - LÊ THANH - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên