TTO giới thiệu với bạn đọc:
Phóng to |
Hiện trường vụ “đuổi trộm, tài xế ôtô gây tai nạn” - Ảnh: HOÀNG LỘC |
Từ vụ đuổi trộm của một tài xế gây tai nạn liên hoàn, với tư cách là bạn đọc báo Tuổi Trẻ, tôi viết bài “Con người phải được bảo vệ trước tiên” gởi đến những người cầm lái.
Ý bài rõ ràng khuyên tài xế không nên dùng xe (nguồn nguy hiểm cao độ) đuổi cướp. Bài được đăng trên Tuổi Trẻ ra ngày 28-2, đã tạo ra một diễn đàn tranh luận sôi nổi giữa các bạn đọc trên TTO (Tuổi Trẻ Online) với nhiều ý kiến trái chiều nhau. Có vài ý kiến cho rằng: nếu theo tinh thần bài viết thì bọn trộm sẽ lộng hành, dẫn đến cuộc sống người dân bất an hoặc đó chỉ là lý thuyết trong nhà trường.
Theo tôi, trong chúng ta không một ai dung tha cái xấu, nhất là đối với bọn trộm cướp. Giả sử vừa nghe tiếng tri hô: “cướp, cướp…”, tức thì người người ùa ra đường tham gia bắt cướp, lúc đó bọn chúng có chạy đằng trời. Nhưng trên thực tế, qua nhiều vụ cướp giật đường phố cho ta thấy người dân thiếu đoàn kết, đã làm ngơ hoặc quá sợ để chúng tẩu thoát. Chứ chưa phải từ một lời khuyên đừng dùng ô-tô bắt cướp mà cướp sẽ lộng hành.
Ông bà ta có câu: “Ném chuột bể đồ”, ý khuyên chúng ta cẩn thận đừng vì một việc nhỏ mà gây tổn thất lớn. Với tinh thần câu thành ngữ này, lấy vụ tai nạn dùng ô-tô đuổi trộm mà suy xét thì nhãn tiền sự việc: Chuột (trộm) tuy đã bị tóm, nhưng đồ quý (người lái xích lô) cũng đã bị bể. Giả sử như bác tài xe ôm lúc ấy không đi đâu đó, mà ngồi trên xe mình như mọi khi... Hoặc chiếc Innova không lao vào vỉa hè mà đâm vào nơi đông người đang chờ đèn tín hiệu trước các giao lộ, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Khi đó đau thương sẽ ngất trời! Chúng ta sẽ nghe những tiếng khóc thảm của những người con mất cha, vợ mất chồng… Chắc chắn trong số nạn nhân đó, có nhiều người là trụ cột gia đình (như đã từng có trong các vụ tai nạn trước), cha mẹ già đang cần họ nuôi dưỡng sẽ héo hon, tình cảnh con cái họ sẽ như những con chim non rục chết trong tổ bởi chim bố mẹ không trở về…
Tôi là một tài xế, bắt đầu tập tành cầm lái trước ngày đất nước thống nhất, sau đó là một thời gian khổ ôm lái những chiếc xe cũ kỹ chạy bằng than thời khan hiếm xăng dầu; rồi lái xe cho các công ty trong và ngoài nước (Iraq), hiện đang lái xe tại báo Pháp Luật TP.HCM. Trong quãng thời gian hành nghề nói trên, tôi từng chứng kiến những tay lái kỳ cựu thuộc bậc đàn anh mình, đã không ít người chỉ vì sơ sẩy một chút là vào nhà giam sống trong ân hận hoặc thành người tàn phế...
Sự trải nghiệm đó đã cho tôi có cách nhìn riêng về nghề nghiệp của mình: “Không có lái xe giỏi mà chỉ có lái xe an toàn”. Một người được cho là lái xe an toàn là chỉ khi nào không còn cầm lái nữa, nghĩa là ngày nào còn ngồi sau tay lái cho xe lăn một vòng bánh là phải cẩn thận.Chỉ vài năm nữa là tôi về hưu, hy vọng trong quá trình cầm lái mưu sinh còn lại của mình, tôi không làm tổn hại đến hạnh phúc (cuộc sống) của bất kì một ai. Khi đó sự về hưu mới có ý nghĩa an dưỡng thể xác lẫn yên ổn về tinh thần. Đó mới đích thực sự “hạ cánh” an toàn cho một tài xế.
Trên nền tâm tư ấy, tôi viết bài “Con người phải được bảo vệ trước tiên” với ước muốn giảm thiểu tai nạn giao thông ở nước ta, một nước có số người chết vì tai nạn hàng đầu thế giới. Bài viết không hề “ném đá” vào người tài xế gây nên vụ tai nạn nói trên, vốn đang cần được chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận