Ném đá dò đường sống chung với COVID-19

HIẾU THẢO - Y.L. 18/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Hơn một năm rưỡi từ sau khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, các chính phủ ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang khuyến khích mọi người quay trở lại nhịp sống hằng ngày và học cách thích nghi với những điều kiện sống mới nhằm chung sống với virus SARS-CoV-2.

 
 Thông báo nhắc đeo khẩu trang ở Sydney (Úc). Ảnh: Reuters

Với sự xuất hiện của biến thể Delta, kéo theo các đợt bùng phát mới, đại dịch vẫn đang là một nỗi ám ảnh với người dân. Tuy nhiên, các chính phủ đã thừa nhận một thực tế rằng họ không thể ngăn sông cấm chợ với bên ngoài lâu hơn nữa; thay vào đó, tiến hành phong tỏa theo đợt và vạch ra những quy định cụ thể về giãn cách xã hội sẽ là một phương án phục hồi khả thi hơn. Một số quốc gia theo đuổi tham vọng sạch bóng COVID cũng đang nỗ lực hòa vào dòng xu hướng này.

Chuyện những láng giềng Đông Nam Á

“Chúng ta cần nói với người dân: Sẽ có rất nhiều ca lây nhiễm mới, và đó là một phần của kế hoạch; chúng ta phải để mọi thứ diễn ra như vậy” - Dale Fisher, giáo sư ĐH Quốc gia Singapore (NUS) và là chủ tịch Hội đồng Kiểm soát và phòng chống lây nhiễm quốc gia thuộc Bộ Y tế nước này, từng chia sẻ như thế với báo The New York Times hồi tháng 7. Trước đó một tháng, một nhóm bộ trưởng của Singapore đã viết trên nhật báo Straits Times rằng: “Người dân của chúng ta đang chiến đấu đầy mệt mỏi. Tất cả đều chung một thắc mắc: đến khi nào và bằng cách nào trận đại dịch này sẽ kết thúc?”.

Điều này cho thấy ý định chung sống cùng COVID-19, thông qua việc giảm dần các biện pháp giới hạn, của đảo quốc này đã được ấp ủ và tính toán cẩn trọng trước khi chính thức thực thi. Các kế hoạch bao gồm chuyển sang theo dõi số người bệnh nặng, bao nhiêu người cần chăm sóc đặc biệt và bao nhiêu người cần đặt nội khí quản, thay vì đuổi theo số ca nhiễm.

Những kế hoạch này đều dựa trên kinh nghiệm và hiệu quả của những động thái chính phủ từng thực hiện từ đầu mùa dịch. Singapore đã đẩy mạnh tiêm phòng đầy đủ cho công dân của mình noi theo hình mẫu là Israel - nơi 78% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19.

Kết quả: Singapore gặt hái được nhiều thành công so với các nước trong khu vực, với 80% dân số (khoảng 5,7 triệu người) đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Từ ngày 6-8, người Singapore tiêm phòng đầy đủ đã có thể dùng bữa tại các nhà hàng theo nhóm 5 người, các hộ gia đình cũng được phép tiếp 5 khách đến thăm. Từ ngày 19-8, các sở làm việc được phép đón 50% nhân viên trở lại văn phòng.

Các buổi biểu diễn trực tiếp, rạp chiếu phim, sự kiện thể thao, triển lãm, hội nghị và đám cưới được đón tối đa 1.000 người tham dự đã được tiêm chủng, kèm tối đa 50 người chưa được tiêm chủng. Du lịch cũng dần trở lại, khi từ tháng 9 này, những người đã tiêm vaccine đến từ Đức và Brunei cũng sẽ được phép nhập cảnh vào Singapore mà không phải cách ly.

Trong khi đó, tại Campuchia, ngay cả khi số ca nhiễm tăng lên 94.000, với khoảng 2.000 ca (hầu hết là người đã tiêm vaccine) ghi nhận trong đợt bùng phát của biến thể Delta, người dân vẫn được thông báo rằng họ phải học cách sống chung với COVID-19 bởi nền kinh tế cần được khôi phục sớm nhất có thể.

Tờ Khmer Times ngày 3-9 dẫn lời người phát ngôn Or Vandine cho biết Bộ Y tế đang soạn thảo một chiến lược để giảm bớt các hạn chế liên quan đến COVID-19 để người dân có thể có một cuộc sống bình thường hơn. Bà cho biết chiến lược bao gồm cả việc chấp nhận thực tế rằng dịch bệnh đang và sẽ còn tiếp diễn lâu dài, mọi người sẽ cần tuân theo các hướng dẫn của chính phủ và suy nghĩ tích cực.

Các bộ ban ngành khá lạc quan về những viễn cảnh để đạt được “trạng thái bình thường mới”. Bộ trưởng Kinh tế Aun Pornmoniroth đã đệ trình “Lộ trình khôi phục du lịch Campuchia trong và sau cuộc khủng hoảng COVID-19” từ nay đến năm 2025 lên Thủ tướng Hun Sen.

Trên chặng đường gập ghềnh đối phó với virus corona, Campuchia cần đạt được miễn dịch cộng đồng đủ để tạo kháng thể, giảm thiểu tối đa số ca nhập viện và tử vong. “Nền kinh tế toàn cầu đang học cách chung sống với COVID-19. Một yếu tố then chốt để nền kinh tế có thể phát triển mạnh trong thế giới COVID-19 là tiêm chủng. Campuchia đang đi đúng hướng, với gần 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ” - nhà kinh tế cao cấp Katrina Ell của Moody’s Analytics nói với Khmer Times.

Chính phủ Campuchia cho rằng bình thường mới là tuân thủ “3 có” và “3 không”: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách 1,5m; không đến không gian kín, tránh xa đám đông và không chạm vào người khác.

Còn tại Thái Lan, từ ngày 1-9 nhà chức trách nới lỏng nhiều hạn chế được áp dụng tại thủ đô (đã đóng cửa từ tháng 7) và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác để giảm tác động đến các doanh nghiệp.

“Thật không thể tin được chúng ta có thể trở lại bình thường. Tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra vì chúng ta đã sống với COVID-19 quá lâu và chỉ ở trong nhà chứ không đi đâu cả. Thật là thoải mái khi được trở lại đây mua sắm” - bà Pornthip Thiensanthiranon, 69 tuổi, nói với ABC News khi đang mua sắm tại trung tâm thương mại Iconsiam sang trọng ở Bangkok.

Tại đây, khách hàng được nhân viên chào đón và tặng gel sát khuẩn tay. Người mua hàng được hướng dẫn đăng ký thông qua một ứng dụng, trong khi nhân viên phải thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 một cách thường xuyên. Pairoj Fuangbangruang, một người bán thực phẩm tại Iconsiam, cho biết anh “rất vui vì có thể trở lại làm việc. Cuối cùng, tôi đã có thể kiếm sống lại”.

Thái Lan bắt đầu từng bước mở cửa trở lại, sau khi số ca nhiễm giảm trong các tuần gần đây. Hiện khoảng 90,4% trong số 7,69 triệu người ở Bangkok đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 22,4% được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi. Trên toàn quốc, khoảng 32,6 triệu liều đã được tiêm; khoảng 34,5% dân số được tiêm ít nhất một liều và 11,9% được tiêm chủng đầy đủ.

Các quốc gia Đông Nam Á khác vẫn còn một chặng đường dài trước khi thực sự có thể chung sống với virus, nếu xét đến yếu tố quan trọng kể trên: tỉ lệ phủ vaccine. Chẳng hạn, Indonesia mới đạt 13,4% dân số được tiêm đầy đủ, trong khi Myanmar mới 3,4% và Việt Nam là 2,9%, theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).

 
 Ảnh: Reuters

Phủ vaccine là chìa khóa

Ở những nơi mà vaccine đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều tháng như Mỹ và châu Âu, các quốc gia đã đặt cược lớn vào các chương trình tiêm chủng của họ như một tấm vé thoát khỏi đại dịch và là chìa khóa để giữ tỉ lệ nhập viện và tử vong ở mức thấp.

Từ ngày 23-8, toàn bộ 16 bang ở Đức áp dụng quy tắc 3G - geimpft (tiêm ngừa), genesen (khỏi bệnh) và getestet (xét nghiệm); những ai thỏa 1 trong 3 điều kiện này có thể vào các không gian trong nhà như tiệm ăn, phòng gym, dự sự kiện. Theo Đài DW, quy tắc áp dụng toàn quốc này nhằm tránh việc phải áp đặt các lệnh hạn chế mạnh hơn như phong tỏa trong tương lai và khuyến khích người dân tiêm vắc xin.

Vương quốc Anh đã tiêm phòng cho gần như tất cả những cư dân dễ bị tổn thương nhất, đã thực hiện cách tiếp cận quyết liệt nhất: loại bỏ gần như tất cả các hạn chế xã hội liên quan đến COVID-19, bất chấp sự gia tăng của các ca nhiễm biến thể Delta, đặc biệt là ở những người trẻ. Các quán rượu, nhà hàng và câu lạc bộ đêm mở rộng cửa; những giới hạn về tụ tập và khẩu trang cũng được dỡ bỏ.

Trong bối cảnh không có quy tắc nào được áp dụng, chính phủ kêu gọi người dân nâng cao trách nhiệm cá nhân để duy trì sự an toàn chung trong cộng đồng. Sajid Javid, Bộ trưởng Y tế của Anh, phát biểu vào tháng 6-2021 rằng quốc gia này cần phải “học cách chung sống” với virus. Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Anh mong đợi một cách tiếp cận từ tốn hơn đối với việc mở cửa trở lại.

Mới đây nhất, từ ngày 6-9, Cộng hòa Ireland tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế như cho phép các hoạt động ngoài trời và tụ tập đông người diễn ra với 75% công suất, tất cả những người tham dự phải được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh; rạp phim, nhà hát được đón 60% công suất chứa, tất cả khách phải miễn dịch với COVID-19; đám cưới được tổ chức ca hát và nhảy múa... cùng với kế hoạch để người dân dần trở lại sở làm.

Từ ngày 20-9, Chính phủ Ireland tiếp tục nới lỏng các hạn chế đối với các hoạt động thể thao, nghệ thuật, văn hóa trong nhà và ngoài trời. Phần lớn các biện pháp giới hạn sẽ được dỡ bỏ từ ngày 22-10, trong đó quan trọng nhất là người dân không cần phải chứng minh đã “3G” như ở Đức để có thể tiếp cận, tham gia bất kỳ hoạt động hoặc sự kiện nào, ngoại trừ du lịch quốc tế, theo BBC. Chính phủ Ireland đã thống nhất mốc thời gian 22-10, trên cơ sở 90% dân số trưởng thành đã được tiêm ngừa và số ca nhiễm đang được kiểm soát.

Phó thủ tướng Ireland Leo Varadkar hôm 6-9 tuyên bố các kế hoạch trên hoàn toàn khả thi nhờ vào “chương trình tiêm chủng đẳng cấp thế giới” của nước này, theo kênh RTÉ News.

Từ “sống chung” đến “chống chịu”

undefined

 

Theo Lawrence Wong, đồng chủ tịch lực lượng tác chiến COVID-19 của Singapore, tỉ lệ tiêm chủng cao cho phép nước này chuyển sang giai đoạn mới, không hẳn là “sống chung” với virus mà là “có khả năng chống chịu” (resilient) với nó. Wong giải thích rằng bản chất của giai đoạn mới này là ngay cả khi các số ca nhiễm tăng nhẹ, chính phủ sẽ không đưa ra các lệnh hạn chế mới. “Chúng tôi sẽ chỉ quay lại các giải pháp mạnh như lựa chọn cuối cùng để ngăn hệ thống bệnh viện không bị quá tải” - Wong nói với Channel News Asia.

 

Tranh cãi và cẩn trọng

Khác với các nước, tại Úc, những tranh luận căng thẳng quanh việc phải học cách sống chung với dịch hay tiếp tục gia hạn những lệnh cấm dai dẳng đã trở thành một đề tài sôi nổi trên chính trường. Hồi tháng 7, một số nhà lập pháp cấp bang đề xuất Úc nên theo xu hướng chung của thế giới và cần từ bỏ hướng tiếp cận quốc gia “Zero COVID” của mình.

Đề xuất được đưa ra khi chỉ có khoảng 11% người Úc trên 16 tuổi được tiêm chủng đầy đủ chống lại COVID-19. Tính đến cuối tháng 8-2021, con số này đã tăng lên khoảng 34%. Gladys Berejiklian, thủ hiến bang New South Wales, đã bác bỏ đề xuất trên và cho rằng “Không có tiểu bang hay quốc gia nào trên hành tinh có thể sống với biến thể Delta khi tỉ lệ tiêm chủng quá thấp”.

Riêng với bang mình đang lãnh đạo, bà Berejiklian tuyên bố New South Wales chỉ sẽ mở cửa trở lại khi 70% dân số trên 16 tuổi tiêm đủ 2 liều vaccine. “[Chuyện mở cửa] chỉ dành cho người đã tiêm chủng” - bà tuyên bố ngày 7-9, khi tỉ lệ tiêm 2 mũi chỉ mới trên 41%.

Trước đó, hôm 1-9 Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố trước Quốc hội rằng Úc cuối cùng cũng cần phải được giải thoát khỏi phong tỏa. “Úc có thể sống với virus” - ông nói.

Chính phủ liên bang đang thúc ép các bang và vùng lãnh thổ tuân theo kế hoạch mở cửa trở lại quốc gia, sau khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 70 - 80%. Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg kêu gọi lãnh đạo các bang tuân theo các kế hoạch mở cửa trở lại quốc gia.

“[Đó là] kế hoạch cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại và lập kế hoạch cho tương lai của chính họ... Một kế hoạch đưa nước Úc tiến về phía trước để sống an toàn với virus” - ông Frydenberg nói.■

Về những hoài nghi xung quanh chuyện sống chung với virus, New York Times hồi tháng 7 từng dẫn lời Michael Baker, một nhà dịch tễ học tại Đại học Otago ở New Zealand, cho rằng các quốc gia “đi tắt trên con đường mở cửa trở lại” đang khiến những người chưa được tiêm phòng gặp rủi ro và đánh cược tính mạng của họ.

“Tại thời điểm này, tôi thực sự thấy ngạc nhiên khi các chính phủ cho rằng họ biết đủ nhiều về việc loại virus này sẽ phản ứng như thế nào lên các quần thể dân cư để đưa ra quyết định “Chúng ta sẽ cùng chung sống với nó”” - ông nói.

Có thể nói khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về “COVID kéo dài” - các triệu chứng kéo dài mà hàng trăm nghìn bệnh nhân bị nhiễm bệnh trước đây vẫn đang phải vật lộn hằng ngày. Các nhà nghiên cứu cho rằng COVID-19 không nên được điều trị như bệnh cúm vì nó nguy hiểm hơn nhiều, không ai có thể chắc chắn về thời gian miễn dịch của vaccine cũng như mức độ bảo vệ chống lại các biến thể.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận