Có đến 162 cây sọ khỉ cổ thụ trong số 215 cây xanh trên đường Nguyễn Văn Hưởng (Q.2) sẽ bị đốn bỏ trong kế hoạch của Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, TP.HCM.
Như nhiều người từng biết, để có những cây sọ khỉ cổ thụ (đường kính 50cm trở lên) trên các đường phố phải chăng đã có biết bao người toàn tâm toàn ý đầu tư công sức trồng, chăm sóc, bảo vệ qua một quãng thời gian dài đến 4-5 thập niên, thậm chí dài hơn.
Hơn thế nữa, 215 cây xanh trên một con đường là biểu tượng của một chặng đường văn hóa đô thị. Nay do triển khai dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường thì việc xử lý cây xanh là điều tất yếu, nhưng cũng không thể buông xuôi bằng cách đốn bỏ một cách vô tình như thế được. Chúng ta vẫn biết bất kỳ sự biến động nào cũng có cơ hội, thách thức và giải pháp.
Tôi cho rằng ông Trần Sĩ Thắng - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, chỉ nhìn vào thách thức mà không thấy cơ hội là chưa hợp lý.
Thách thức ông Thắng nêu ra là “Các cây loại 2 chiếm tỉ lệ hơn 75% trên tổng số cây dự định đốn bỏ, nên khả năng sống và duy trì phát triển cho các cây này khi bứng dưỡng rất thấp, chi phí bứng dưỡng, chăm sóc còn cao hơn chi phí trồng, chăm sóc cây mới, đồng thời theo quyết định số 45/2013 của UBND TP thì cây sọ khỉ thuộc danh mục cây cấm trồng ở TP.HCM”.
Theo chúng tôi, điều quan trọng là khi đã nhìn nhận được cơ hội thì việc tìm ra giải pháp thích hợp là chuyện không khó.
Thật ra, theo quyết định 45/2013/QĐ-UBND ngày 11-10-2013 của UBND TP.HCM, cây sọ khỉ chỉ nằm trong danh mục hạn chế trồng (phụ lục 2) chứ không phải cấm trồng như ông Thắng phát biểu.
Phải đến quyết định 52/2013/QĐ-UBND ngày 25-11-2013 của UBND TP.HCM thì cây sọ khỉ mới thuộc danh mục cây cấm trồng trên đường phố.
Như vậy, cơ hội đầu tiên là TP chỉ quy định cấm trồng trên đường phố, chúng ta còn có nhiều không gian (công viên, điểm xanh, vườn thực vật, không gian công trình văn hóa...) để lựa chọn di chuyển chúng đến theo kỹ thuật bứng dưỡng.
Vì ở những nơi này muốn có một cây cổ thụ như thế bằng cách trồng mới từ những cây đường kính 10-20cm thì phải mất bao lâu mới có được?
Cơ hội thứ hai là TP.HCM đang vào mùa có nhiều mưa, là điều kiện khá thuận lợi cho việc di chuyển và tái trồng. Nếu hạch toán theo hướng này, tôi nghĩ rằng những cây bứng dưỡng trồng lại có hiệu quả hơn trồng mới bằng cây nhỏ.
Đó là chưa nói nếu bứng dưỡng, chúng ta sẽ bảo tồn được những cây cổ thụ theo tinh thần của nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, đồng thời bảo tồn được chứng tích về nét văn hóa yêu môi trường, cảnh quan.
Với những luận cứ vừa nêu, chúng tôi hi vọng cơ quan hữu trách nghiên cứu kỹ hơn để nếu được thì nên bứng dưỡng.
Tôi tin rằng đây là mong muốn của nhiều người, cho dù không bứng dưỡng được cả 215 cây nhưng cũng không đến nỗi phải đốn bỏ toàn bộ.
Hãy giữ cây xanh Nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc cũng bày tỏ nuối tiếc với việc đốn bỏ hơn 200 cây xanh này. Bạn đọc Châu Thắm viết: “Tiếc quá! Có cần thiết đốn cây không, thành phố ngày càng thiếu cây xanh mà?”. Bạn đọc Thanh Vân cũng đặt vấn đề: “Người dân thành phố rất cần cây xanh để giảm bớt ô nhiễm, ngột ngạt. Một thành phố dù hiện đại đến đâu cũng cần phải có cây xanh”. Bạn đọc Huệ Lê cho rằng: “Đốn cây thật là uổng, chỉ cần mé nhánh, moi gốc lên đem đi dưỡng và trồng nơi khác là được rồi”. Đồng tình với đề xuất này, bạn đọc Trần Công Định đề nghị: “Nên xem xét cẩn thận về việc đốn bỏ cây xanh. Việc bứng dưỡng và trồng chỗ khác cần phải làm, không đặt vấn đề hiệu quả kinh tế mà là hiệu quả môi trường, mỹ quan. Một cây nhỏ nhất cũng mất trên 10 năm vun trồng, hãy đưa tới các khu công viên cho thiếu nhi có bóng mát vui chơi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận