Phóng to | ||
"Nên nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc lên 4,5 triệu đồng/người/tháng thay vì 3,6 triệu đồng như đề xuất của Chính phủ" ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) |
"Đề nghị bổ sung thêm quy định theo hướng ưu tiên cho người phụ thuộc bị bệnh nan y. Cần chia sẻ với cuộc sống của họ" ĐB nguyễn văn minh (TP.HCM) |
"Thật ra 9 triệu đồng bây giờ cũng không phải dư dả gì lắm, cũng phải tằn tiện thì mới đảm bảo được những chi tiêu cần thiết... " ĐB uông chu lưu (phó chủ tịch Quốc hội) |
Ngoài việc ủng hộ nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế lên 9 triệu đồng/tháng, nhiều đại biểu (ĐB) cũng đề nghị nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc lên 4,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng những người phụ thuộc bị bệnh nan y, một số ĐB đề nghị cho hưởng mức giảm trừ gấp đôi so với người phụ thuộc bình thường...
Áp dụng sớm để dân được nhờ
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nói nên áp dụng từ đầu năm 2013 để sớm khoan sức dân, góp phần kích thích tiêu dùng, giảm hàng tồn kho. Tại một số tổ thảo luận khác, nhiều ĐB cùng chung quan điểm. “Tôi cho rằng nên quy định thời điểm luật có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 1-1-2013. Quy định như vậy sẽ phần nào giảm thiểu được tác động của trượt giá đến mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng, có lợi hơn cho người lao động, cũng dễ tính toán hơn cho cơ quan Nhà nước vì bảo đảm được đúng tiến độ ngân sách, đồng thời góp phần giải quyết chính sách an sinh xã hội trong thời điểm hiện nay”- ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nói.
Một số ĐB không đồng tình với cách giải thích của Chính phủ về thời gian áp dụng luật từ ngày 1-7-2013. Cụ thể, Chính phủ cho rằng cần phải có thời gian điều chỉnh phần mềm trong quản lý thuế, phần mềm kế toán có liên quan đến doanh nghiệp và cần thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng nếu nỗ lực tối đa vẫn làm kịp, văn bản hướng dẫn đã có dự thảo. “Các khó khăn như tờ trình của Chính phủ nêu hoàn toàn có thể gỡ, trong tầm tay, do vậy cần quyết tâm khắc phục để kịp áp dụng từ ngày 1-1-2013” - ĐB Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) nói.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị xem xét giảm bớt bậc thuế vì biểu thuế hiện hành có đến bảy bậc thuế là quá nhiều, trong khi nhiều nước chỉ có 1-3 bậc thuế. Do đó, ông Ngân đề nghị biểu thuế suất chỉ nên có năm bậc với các mức thuế suất 5%, 10%, 15%, 25% và 35%.
Phóng to |
Chị Vân (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) hi vọng mức giảm trừ mới sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2013 để cuộc sống “dễ thở” hơn khi chồng đã nghỉ hưu, hai con vẫn đang đi học - Ảnh: THANH ĐẠM |
Giảm trừ 4,5 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc?
Nhiều ý kiến thảo luận đồng tình cho rằng nâng mức giảm trừ cho người đóng thuế lên mức 9 triệu đồng/tháng (hiện tại 4 triệu đồng) là phù hợp. ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng mục tiêu của Luật thuế TNCN không phải là tận thu mà là điều chỉnh thu nhập, thực hiện công bằng xã hội. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang và Hoàng Hữu Phước đề xuất nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc lên 4,5 triệu đồng/người/tháng, thay vì 3,6 triệu đồng/người/tháng như đề xuất của Chính phủ (hiện nay là 1,6 triệu đồng/người/tháng).
Đặc biệt, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) đề nghị bổ sung quy định theo hướng ưu tiên cho người phụ thuộc bị bệnh nan y, có thể tính toán nâng mức giảm trừ cho đối tượng này lên gấp đôi so với người phụ thuộc bình thường (nâng lên mức 7,2 triệu đồng/tháng) hoặc mức giảm trừ bằng với người đóng thuế (9 triệu đồng/tháng). Theo ông Minh, người bị bệnh nan y và gia đình họ thường gặp rất nhiều khó khăn, cần chia sẻ với cuộc sống của họ. Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều ĐB khác.
ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng cần miễn trừ thuế đối với tiền trợ cấp độc hại, trợ cấp khó khăn, suy giảm sức lao động, tai nạn lao động... ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề xuất cân nhắc miễn trừ thuế cho nhóm những người nghỉ hưu nhưng lãnh tiền một lần thay vì lãnh hằng tháng, đồng thời lưu ý có một số khoản mà người nước ngoài được miễn trừ thuế trong khi người trong nước không được, ví dụ như vé máy bay.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn hiện có thực tế không “quản” hết những nguồn thu nhập, vừa thất thu thuế vừa không đảm bảo công bằng. Chẳng hạn có một bộ phận mà lương hay thu nhập chỉ khai vài triệu đồng, nhưng nhà cao cửa rộng, con cái đi học nước này nước khác, vậy có phải bộ phận này chưa khai hết thu nhập của mình? Trong khi đó, nhóm những người lao động bình thường, thu nhập ngay thẳng thì không thoát được đồng tiền thuế nào. Như vậy có đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế không?...
Ngày 15-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế): Áp dụng càng sớm càng tốt Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Ở đất nước ta có nét khác là một người trụ cột trong gia đình phải gánh vác rất nhiều, đồng thời cũng chưa có điều kiện hỗ trợ nhiều cho người già, người về hưu thu nhập rất thấp. Về thời điểm áp dụng, tôi thấy rằng khi đã ban hành thì áp dụng càng sớm càng tốt, đừng để lâu. Cần áp dụng ngay trong đầu năm 2013. |
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Lọt sàng xuống nia” Thật ra 9 triệu đồng bây giờ cũng không phải là dư dả gì lắm, cũng phải tằn tiện mới đảm bảo được những chi tiêu cần thiết cho gia đình, cho cá nhân họ. Một ý nữa là “lọt sàng xuống nia”. Khi người dân có được mức giảm trừ 9 triệu đồng thì cũng kích thích tiêu dùng. Sản xuất đang gặp khó khăn và hàng tồn kho nhiều, nếu không có kích thích tiêu dùng trong xã hội, trong dân cư thì sản xuất không phát triển được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận