Đó là ý kiến được nêu ra tại hội thảo góp ý sửa đổi các quy định về kinh tế trong Hiến pháp 1992 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 29-3.
“Đã là Hiến pháp mà lại còn “theo luật” thì Hiến pháp không có giá trị gì. Cái gì khác với Hiến pháp thì phải sửa, kể cả luật. Dự thảo sửa đổi lần này chưa toát lên được tinh thần ấy” - PGS.TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu. Bà lấy ví dụ điều 24: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật” và giải thích cho đề xuất của mình: “Chẳng hạn có 20 quyền về tự do đi lại nhưng luật cấm 19 quyền thì quyền tự do đó không có ý nghĩa gì. Do đó nên bỏ phần “theo luật” mà quy định luôn trong Hiến pháp là công dân có quyền tự do đi lại trừ trường hợp thụ án hoặc có dấu hiệu ảnh hưởng an ninh - quốc phòng. Nếu không thì chúng ta làm sao biết luật về sau sẽ quy định thế nào để bây giờ giơ tay thống nhất?”.
Đồng tình với bà Châu, GS.TSKH Đào Trí Úc từ ĐH Quốc gia Hà Nội lấy ví dụ về khái niệm tự do kinh doanh trong dự thảo (khoản 1 điều 56): Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Ông nói “theo quy định của pháp luật” là cái khóa muôn thuở gây nên sự thiếu nhất quán với việc thừa nhận tính khách quan của quyền tự do kinh doanh như một quyền của con người.
Vấn đề sở hữu đất đai cũng thu hút nhiều tranh luận tại hội thảo. Bà Châu ủng hộ quan điểm giữ nguyên sở hữu đất đai toàn dân nhưng đề xuất phải thay đổi nội hàm của khái niệm này theo hướng cần làm cho người sử dụng trực tiếp được nhiều quyền hơn. PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, khoa luật ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng nên giữ nguyên quan điểm sở hữu đất đai toàn dân, đồng thời chỉ ra rằng những vấn đề bức xúc hiện nay thường xuất phát từ các quy định cụ thể không phù hợp, thiếu thống nhất của luật và các văn bản pháp quy, việc thực thi pháp luật không nghiêm túc, không công bằng của các cấp chính quyền và người thực thi công vụ.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận