27/08/2015 10:31 GMT+7

Nên bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Nhiều đại biểu cho rằng nên quy định việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là bắt buộc thay vì “được quyền”.

Ngày 26-8, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu đã có ý kiến như trên.

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) quy định “việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung”.

Theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau.

Vì vậy để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với điều kiện nước ta thì quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình là phù hợp.

Còn tại các địa điểm khác thì có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng trên thực tế nhiều người liên quan muốn ghi âm, ghi hình nhưng điều tra viên không cho, vì vậy dự thảo luật phải quy định đây là thủ tục bắt buộc.

Đồng tình, đại biểu Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng: “Việc ghi âm, ghi hình phải được quy định là nghĩa vụ của người hỏi cung. Nếu thể hiện như trong dự thảo thì chỉ đáp ứng được một phần”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên