Phóng to |
* Thưa ông, dịch heo tai xanh đã xuất hiện ở Long An, cửa ngõ TP.HCM. Giải pháp nào ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan tại các tỉnh phía Nam?
- Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đã có công điện hướng dẫn các địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, nơi có dấu hiệu dịch. Theo đó, đối với những nơi dịch đã lan rộng thì triển khai ngay việc bao vây chặt, không cho vận chuyển ra ngoài.
Riêng với những địa phương chưa có dịch thì triển khai ngay công tác phòng dịch, tổ chức các trạm chốt chặn kiểm dịch để kiểm tra việc vận chuyển heo từ các địa phương khác đến tiêu thụ hoặc đi ngang qua. Hiện các tỉnh từ Bình Định trở vào đã được triển khai rất khẩn trương. Địa phương nào phát hiện ổ dịch đầu tiên thì lập tức tiêu hủy ngay, rồi đưa mẫu đi xét nghiệm sau.Tuyệt đối không được giấu dịch.
* Khi heo đã bị dịch, có nhất thiết phải tiêu hủy hay vẫn có thể điều trị?
- Chủ trương của ngành là khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, lập tức xử lý tiêu hủy ngay để ngăn chặn sự lây lan. Khi dịch đã lây lan ra vùng lớn thì với những con bệnh nặng buộc phải tiêu hủy ngay, những con nhẹ hoặc đã chữa trị và bớt thì bao vây, cách ly khỏi vùng chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu tiêu hủy được thì tốt vì Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ 10.000 đồng/kg heo hơi tiêu hủy. Nếu địa phương không tiêu hủy, vẫn cho người dân chăn nuôi nhưng khâu cách ly làm không tốt, sau này dịch tái phát trở lại thì trách nhiệm thuộc về địa phương. Bởi trên thực tế dù có chữa trị khỏi thì đàn heo vẫn ủ bệnh với thời gian dài nhất là hai tháng. Vì thế lơ là chủ quan là dịch tái phát ngay lập tức.
* Thưa ông, ở một số địa phương dịch đã giảm nhưng người tiêu dùng vẫn quay lưng với thịt heo sạch?
- Đã có kết luận chính thức rằng dịch heo tai xanh không lây sang người. Riêng bệnh liên cầu khuẩn thì Bộ NN&PTNT cũng đã lập đoàn công tác đi thực tế và đã xác nhận: bệnh liên cầu khuẩn không phải là bệnh dịch mà chỉ một số người ăn phải tiết canh, thịt heo chết. Vì vậy theo tôi, với những vùng không có dịch thì tổ chức cho tiêu thụ bình thường, người dân nên ăn thịt bình thường. Tất nhiên thịt heo phải có dấu kiểm của thú y.
* Chiều 2-8, ông Trần Quang Củi, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết nhiều ngày qua đã có thông tin một số người đưa heo từ miền Trung về huyện đảo Phú Quốc tiêu thụ. Đường biển khó kiểm soát. Trong khi đó ở trên bộ, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL vẫn đang quản lý chặt lượng heo nhập vào qua các trạm kiểm dịch động vật. * Ngày 2-8, đoàn kiểm tra cơ động và Trạm thú y quận Thủ Đức, TP.HCM phát hiện 39 con heo sữa được vận chuyển trái phép trên một xe khách không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trước đó, Trạm thú y quận 6 kiểm tra phát hiện tại nhà số 2/9 Bửu Đình, phường 5 có 31 con heo cũng không có giấy kiểm soát giết mổ, giấy chứng nhận kiểm dịch. Theo ông Huỳnh Hữu Lợi - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP, tính đến thời điểm này, tại TP.HCM chưa phát hiện trường hợp heo bị nhiễm virus PRRS (bệnh tai xanh) độc lực cao gây chết heo. * Lúc 15g30 chiều qua 2-8, đội cơ động phòng chống dịch liên ngành huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã bắt quả tang tại nhà ông Nguyễn Đức Phong (ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa) đang giết mổ 38 con heo sữa (152kg) không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch để đưa đi TP.HCM. Trước đó ngày 31-7, đội cơ động phòng chống dịch liên ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã bắt quả tang gia đình bà Phan Thị Thanh Thanh (ở thôn 6, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) đang giết mổ 156 con heo sữa và cho vào thùng xốp 700kg thịt (tương đương với 300 con heo sữa) không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch. * Ngày 2-8, ông Dương Quốc Xuân - chủ tịch UBND tỉnh Long An - đã chính thức ký lệnh công bố dịch heo tai xanh trên địa bàn hai xã Long An và Mỹ Lộc thuộc huyện Cần Giuộc (Long An). Theo đó, mọi hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển heo và thịt thương phẩm trên địa bàn hai xã trên bị tạm đình chỉ. Từ ngày 13-7 đến nay, trên địa bàn xã Long An có hai ổ dịch heo tai xanh và xã Mỹ Lộc xảy ra một ổ dịch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận