01/07/2015 10:17 GMT+7

Ném đá xe khách & bài toán xây dựng nông thôn

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Nạn ném đá vào xe khách đang chạy có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là trên quốc lộ 14 qua các tỉnh Tây nguyên.

Kính xe khách giường nằm Ngọc Thông vỡ sau khi bị ném - Ảnh: B.D.
Kính xe khách giường nằm Ngọc Thông vỡ sau khi bị ném - Ảnh: B.D.

Đã có những vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, sức khỏe, thậm chí đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người, khiến xã hội rất bức xúc.

Rất nhiều giả thuyết về động cơ, mục đích của những kẻ thực hiện hành vi này đã được đưa ra.

Tuy nhiên, các kết quả điều tra từ cơ quan chức năng cho thấy trong phần lớn trường hợp, những kẻ ném đá là thanh niên sống ở các vùng nông thôn hai bên đường, ít học, không có công ăn việc làm ổn định.

Việc ném đá là hành động hoàn toàn tự phát, theo kiểu tùy thích, bất kể hậu quả lợi hại đối với xã hội, cộng đồng, chỉ để giết thời gian trong điều kiện vô công rỗi nghề hoặc... chỉ để cho vui, như lời khai của một trong các thủ phạm khi bị thẩm vấn.

Có thể nhìn nhận hiện tượng ứng xử nguy hiểm ấy trong tổng thể bức tranh xã hội của vùng nông thôn, như một biểu hiện sa đà tiêu cực trong lối sống của con người theo sự lôi cuốn của bản năng.

Trong hoàn cảnh sống nghèo khó cả về vật chất và tinh thần, sự sa đà đó là khó tránh khỏi, nếu không muốn nói là tất yếu đối với người ít học và không được định hướng sống một cách nghiêm túc.

Cứ hình dung: khi người ta không có việc làm, không có tiền, có nhiều thời gian nhàn rỗi nhưng không biết đi đâu, làm gì để vui chơi, giải trí lành mạnh thì... vậy đó.

Không khó để nhận ra nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng suy đồi nguy hiểm này: môi trường sống - nghĩa là vùng nông thôn - chứa đựng quá ít những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lối sống tích cực, trong khi lại có quá nhiều điều kiện cho lối sống tiêu cực, bế tắc sinh sôi, lan rộng.

Đáng lý ra, nếu quanh năm suốt tháng cứ phải quần quật cả ngày với công việc tạo thu nhập, đến chiều tối có rạp hát để đến nghe nhạc, xem kịch hoặc có sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... để đến chơi thể thao thì thanh niên sẽ không đi ném đá vào người khác, cũng chẳng kết lập băng nhóm để nhậu nhẹt, rồi ẩu đả, gây rối.

Giải pháp rốt ráo cho vấn nạn này như vậy cũng rõ ràng: phải quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển nông thôn.

Rõ hơn, phải làm thế nào để nông thôn được thiết kế như một không gian sống được và đáng sống: giao thông thuận tiện, thông suốt; có điện, có nước sạch; có nơi học tập; có điều kiện cho con người, nhất là người trẻ tuổi, triển khai sinh kế bền vững; có nơi vui chơi, giải trí lành mạnh để thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng...

Cần nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện vẫn là một nước nông nghiệp, trên dưới hai phần ba dân số vẫn sống ở vùng nông thôn và phần lớn trong số dân đó ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Bởi vậy, đầu tư cho nông thôn để xây dựng không gian sống lành mạnh, tích cực là việc hết sức cần thiết, không chỉ cho việc cải thiện điều kiện sống hiện tại của đại đa số người dân, mà còn tạo bàn đạp thúc đẩy sự phát triển dài lâu.

Thật ra, tất cả những điều này đã được thừa nhận, khẳng định từ lâu và trên thực tế đã có những chủ trương, chính sách, kế hoạch được xây dựng và triển khai.

Tuy nhiên, bức tranh cuộc sống nông thôn đến nay vẫn chưa khởi sắc. Từ nhận thức, dự tính đến hành động thực tiễn thiết thực, tích cực vẫn còn khoảng cách lớn.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên